Ngày 10 tháng 12 năm 1979, trong
diễn văn đọc trước khi nhận giải Nobel Hòa Bình, Mẹ Têrêxa kể: “Một lần kia, có
14 giáo sư đại học từ Hoa Kỳ đến thăm nhà bác ái của chúng tôi ở Calcutta. Sau
khi thăm, một người nói với tôi: xin Mẹ nói cho chúng tôi một điều thôi để
chúng tôi có thể nhớ mãi. Tôi nói với họ: Hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời
giờ cho nhau trong gia đình. Ðó cũng là điều tôi muốn nói với quý vị hôm nay”.
“Hãy mỉm cười với nhau, hãy dành
thời giờ cho nhau trong gia đình” là một sứ điệp mang lại nhiều điều tích cực
trong cuộc sống. Trong thế giới người lớn, con người thường mang mặt nạ trong
các quan hệ giữa người với người, khác với trẻ em vì chúng thường chóng giận và
mau quên. Người lớn thường giả vờ thân tình vui vẻ nhưng trong lòng lại dự tính
mưu hại người và lợi dụng nhau. Người lớn thường ‘đóng mặt ngầu’ với nhau để
che đậy một nỗi sợ: sợ người kia lấn lướt và coi thường mình. Bạn thử nghĩ xem những
người sống trong một khu xóm hay một làng quê với nhau, vậy mà mỗi lần hai người
nào đó gặp nhau chỉ nhìn nhau vô cảm, không hé nổi một nụ cười thì họ giống
loài vật hay loài người hơn? Có người lập luận: kẻ kia phải chào mình trước, vì
nó nhỏ tuổi hơn hoặc vì lần trước mình chào nó mà nó cứ khinh người! Thôi, hãy
bỏ qua nhưng chi tiết nhỏ đó đi, vì nó làm cho đời ta tủn mủn và mất vui. Mỗi
lần gặp nhau, hãy cười với nhau và gật đầu chào nhau dù người kia có là con
cháu mình và đang có ‘vấn đề’ với mình, vì như vậy đời mình sẽ vui hơn và người
kia chắc chắn hạnh phúc hơn. Bạn hãy thử đi, hãy mỉm cười và chào người anh em
trước đi, cuộc gặp gỡ sẽ dễ chịu hơn hình ảnh hai con chó gầm gừ khi đi qua
nhau.
Hãy dành thời giờ cho nhau trong
gia đình. Con người thời đại tất bật với công việc và sở thích riêng, đến nỗi
không còn thời giờ để nghe nhau và hiểu nhau. Đó là một thực tế cuộc sống,
nhưng ẩn chứa bên trong nhiều điều hơn là việc thiếu thời giờ. Có thể kể đến
tâm lý quan trọng hóa bản thân, quá chú trọng đến các phương tiện truyền thông
hoặc tâm lý mệt mỏi, kỹ năng giao tiếp... Khi một người đang nói khá chi tiết
một vấn đề nào đó thì bị người kia chặn đầu bằng một câu kiểu như đáp số tất
yếu, làm người nói cụt hứng và im luôn. Khi một người đang kể một câu chuyện
thì người khác lại cắt ngang bằng một câu hỏi vu vơ hay một câu chuyện khác.
Khi một người đang nói chuyện thì người kia mắt cứ dán chặt vào một thiết bị công
nghệ nào đó. .. Những kiểu nói chuyện như vậy sẽ làm cho người ‘phát ngôn’ uất
ức và mặc cảm, lâu dần sẽ dẫn đến stress và tự kỷ. Hãy tử tế để lắng nghe người
kia nói chuyện, đó là một đòi hỏi của đức bác ái và của cảm thông. Hơn đâu hết,
trong gia đình mọi người phải biết dành thời giờ lắng nghe nhau khi người kia
muốn nói, vì gia đình là trường học yêu thương: cho đi và đón nhận.
Thời đại hôm nay người ta thường
nói tới ‘kỹ năng sống’. Tôi chưa được trải qua những khóa học chuyên biệt, chỉ
xin nói tới một vài điều góp nhặt đó đây, vì thấy có một vài điều liên quan đến
điều Mẹ Têrêxa nói hôm nay.
-Nói tới kỹ năng sống, người ta
nghĩ tới việc cởi mở tấm lòng để gặp gỡ mọi người, trái ngược với thái độ khép
kín trong giao tiếp và về nhận thức. Ngôn ngữ của Mẹ Têrêxa là biết mỉm cười
với nhau và lắng nghe nhau.
-Bằng lòng với những gì mình có.
Sau khi đã nỗ lực thì biết bằng lòng với chính mình. Người hạnh phúc không phải
là người có những gì mình muốn nhưng là biết bằng lòng với những gì mình có.
-Sống tốt giây phút hiện tại. Hãy
sử dụng thời giờ hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, dành cho mình và cho
người, giữa lo lắng cuộc sống và nhu cầu tâm linh. Tiết kiệm thời gian và lời
nói.
-Hãy là chính mình. Muốn sống an
vui tự tại, phải biết giá trị con người mình, biết học hỏi người nhưng không so
sánh nhiều và không gắng sức nên giống ai đó.
-Đón nhận người khác như họ là.
Biết đứng về phía bên kia để nhìn vấn đề để có một sự cảm thông cần thiết khi
đối thoại và xử lý các tình huống cuộc sống. Chậm bất bình và rất mực khoan dung, vì có khi ta chưa
thấu hiểu những ý tốt của người kia. Phê phán và lên án là điều Chúa dạy không
nên làm.
-Quyết tâm tiến lên phía trước
qua từng ngày sống: nhân bản, tâm linh. Những ý hướng tích cực sẽ giúp ta hưng
phấn về tâm lý và sức khỏe.
Chúc bạn luôn mỉm cười, ca hát
nho nhỏ, bắt tay, chúc mừng và lắng nghe nhau: trong gia đình và nơi làm việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét