Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Cuộc tình đã nên duyên

 



Mùa Vọng đã về. Mùa vọng có hai chủ đề chính: đón mừng biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ con người và chuẩn bị đón mừng ngày quang lâm của Đức Giê su với vũ trụ và gần hơn là với từng người khi cái chết xảy đến. Có thể nói, Mùa Vọng là mùa kỷ niệm một cuộc tình: Con Thiên Chúa kết hôn cùng nhân loại. Xin mượn hình ảnh một cuộc tình nhân loại (đôi tân hôn) để diễn tả vài khía cạnh của cuộc tình Giê su với từng tâm hồn.

Trong một cuộc tiếp xúc với chị Lucia (một trong 3 trẻ được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima), chị cho biết trận chiến của sa tan trong thời đại hôm nay là tấn công vào các gia đình. Tin tức truyền thông luôn nêu lên những mảng tối của gia đình: những con số thống kê về các gia đình bị ly hôn, những chia rẽ bất hòa, phản bội, hưởng lạc của kẻ lắm tiền… để làm lung lạc các nền tảng đạo đức của đức khiết tịnh hôn nhân. Tôi tự hỏi: trong số những vụ ly hôn đó có bao nhiêu cặp gia đình sống đạo tử tế, có lẽ tỷ lệ sẽ rất thấp. Chúng ta đừng khiếp đảm trước sự lan tràn của tội ác, đừng tiếp tục lan truyền những mảng tối của cuộc đời, hãy tin rằng: ánh sáng của mặt trời công chính đã chiếu rạng và xua tan bóng đêm vì Đức Ki tô đã sống lại từ cõi chết! Hãy liên tục cầu nguyện và Chúa sẽ giúp các gia đình vượt qua nhiều bất đồng: đôi bàn tay giơ lên cầu nguyện sẽ tìm được những điều mà đôi bàn tay bóp trán không tìm được.

 


Ngày thành hôn của đôi nam nữ là ngày bắt đầu cuộc phiêu lưu kèm theo sự mạo hiểm, bởi đó cần phải cầu nguyện đến 3 lần như câu ngạn ngữ Nga đã nói: “ Trước khi ra trận, hãy cầu nguyện một lần; trước khi xuống tàu, hãy cầu nguyện hai lần; trước khi kết hôn, hãy cầu nguyện ba lần”. Thánh Gioan – Phaolo 2 đã nói: “Xây dựng một gia đình hạnh phúc là một chỉ tiêu lớn trong cuộc đời”. Đã là chỉ tiêu lớn thì chúng ta phải dành nhiều công sức và nỗ lực, và dành cho nó sự ưu tiên trong nhiều dự án khác của cuộc đời, như công việc, chỗ ở, sự xa cách, cách ứng xử, và quan trọng nhất là cần sự trợ giúp của Thiên Chúa… Một gia đình hạnh phúc đơn giản là một gia đình mà vợ chồng yêu thương - tôn trọng nhau từng ngày và có sự quan tâm giáo dục con cái thành người tốt và có đức tin trưởng thành. Để diễn tả tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã phải làm người để chăm sóc con người, vỗ về kẻ bị loại trừ vì tội lỗi, đã yêu cho đến cùng, đã cúi xuống phục vụ, đã chiếu rạng đức khiêm nhường và hiền lành. Đôi vợ chồng cũng phải thể hiện tình yêu của mình với người bạn đời bằng những hành vi cụ thể, nhỏ nhặt và kiên trì qua từng ngày sống, hơn là những lời nói suông. Ai đó đã nói: sự biểu hiện tình yêu không ai giống ai, không có khuôn mẫu, nhưng một tình yêu thật sự có mẫu số chung là sự chân thành và lòng trung thực.

Một nhà tu đức đã nói tới sự bão hòa của tình dục và tình cảm của các đôi vợ chồng. Cho dù hai người nam nữ tìm hiểu nhau kỹ lưỡng đến bao nhiêu thì nửa kia của mình vẫn luôn có những bí ẩn và chính họ cũng thay đổi theo từng ngày sống. Thời kỳ yêu nhau và những ngày trăng mật qua đi, đôi vợ chồng mất dần sự ngạc nhiên về người kia và sự bão hòa sẽ xảy đến. Phương thuốc duy nhất là biết bằng lòng: mọi thứ ở trần gian chỉ là tương đối, tôi cũng chỉ tương đối và nửa kia của tôi cũng có những tính tốt và khuyết điểm của họ. Một nhà tu đức đã nói: “Trong cuộc sống trần gian này, không ai trong chúng ta được hưởng hòa âm trọn vẹn”. Câu nói này có nhiều nghĩa, một trong đó là: Không ai trong chúng ta tốt cho đủ với những người thân thuộc của mình, mỗi ngày chúng ta phải nỗ lực để yêu thương và tôn trọng người thân mình cho đúng mực, và bao lâu còn trên trần thế này thì chúng ta phải chiến đấu để không đánh giá thấp một ai đó. Thiên Chúa là mẫu gương để ta chiêm ngắm về lòng thương xót: Người cho mặt trời mọc lên và cho mưa xuống trên kẻ lành người dữ. Lòng thương xót dường như đã khiến Người nhắm mắt lại và không thấy gì nữa, nên không còn phân biệt kẻ lành người dữ. Còn chúng ta, vì muốn chứng tỏ mình trổi vượt, luôn nhìn thấy cái không tốt và thấp kém của anh em và không nhìn thấy cái tốt của họ và quên hết những điều tốt lành họ đã làm. Thiên Chúa tạo dựng thế giới này với nhiều sự khác biệt để tạo nên sự phong phú cho cuộc đời, hãy chấp nhận sự khác biệt mà không lên án, cãi cọ: đừng dừng lại nơi những bất đồng mà hướng sự quan tâm đến việc cùng nhau làm việc vì lợi ích chung. Khi chứng kiến hành vi và cách sống không hoàn hảo của tha nhân, hãy dành sự xét đoán cho Thiên Chúa, vì đó là một công việc khó khăn và không thuộc thẩm quyền của ta.Dù hoàn cảnh gia đình bạn thế nào, đó cũng là một cơ hội để bạn vượt thắng bản thân để nên thánh. Hãy học nơi Chúa Giê su, Ngài yêu nhân loại đến cùng, luôn hiến thân và khiêm tốn. Một gia đình hạnh phúc cần liên tục thương xót, có lòng khiêm tốn, và óc khôi hài.

Óc khôi hài. Tại sao người lớn chúng ta thường nhìn cuộc đời quá nghiêm trọng, cả khi dự tiệc cưới mà vẻ mặt vẫn đăm chiêu? Sự đăm chiêu này phản chiếu sự buồn bã nội tâm, tại sao trẻ em và ngay cả những con ‘thú cưng’ thường vui đùa từng ngày sống? Thật đáng thương cho người lớn, vì họ chứa nhất nhiều hỉ nộ ái ố, vì phải lo lắng quá nhiều đến tiền bạc.  Ai đó đã từng nói: cuộc sống chỉ là trò đùa thôi mà. Câu nói nầy không muốn đánh giá thấp cuộc sống ở trần gian, cho rằng chỉ là ảo ảnh và chỉ là hạt bụi được hóa kiếp, có đó rồi mất đó mà không để lại dấu vết. Không, một khi hạt bụi đã hóa kiếp thân tôi, thì nó sẽ tồn tại đến muôn đời, cuộc sống trần gian sẽ ươm mầm cho tương lai, sau cái chết, con người sẽ tồn tại mãi trong cõi vĩnh hằng. Hãy nghĩ đến sự mong manh của kiếp người và sự tương đối của trần gian để buông bỏ những giận hờn và những tham lam quá độ, và biết cười đùa nhiều hơn trong từng ngày sống.Niềm vui chỉ trọn vẹn và kéo dài khi nó được bắt nguồn nơi Giê su: nhờ Máu Ngài đổ ra mà chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa, được Chúa ở cùng và được về với Ngài sau khi chết.

Bạn sẽ sống mối tình nhân loại (gia đình) của bạn tốt, nếu bạn có một mối tương giao tốt đẹp với mối tình Giê su. Chúa Giê su sẽ ban ơn thánh (phép lạ) cho kẻ van xin Ngài, tùy theo mức độ tin tưởng ta dành cho Ngài. Mối tình Giê su sẽ hướng dẫn bạn cách ứng xử với người thân của bạn: yêu như Chúa yêu, liên tục trao ban và sẵn sàng tha thứ.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Con người ở một mình không tốt

 



Đây là một chân lý khá quan trọng, được trích từ sách Sáng Thế 2,18. Chúng ta thường quen hơn với câu dịch: “người đàn ông ở một mình thì không tốt”, nhưng có một linh mục có thế giá về Kinh Thánh đã nói: Khi Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên bằng bùn đất thì con người này chưa có phái tính, và chỉ đến khi Ngài lấy chiếc xương sườn của con người này để tạo dựng nên người đàn bà, thì con người kia mới trở thành đàn ông, bởi vậy, câu Kinh Thánh Kn 2,18 phải là: “Con người ở một mình không tốt”. Lý do Chúa tạo dựng nên ông Adam và bà Eva là để họ trở nên người trợ tá của nhau, bổ trợ nhau và cộng tác với nhau để sinh sản con cái cho nhiều – đầy mặt đất. Và Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài làm là tốt đẹp. Cả đàn ông và đàn bà đều không tốt khi sống một mình: khép kín và không nhờ cậy sự trợ giúp của người khác.

Qua câu nói ‘con người ở một mình không tốt’, vượt ra khỏi ‘mô hình gia đình’, chúng ta còn khám phá ra nhiều điều bổ ích cho đời sống tâm linh. Trước hết, chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen rằng: Thiên Chúa muốn mọi người nam nữ phải kết hôn để sinh sản con cái theo lệnh truyền của Chúa, vì nếu như vậy thì những người nam nữ chọn con đường tu trì hoặc sống độc thân giữa đời đều là ‘bất bình thường’ hay sao? – Thực ra Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Nói đến tình yêu là nói đến sự trao ban, tương giao với người khác. Chuyện ‘ở một mình’ đây là muốn nói đến tình trạng khép kín lại nơi chính mình, tôn thờ mình và không tin người khác để có một sự dấn thân. Chính Chúa Giê su đã là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, Ngài bỏ trời cao, nhập thể làm người, chịu chết và phục sinh, và Chúa còn đồng hành với nhân loại cho đến ngày tận thế... vì Ngài bận tâm đến vận mệnh con người. Xét trên bình diện thiêng liêng, những người sống độc thân vì nước trời hoặc vì xã hội có một tình yêu đáng ngưỡng mộ, vượt trên những quyến luyến xác thịt và tầm vóc của một gia đình, để yêu Chúa và yêu người trọn vẹn hơn, phổ quát hơn.

Có nhiều người tu xuất hoặc đang sống đời tu thường kể về những khó khăn và nét đẹp của đời sống chung trong cộng đoàn: kỷ luật cộng đoàn, giờ giấc gò bó, ăn uống kham khổ, phe cánh này nọ, ghen ghét, xầm xì. Tuy đó là sự thật, nhưng người nghe thường không nhớ và không hiểu những nét đẹp của đời tu mà chỉ nhớ những điều không hay, và khi ai đó muốn đi tu thì họ chia sẻ những thông tin không đẹp kia cho người muốn đi tu và chính họ nhìn những người đi tu với ánh mắt thiếu thiện cảm. Thực ra một người trưởng thành tâm linh thì hiểu được rằng : ơn gọi hôn nhân hoặc tu trì đều cao quý, Chúa có một kế hoạch và ơn gọi cụ thể cho mỗi cuộc đời - điều quan trọng là tìm cho đúng ơn gọi của mình, đó không phải là con đường ngắn nhất để nên hoàn hảo nhưng là ở trong ơn gọi đó ơn Chúa sẽ sinh ích lợi nhất cho linh hồn và cho tha nhân. Nếu bạn thích đi tu thì bạn cũng nên cất bước lên đường, chọn tu triều hay vào tu trong một dòng nào đó, tùy sự gợi ý của cha xứ hoặc một người khôn ngoan mà bạn gặp. Có thể bạn tu được một thời gian ngắn hay dài và rồi nhận ra đời tu không phù hợp với mình, và trở về lập gia đình… sau này bạn nhận ra rằng thời gian được tu luyện cũng nằm trong kế hoạch của Chúa: Ngài đào tạo bạn để chính bạn trở nên tốt hơn và sinh ích cho tha nhân hơn, hãy tạ ơn Chúa và đền đáp ơn Ngài.

Chúng ta có thể hiểu câu Kinh Thánh ‘con người ở một mình không tốt’ trong mối tương giao với Thiên Chúa. Trong vườn địa đàng, sau khi phạm tội bất tuân, hai ông bà nguyên tổ nhận ra mình trần truồng và họ trốn tránh Thiên Chúa. Đó cũng là hình ảnh của con người, họ cũng muốn tự lo liệu và xoay xở cho cuộc đời mình, họ còn xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi mọi dự án của cuộc sống, họ nghĩ rằng Chúa làm cho họ vướng chân và cản trở tự do hưởng lạc, họ tự hỏi ‘không biết có Chúa hay không, Chúa có quan tâm đến họ hay không, có chuyện đời sau hay không?’. Một nhà tu đức đã nói: “Đối với niềm tin vào Thiên Chúa, hoặc là bạn tin tất cả hoặc là bạn không tin gì hết”. Đúng vậy, kẻ có niềm tin thì nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện một cách rõ ràng còn hơn chuyện mặt trời mọc mỗi buổi sáng, Ngài luôn ở với bạn và ngay trong lòng bạn, Ngài là kẻ Đếm Tóc, Ngài biết cả những điều ta cảm nghĩ, Ngài tốt lành vô biên và quyền năng vô lường, Ngài giúp ta đạt được ơn cứu rỗi và đưa ta về với Ngài khi ta nhắm mắt lìa đời. Con người chỉ tốt lên và mọi sự sẽ ổn khi con người có mối tương giao thân tình với Chúa, ngược lại họ sẽ thất bại khi cuộc đời vắng bóng Thiên Chúa.

Nói đến tương giao là nói đến va chạm: cuộc đời hôn nhân, đời sống tu trì, một tổ chức xã hội dân sự hay tôn giáo… đều xảy ra sự va chạm giữa những cái tôi, giữa bóng tối và ánh sáng. Thế nhưng, chúng ta nên nhìn những xung đột, ích kỷ, nóng nảy, nhu cầu thể hiện, những đam mê muốn áp đặt người khac, những tham lam sở hữu… như là ‘cơ hội’ để ta trưởng thành, tựa như vàng được trui trong lửa, như hòn đá sần sùi được trở nên dễ nhìn sau một hành trình trôi dạt giữa dòng nước lũ. Những người sống đời hôn nhân, vợ chồng và con cái, sẽ trưởng thành về tâm linh và nhân cách theo năm tháng, nhờ sự chung sống với Thiên Chúa và tự điều chỉnh nhân cách của mình cũng như sự giúp đỡ chân tình của những người ruột thịt. Những người tham gia các đoàn thể trong giáo xứ thì nhân cách họ sẽ trưởng thành hơn một người không làm gì hết, vì những kẻ sau thường sẽ ảo tưởng rằng họ giỏi hơn người khác và họ xầm xì đủ chuyện.


 

Con người ở một mình không tốt. Chúa ban cho mỗi người những tài năng khác nhau để họ phục vụ cộng đoàn, Chúa muốn mỗi người hãy là trợ tá của nhau. Đừng sợ cuộc đời cùng những tham sân si của nó, hãy lập gia đình nếu bạn muốn để bạn sẽ có trải nghiệm về đức tin và trưởng thành về nhân cách, đừng sợ thất bại vì Thiên Chúa luôn mạnh hơn ma quỷ. Nếu thich đi tu, bạn cứ lên đường, vì nếu không hợp thì bạn vẫn có thể bắt đầu lại, đừng sợ tiếng đời và đừng sợ Chúa phạt vì bỏ tu, vì Chúa luôn là người cha tốt lành. Nếu bạn thích sống độc thân giữa đời, hoặc hoàn cảnh buộc phải vậy, thì hãy mời Chúa đi với mình và bạn nên nhìn ra cơ hội mình đang có để giúp đỡ tha nhân. Và để cho mình trở nên tốt hơn, mỗi người hãy đóng góp phần mình vào đời sống chung của cộng đoàn xã hội hay Giáo hội, bạn làm sinh lợi cho nén bạc Chúa trao, và chắc chắn khi hòa mình vào đời sống chung thì nhân cách bạn sẽ trưởng thành hơn – so với bạn khi sống mà không phục vụ.

 

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Chứng nhân niềm hy vọng

 



Tại Bahrain, Đức Thánh Cha gặp các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và các người làm công tác mục vụ, ngài dựa vào bài Tin Mừng Ga 7,37-39 (lời hứa ban nước hằng sống) để nói chuyện với cử tọa về vai trò của Chúa Thánh Thần: Ngài ban cho họ niềm vui được trở thành con cái Chúa, được tràn niềm hy vọng vì có Thiên Chúa ở cùng, Ngài ban sự hiệp nhất, và làm cho các Ki tô hữu trở nên ngôn sứ. Xin trích một đoạn bài nói chuyện của Đức Phan xi cô:

{Đề cập đến bài đọc về lời hứa ban nước hằng sống, Đức Thánh Cha “liên tưởng đến vùng đất này: thật đúng là sa mạc rất nhiều, nhưng cũng có những nguồn nước ngọt âm thầm chảy dưới lòng đất, tưới mát cho nó.” Ngài nói rằng “bề ngoài, nhân loại của chúng ta dường như bị khô héo bởi rất nhiều yếu đuối, sợ hãi, thách đố phải đối diện, các tệ nạn cá nhân và xã hội đủ loại; nhưng nơi nền tảng của linh hồn, nơi sâu thẳm của trái tim, dòng nước ngọt ngào của Thần Khí vẫn chảy nhẹ nhàng và âm thầm, tưới mát sa mạc của chúng ta, phục hồi sức sống cho những gì có thể bị khô héo, rửa sạch những gì làm chúng ta xấu xí, làm dịu cơn khát hạnh phúc của chúng ta.”

Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng: “Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn mở của Chúa Kitô, từ phép rửa tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Tt 3,5). Đức Thánh Cha đã khai triển ba món quà lớn  về ân sủng của Thánh Thần, đó là: niềm vui, sự hiệp nhất, lời ngôn sứ.

Thánh Thần là nguồn của niềm vui

Trước hết, Thần Khí là nguồn của niềm vui. Dòng nước ngọt mà Chúa muốn chảy vào sa mạc của nhân loại chúng ta, thấm vào lòng đất và vào sự mong manh, là sự chắc chắn rằng chúng ta không bao giờ cô đơn trên hành trình của cuộc sống…. Niềm vui của Thánh Thần không phải là một trạng thái tình cờ hoặc một cảm xúc nhất thời; càng không phải là loại “niềm vui tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân được nhìn thấy trong một số kinh nghiệm văn hóa ngày nay” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 128). Thay vào đó, đây là niềm vui đến từ mối tương quan với Thiên Chúa, từ việc biết rằng, bất chấp những khó khăn và đêm đen mà đôi khi chúng ta phải trải qua, chúng ta không cô đơn, lạc lõng hay thất bại, vì Người ở cùng chúng ta. Và với Người, chúng ta có thể đối diện và vượt qua tất cả, ngay cả vực thẳm của nỗi đau và cái chết.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người không chỉ gìn giữ niềm vui mà còn nhân nó lên, bằng cách trao tặng nó. Bởi vì, niềm vui của Kitô hữu có khả năng lan xa, bởi vì Tin Mừng làm cho người ta ra khỏi chính mình để thông truyền vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Một trong những nét đẹp mà Thần khí mang lại là sự hiệp nhất: trong phụng vụ, trong tình yêu thương và cộng tác để làm các việc lành.

Thánh Thần là nguồn của sự hiệp nhất

Thứ hai, Chúa Thánh Thần là nguồn của sự hiệp nhất. Những ai chào đón Người thì nhận được tình yêu của Chúa Cha và trở thành con cái Người; và, nếu là con cái Thiên Chúa, họ cũng là anh chị em của nhau. Không thể có chỗ cho những hành động của xác thịt, nghĩa là ích kỷ: chia rẽ, cãi vã, vu khống, nói hành. Những chia rẽ của thế gian, và cả những khác biệt về sắc tộc, văn hóa và nghi lễ, không thể gây thương tích hoặc làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Thần Khí. Ngược lại, ngọn lửa của Người đốt cháy những ham muốn thế gian và thắp sáng cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu chào đón và thương xót mà Chúa Giêsu yêu chúng ta, để chúng ta cũng có thể yêu thương nhau theo cách này.

 

Cuối cùng, Thánh Thần là nguồn của lời ngôn sứ. Như chúng ta đã biết, lịch sử cứu độ có vô số ngôn sứ được Thiên Chúa kêu gọi, thánh hiến và sai đến giữa dân để nói nhân danh Người. Các ngôn sứ nhận được từ Thánh Thần ánh sáng nội tâm khiến họ trở thành những nhà giải thích kỹ lưỡng về thực tế, có khả năng nắm bắt sự hiện diện của Thiên Chúa trong những tình huống, đôi khi mù mờ, của lịch sử và chỉ ra sự hiện diện đó cho dân chúng. Thông thường những lời của các ngôn sứ nghe chói tai: họ gọi đích danh những mưu đồ xấu xa vốn ẩn nấp trong lòng con người, họ làm khủng hoảng những an toàn giả tạo của con người hoặc tôn giáo, và mời gọi hoán cải.

Chúng ta cũng có ơn gọi ngôn sứ này: tất cả những người đã chịu phép rửa đều đã nhận được Thánh Thần và là những ngôn sứ. Và như vậy, chúng ta không thể giả vờ như không nhìn thấy những tác phẩm của sự ác, ở lại trong “cuộc sống bình lặng” để không làm bẩn bàn tay chúng ta. Ngược lại, chúng ta đã nhận được một Thần Khí của lời ngôn sứ để đưa Tin Mừng ra ánh sáng bằng chứng tá đời sống chúng ta. Đây là lý do tại sao Thánh Phao-lô khuyến khích: “hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri” (1Cr 14,1) (hết trích).

 


Suy tư:

Xã hội chúng ta đang sống (hoặc ở bất cứ thời đại nào) cũng được ví như sa mạc hoang cằn của tình người: người bóc lột người, loại trừ người khác, tẩy chay Tin Mừng Chúa Ki tô mang đến. Bởi đó, những nỗi sợ luôn bao phủ con người, không những ở những nước nhỏ và lạc hậu, mà nhất là ở những xã hội Âu Mỹ thì nỗi lo lại càng nhiều, điển hình là hiện tượng mất ngủ - trầm cảm – tự tử, dùng thuốc an thần và sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý rất phổ biến. Đừng nghĩ rằng ở những nước tân tiến, con người được tôn trọng và an sinh xã hội được đảm bảo nên con người tránh được sự lo lắng! Họ tránh được mối lo này thì lại vướng vào những nỗi lo khác: mất Jobs thì mất vợ và mất cả tương lai, cái gì cũng phải tốn nhiều tiền - mà tiền cũng chỉ có hạn và chính phủ quản lý rất chặt, vì là xã hội tiêu thụ - nên đồng tiền thường quay lại ‘cuỗm’ mất những thứ mà ta đang có. Thế nên, trong pho Kinh Thánh đã có đến 365 lần, Thiên Chúa trấn an chúng ta: “Đừng sợ! Thầy đây, Thầy đã thắng thế gian, Ta ở với con...".

 

Để trấn áp nỗi sợ của ông Moi sen khi phải đến gặp vua Pharaon – yêu cầu nhà vua  để cho dân Do Thái ra đi khỏi Ai cập, Chúa hứa với Moi sen: “Ta ở cùng ngươi”. Để vượt qua nỗi sợ, chúng ta cần dựa vào sức mạnh và sự che chở của Thiên Chúa. Đứng trước những nỗi sợ đủ loại về cuộc sống, chúng ta chỉ biết duy trì đời sống cầu nguyện để vững tin vào lời hứa của Chúa Giê su: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách cụ thể trong cuộc sống của ta để chăm sóc con người, thúc đẩy ta tiến bước trên hành trình nên thánh, giúp ta duy trì niềm vui và đủ sức vượt qua nghịch cảnh, giúp ta có cái nhìn tiên tri. Hơn ai hết, chính Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp để người Ki tô hữu trở thành chứng nhân hy vọng: Thiên Chúa đang trực tiếp có mặt và hoạt động linh hoạt trong nhân loại, dù hoàn cảnh nào thì Chúa vẫn có cách – nếu con người chạy đến với Chúa. Điều đáng buồn là cõi lòng chúng ta thường sầu muộn vì nỗi lo về tiền bạc nhiều hơn là nỗi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và sự công chính của Người!

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Người phụ nữ là một món quà

 



Trên chuyến bay từ Bahrain trở về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời phỏng vấn về nhiều vấn đề như chiến tranh ở Ucraina và ở nhiều nơi trên thế giới. Ngài nói về tình bạn với Đại Giáo trưởng Hồi giáo Al Azhar, về tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền và bình đẳng cho phụ nữ, về các vấn đề di cư và chống lạm dụng trẻ em. Ngài nói về những người Tin Lành và Công giáo Đức. Chúng ta dừng lại với vấn đề vai trò người phụ nữ trong xã hội và Giáo hội. Xin trích vài tư tưởng của ĐGH:

- Cuộc đấu tranh cho bình đẳng phụ nữ là một cuộc chiến liên tục và lâu dài, vì ở nhiều nơi trên thế giới, các phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng, ví dụ cách đây 50 năm các phụ nữ ở Mỹ và Argentina không có quyền đi bầu, hiện nay vẫn tồn tại tập tục cắt âm vật của các cô gái trẻ, tập tục xem phụ nữ như đồ vật ‘dùng một lần’ rồi bỏ hoặc là chủng loại cần được bảo vệ, ngài nói về truyền thuyết ‘tại sao phụ nữ thường mang theo vàng bạc trên người’, hiện trạng không cho phụ nữ cơ hội để cộng tác vào các cơ chế Giáo hội và xã hội. Đúng hơn, Phụ nữ là một món quà, Thiên Chúa đã tạo dựng họ bình đẳng với nam giới. Phụ nữ có cách làm việc rất khác với đàn ông, trực giác của họ nhìn ra ngay vấn đề cần phải giải quyết, ở đâu có phụ nữ ở đó mọi thứ trở nên tốt hơn: chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của người nữ ngay trong gia đình, ngay tại Vatican và nơi những nhà lãnh đạo một vài đất nước. Chính Thánh Phaolo đã làm một cuộc cách mạng về nhân quyền khi khuyên bảo những người chồng hãy yêu thương và chăm sóc vợ như thân thể mình.

 -Phụ nữ có cách giải quyết vấn đề của riêng họ, đó không phải là cách của nam giới. Và cả hai cách phải làm việc cùng nhau: người phụ nữ, bình đẳng với người nam, làm việc vì lợi ích chung với cái nhìn sâu sắc mà phụ nữ có. Tôi đã thấy rằng ở Vatican, mỗi khi một phụ nữ đến làm một công việc ở Vatican, mọi thứ trở nên tốt hơn. Ví dụ, phó thống đốc của Vatican là một phụ nữ, và mọi thứ đã thay đổi theo hướng tốt nhất. Trong Hội đồng Kinh tế, trước đây có sáu hồng y và sáu giáo dân, tất cả đều là nam giới. Tôi đã thay đổi những giáo dân, tôi đặt một người nam và năm người nữ. Và đây là một cuộc cách mạng vì phụ nữ biết cách tìm ra con đường đúng đắn, họ biết cách tiến về phía trước. Và bây giờ tôi đã đưa bà Marianna Mazzuccato vào Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống. Bà ấy là một nhà kinh tế vĩ đại đến từ Hoa Kỳ, tôi đặt bà ấy ở đó để tạo thêm một chút tính nhân văn cho nó. Phụ nữ mang điều của riêng họ, họ không cần phải trở nên giống như nam giới. Không! họ là phụ nữ, chúng ta cần họ.

-Và một xã hội xóa bỏ phụ nữ khỏi cuộc sống công cộng là một xã hội tự làm nghèo chính mình. Nó tự làm nghèo chính nó. Bình đẳng về quyền, đúng. Nhưng cũng bình đẳng về cơ hội. Bình đẳng về cơ hội để tiến triển, nếu không chúng ta sẽ trở nên nghèo khổ. Tôi nghĩ với điều đó, tôi đã nói những gì toàn cầu cần phải làm. Nhưng chúng ta vẫn còn một số điều cần làm. Bởi vì có 'machismo' - chủ nghĩa nam giới - này. Tôi đến từ một dân tộc với chủ nghĩa nam giới. Người Argentina, chúng tôi luôn theo chủ nghĩa nam giới. Và điều đó thật tồi tệ, nhưng sau đó chúng ta lại hướng về mẹ của chúng ta, họ là người giải quyết vấn đề. Chủ nghĩa nam giới này giết chết nhân loại. Cảm ơn bạn đã cho tôi cơ hội để nói điều này, đó là (điều mà) tôi mang trong lòng. Hãy đấu tranh không chỉ vì quyền lợi; mà bởi vì chúng ta cần có những người phụ nữ trong xã hội để giúp chúng ta thay đổi.


 

Suy tư:

a.   Trên hành trình dương gian, Giáo hội lữ hành luôn hướng về quê trời nhưng đồng thời họ được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa bằng việc xây dựng xã hội trần thế. Bởi đó, mọi Ki tô hữu có nhiệm vụ đóng góp phần mình vào việc tẩy trừ những bất công để có một xã hội công bình, nhân đạo hơn. Thế nhưng công việc này (cũng như công trình sáng tạo) không bao giờ đạt đến viên mãn và luôn trong tình trạng lên đường (tiếp diễn). Những hoạt động cho bình đẳng nhân quyền, bình đẳng giới có nơi thừa nơi thiếu - khi tăng khi giảm, đó là sự tương đối của trần gian và sự viên mãn chỉ có nơi quê trời. Ví dụ ở Mỹ, Canada, Đức… thì vị thế (sự tôn trọng) của người đàn ông đang ở tình trạng khá tồi tệ, đứng sau trẻ em – phụ nữ và thú cưng. Rồi luật pháp ở một số nước thường chia đôi tài sản cho phụ nữ khi ly dị, thậm chí là sau khi chung sống 30 ngày (nếu có bằng chứng), điều này khiến cho con người sợ nhau – không dám kết hôn và yêu đương vì sợ bị lợi dụng, đây là một thảm trạng cho nhân loại, đặc biệt là các giá trị gia đình. Tôi nghĩ sẽ đến một ngày, người ta phải đấu tranh cho quyền của nam giới!

b.   Tại Giáo phận Ban mê Thuột, sự đóng góp của nữ giới trong hàng ngũ HĐGX thật là khiêm tốn và dường như càng ngày càng ít hơn, phải chăng chúng ta đang làm nghèo đi chính mình và cần phải điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Chúng ta dễ nhìn ra vấn đề này khi đối chiếu với việc người mẹ vắng nhà trong một ngày thôi, người phụ nữ được mệnh danh là người xây tổ ấm là vậy.

c.   Có những doanh nhân (tỷ phú) có thói quen chỉ lấy vợ trẻ, họ ly dị khi người vợ ngoài 32 tuổi. Đây là một thứ văn hóa vứt bỏ và bất bình đẳng giới nghiêm trọng. Hãy trân trọng người nữ mà Chúa đã ban cho người đàn ông và cho nhân loại. Đôi khi tôi nghĩ : người vợ là hiện thân của thiên thần bản mệnh để chia sẻ vui buồn, chăm sóc và mang đến hạnh phúc cho người chồng. Và cũng có thể nói như thế về người chồng, vì cả hai vợ chồng, Thiên Chúa muốn người này là trợ tá của người kia.Và Nếu cách ví von này có làm phật lòng vị thiên thần bản mệnh của mỗi người, thì cũng xin các vị tha thứ.  

 

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Chọn Chúa trên hết

 



Chúng ta đang sống trong tuần lễ chuẩn bị mừng lễ CTTĐVN, là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng của các vị tử đạo: những cực hình càng man rợ càng minh chứng sự sáng ngời của niềm tin vào Chúa. Các vị cam lòng chịu chết mà không oán hận, đón nhận cái chết vì đạo như một hồng ân - đáp trả tình yêu Chúa đã dành cho mình và một niềm cậy trông vào phần thưởng cao quý trên quê trời. Trên một bia mộ có ghi câu: lãng quên người đã khuất là làm cho họ chết thêm một lần nữa. Thánh Augustine diễn giải rằng: “Chính vì lý do tại sao, chứ không phải sự đau khổ đã làm nên việc tử đạo”.

Người đời sợ nhất là chứng từ của các vị tử đạo, như Lời Chúa Giê su đã nói: “không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu”. Từ xưa đến nay, các vị tử đạo ở Roma, ở VN và khắp nơi trên thế giới đều bị vu cáo những tội danh xấu xa để che lấp lý do chính: “Thế gian ghét anh em vì anh em không thuộc về thế gian”. Trong sách Tiên tri Giê rê mia, chúng ta nghe kẻ xấu lập luận: “Nào chúng ta hãy bỏ que vào bánh của chúng (người tin vào Gia vê) và làm khổ chúng để xem chúng có trung thành với lề luật hay không? Nguyên việc nhìn thấy chúng đã làm cho ta tức điên lên rồi, vì chúng không ủng hộ việc làm của chúng ta và còn lên án hành động của chúng ta”. Nhiều vị vua Chúa trần gian thường bắt dân chúng tôn thờ mình như lãnh tụ (thiên tử) và thường có một cuộc sống sa đọa về luân lý, xa hoa và ích kỷ… nên việc giết hại Ki tô hữu là lẽ thường tình, bởi các Ki tô hữu chỉ thờ phượng một mình Chúa và dành sự tôn trọng những vua chúa trần gian, luân lý Ki tô không chấp nhận đa thê, ly dị, tham lam ích kỷ... Qua những suy luận trên, chúng ta dễ nhận ra cơn cám dỗ và những thử thách của xã hội hiện đại hôm nay: người ta cũng bêu xấu, giết hại các Kitô hữu mà không biết lý do tại sao! Ở một số nước Hồi giáo, hai phái sunny và Shiite thường có xung đột với nhau và mỗi lần như vậy họ lại giết hại các Ki tô hữu như những con dê xá tội. Chúng ta hiểu lý do sâu xa của việc ‘thỉnh thoảng truyền thông lại rộ lên những chuyện chẳng ra làm sao và những tội danh xa xưa’ để bêu riếu Giáo hội Công giáo – để tiếng nói của Giáo hội không được ai nghe nữa – để rồi ‘người ta’ tự do làm điều trái luân thường đạo lý.

Một nhà tu đức đã nói: “Trong giấc mơ, ai cũng muốn trở thành thánh tử đạo, nhưng trong cuộc sống lại rất khó để sống một cuộc sống Ki tô hữu cho tử tế”. Một nhà tu đức khác lại nói: Ở những nước văn minh, người ta bị thử thách bởi tự do và ở những nước kém phát triển, người ta bị thử thách bởi sự nghèo khổ và đôi khi là bắt bớ, nhưng thử thách bởi tự do thì dễ bị vấp ngã hơn nhiều, bởi không có ai o ép bạn nhưng chính bạn sẽ bị trượt ngã. Ở những xã hội Tây phương, người ta bị cám dỗ rất nhiều vì chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, luân lý số đông: luật pháp ở những nước đó đang tàn phá các giá trị gia đình khi quá đề cao phụ nữ (trong việc chia tài sản khi ly dị), ủng hộ đồng tính luyến ái và chết êm dịu. Ai trong chúng ta cũng nhận ra một quy luật cuộc sống: “Không tiến ắt sẽ lùi”. Quy luật này áp dụng cho việc học, cho một cuộc thi kéo co và cho cả hành trình đức tin. Chúa nói với ta: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta”. Trong bất cứ xứ đạo nào cũng có những người tuy có tài nhưng lại chọn việc nhẹ nhàng và sẵn sàng từ chức vì những lý do ‘già, hết sáng kiến, …’. Thực ra trong việc ‘phục vụ không lương’, cần một sự cần mẫn và âm thầm đóng góp phần mình vào lợi ích chung của cộng đoàn, nếu để ý một chút, thì chung quanh bạn vẫn có những người như thế: họ là những người có tinh thần tử đạo vì lòng mến. Ai đó đã nói: mọi sự ở trần gian chỉ là tương đối. Điều này đúng với giáo lý Ki tô giáo: “Trời đất sẽ qua đi, Nước Tôi không thuộc trần gian này”. Chúng ta nhận ra sự tương đối này khi so sánh mọi sự ở trần gian (vật chất và hữu hạn) với những giá trị thiêng liêng và vĩnh cửu của đời sau. Nếu một người chọn Chúa là trên hết, yêu Chúa hơn hết mọi loài và mọi người thì họ sẽ có cái nhìn rất tương đối về trần gian, của cải và những gì thuộc về nó. Biết bao người đã bỏ một tương lai rực sáng, những gia tài kếch xù để tận hiến cho Thiên Chúa trong con đường tu trì, biết bao vị truyền giáo đã bỏ môi trường ổn định ở Châu Âu để đến VN truyền giáo, một vùng đất lạc hậu và nguy hiểm đến tính mạng.



Văn hào Tertuliano đã nói: “Máu tử đạo là hạt giống nảy sinh nhiều Ki tô hữu”. Tạ ơn Chúa đã ban cho các vị tử đạo được giữ vững niềm tin đến hơi thở cuối cùng, vì yêu Chúa Ki tô và muốn nên giống Ngài – vị tử đạo gương mẫu đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên được sống dồi dào. Xin CTTĐVN  cầu bầu cho chúng con là con cháu được can trường sống theo lề luật Chúa trong nếp ăn ở của mình, giữa vợ chồng, con cái, xóm giềng, đồng đạo và người khác đạo, tích cực đóng góp phần mình trong việc xây dựng xã hội và mở mang đạo Chúa, trong niềm hy vọng sẽ được sum họp với CTTĐVN trên quê trời. Amen