Những câu chuyện kể về sự gặp gỡ
Đấng Phục Sinh với các môn đệ luôn có một tình tiết là ‘họ không nhận ra Ngài
ngay’, mặc dù họ đã rất thân quen với Chúa. Để rồi, sau đó nhờ một tiếng gọi,
một cử chỉ phục vụ, một sự cắt nghĩa về Kinh Thánh và nghi thức bẻ bánh… họ
nhận ra Thầy mình. Trong đoạn Tin Mừng Luca 24,13-35 có nói tới 3 tiến trình
giúp ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh, hay đúng hơn Ngài tỏ mình ra cho chúng ta qua
Thánh Thể, Thánh Kinh và sinh hoạt cộng đoàn. Đây cũng là diễn tiến của một
Thánh Lễ: cộng đoàn tụ họp, phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.
Tụ họp cộng đoàn. Trong tường
thuật về hai lần phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa đều bảo các tông đồ xếp thành
từng nhóm khoảng 50 người. Không phải là từng thùng bánh được đóng gói sẵn 50
chiếc, không phải có một số bánh khổng lồ được Chúa làm phép lạ, ban đầu chỉ là 5 chiếc bánh, Chúa tạ ơn và trao cho các môn đệ phân phát, mỗi lần bẻ ra là số bánh lại được nhân lên, kiểu như hành động thắp
truyền lửa trong lễ vọng Phục sinh vậy. Ấy thế mà Chúa vẫn bảo các tông đồ xếp
thành từng cộng đoàn, khác với một đám đông ô hợp. Mỗi giáo phận và mỗi giáo xứ
là những Giáo hội địa phương được Chúa tụ họp, là thân thể mầu nhiệm của Chúa
Phục Sinh. Nơi đó, Chúa hiện diện, Chúa chăm sóc và nuôi dưỡng. Nơi đó, con cái
Chúa thể hiện tình huynh đệ, tương thân tương ái, giúp nhau vun đắp niềm tin và
phục vụ lẫn nhau. Cuộc sống xô bồ khiến con tim nhiều người khép kín lại, không
dám tin vào những điều kỳ diệu Chúa vẫn làm và vào những cử chỉ tốt đẹp (miễn
phí) mà tha nhân vẫn thể hiện cho mình. Hai môn đệ Emaus hôm nay được Chúa mở
mắt mở lòng khi họ chuyện trò với khách bộ hành và nhất là khi họ tiếp đón khách lỡ
đường. Hãy tin rằng: khách đến nhà là sứ giả của Thiên Chúa như ông Abraham đã làm khi
xưa. Ở thời đại chúng ta, Giáo hội kêu mời các thành phần dân Chúa nên tụ họp
với nhau trong những sinh hoạt nhóm nhỏ phù hợp với hoàn cảnh và lứa tuổi của
mình để giúp nhau nên tốt hơn và cùng nhau làm việc tông đồ, ngoài yếu tố xã
hội thì các nhóm nhỏ này cũng thể hiện mầu nhiệm thân thể Chúa Kitô. Ma quỷ
luôn gây nên sự chia rẽ, kích thích tính kiêu ngạo: người kia phải thế này, thế
này… trong khi mình chẳng phải thay đổi gì cả.
Thánh Kinh. Một nhà chú giải Thánh
Kinh nào đó đã nói: Thánh Kinh là bức thư tình Thiên Chúa gửi cho nhân loại.
Thời đại vi tính và ĐT thông minh dễ làm cho chúng ta quên đi những kỷ niệm êm
đềm về những bức thư được viết trên giấy. Vào những thập niên 60 – 70, người ta
viết thư trên giấy, gửi qua tay hoặc qua bưu điện, biết bao tình cảm thân
thương được gói gọn trong những trang giấy, cả người gửi lẫn người đọc đều mong
chờ … nhất là người nhận: đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, mà vẫn đọc lại và trân
quý bức thư như báu vật, vì là biểu hiện của người yêu. Người Kitô hữu cũng
trân quý Kinh Thánh như vậy, nhất là phần Tân Ước. Khi ta đọc Kinh Thánh, Chúa Thánh
Thần tiếp tục mạc khải những ý nghĩa mới mẻ về tình ý và Ngài còn thúc đẩy ta
hành động như lòng Chúa mong mỏi. Chính hai môn đệ Emaus đã được soi sáng hiểu
những ẩn khúc về đường lối Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu và lòng họ đã bừng
sáng lên, họ nhận ra một sứ điệp quan trọng bậc nhất của Kitô Giáo: Đấng Kitô
phải chịu khổ nạn mới vào vinh quang.
Thánh Thể. Khi đọc kỹ đoạn Tin
Mừng nầy, Thánh Luca kể về hai môn đệ không thuộc về nhóm 11 tông đồ là những
người đã tham dự bữa tiệc ly. Hai môn đệ hôm nay chưa từng biết công thức ‘truyền
phép’, thế nhưng khi họ lãnh nhận Thánh Thể thì mắt họ nhận ra ngay là chính
Chúa Phục Sinh đang hiện diện với họ, họ tức tốc trở lại Giêrusalem để chia sẻ
tin vui vĩ đại: Chúa đã sống lại, chúng tôi đã gặp Ngài.
Cộng đoàn, Thánh Kinh và Thánh
Thể là 3 yếu tố làm nên sinh hoạt nền tảng cho Giáo hội mọi thời. Nếu bỏ bớt
một trong 3 yếu tố thì đời sống Kitô hữu sẽ què quặt thảm hại. Nơi cộng đoàn,
ta cầu nguyện; cầu nguyện phải đặt nền tảng trên Thánh Kinh và Thánh Thể đưa
đến sự hiệp nhất. Hãy siêng năng tụ họp để cùng nhau cầu nguyện, trân quý Kinh
Thánh như bức thư tình và rước Chúa cho xứng đáng, bạn sẽ gặp được Chúa Phục
Sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét