Cuối tháng hoa Đức Mẹ, nhiều giáo
xứ tổ chức nghi thức dâng hoa kính Mẹ, hoa muôn sắc khoe hương trước tòa Đức
Mẹ: sắc xanh của hy vọng, sắc tím của cậy trông, sắc vàng của đức mến, sắc đỏ
của hy sinh. Nhưng không nên nói mình đi xem dâng hoa, vì thực ra cũng chẳng có
nhiều nghệ thuật nơi những người không chuyên nghiệp biểu diễn và việc múa may
quay cuồng quá cũng không phù hợp với nghệ thuật thánh.
Đúng hơn, cộng đoàn cùng với các
em ‘đội dâng hoa’ dâng lên Đức Mẹ những đóa hoa lòng: hoa biết ơn, hoa cậy
trông và phó thác, hoa nhẫn nhục, hoa hiểu lầm
và nhất là hoa tự ái. Muốn dâng hoa cho sốt sắng thì phải dọn lòng: mình
sẽ dâng lên Mẹ màu hoa gì, đóa hoa gì cụ thể trong lần này? Bông hoa nào Mẹ
đang chờ nơi tôi và làm đẹp lòng Mẹ nhất? Chúng ta dâng lên Mẹ trọn cuộc sống
của mình, của cộng đoàn mình để xin Đức Mẹ gìn giữ chở che thì rất dễ, nhưng
điều Mẹ muốn hơn là mỗi người học những nhân Đức của Mẹ như: trở nên nữ tì hèn
mọn trước mặt Chúa và anh em, xin vâng trong việc lớn và cả trong việc nhỏ suốt
đời, mau mắn đem Chúa và sự giúp đỡ đến với anh em, suy đi nghĩ lại những việc
Chúa làm và dâng lời tạ ơn (magnificat), đồng hành và sống mầu nhiệm tự hủy với
Chúa Giêsu từ nhập thể - rao giảng – tử nạn và phục sinh, cầu nguyện với Giáo
hội, thể hiện sự tựa nương bên Mẹ cho đến ngày tận thế.
Khi nói về sự che chở của Mẹ
Maria với con cái mình, một nhà tu đức đã nói: Khi chúng ta kêu xin sự che chở
của Mẹ, thì không phải Mẹ sẽ bao bọc ta khỏi mọi gian nguy; không phải thế, vì
một đứa con được nuôi trong lồng kính thì vẫn mãi èo uột, Mẹ Maria sẽ giúp ta
lớn lên mỗi ngày khi đối diện với những khó khăn và thử thách của cuộc sống, kể
cả sự vấp ngã, nhưng chắc chắn với tình mẫu tử thiêng liêng, Mẹ giúp ta tiến
lên phía trước.
Nói đến Mẹ mà không nói đến việc
đọc kinh mân côi là một điều thiếu sót lớn. Nhiều người công giáo đạo gốc không
thuộc 20 mầu nhiệm mân côi để đọc riêng, dù họ là đạo gốc và đã thuộc trong
thời gian học giáo lý, nên chỉ lần hạt khi đọc kinh chung. Nhiều cộng đoàn đọc
kinh mân côi với tốc độ quá nhanh nên rất khó suy nghĩ các mầu nhiệm. Để đọc
kinh mân côi cho sốt sắng, phải xác định ‘cầu nguyện cho ai’ đầu giờ đọc kinh
hoặc cho từng chục kinh, suy niệm một lát sau lời ngắm và đọc các kinh với tốc
độ vừa phải để miệng đọc tâm suy. Và tốt nhất là gia đình nên cùng đọc kinh mân
côi với nhau, đây có lẽ là bông hoa Mẹ ưa nhất: vừa sốt sắng hơn, vừa có sự hy
sinh của các thành viên trong gia đình.
Trong những năm gần đây, Đức Mẹ
có một tước hiệu mới: Mẹ của Lòng Thương Xót. Kinh Thánh không nói tới tước
hiệu này, nhưng nếu chúng ta chấp nhận Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ Thiên Chúa,
thì Mẹ đúng là ‘Mẹ của Lòng Thương Xót’. Nhiều người lên tiếng chê bai việc tôn
sùng Mẹ làm quên đi vai trò trung tâm của Chúa Giêsu, việc tôn sùng Mẹ là tình
cảm ủy mị, Mẹ không đồng trinh trọn đời… Dù ai nói gì mặc họ, Giáo hội dạy ta:
qua Mẹ đến với Chúa, Chúa dùng Mẹ Maria là máng thông ân sủng cho muôn người.
Hãy tôn kính Mẹ nhiều bao nhiêu có thể, đến với Mẹ càng nhiều càng tốt, đọc
kinh mân côi cho sốt sắng, học nhân đức Mẹ, sống tình con thơ với Mẹ và xin Mẹ
làm cho mình được nên giống Chúa Giêsu con Mẹ.
Để kết thúc bài viết, xin trích
một tư tưởng rất độc đáo về Mẹ Maria: "Thật hữu ích khi đọc những lời viết trong Tin Mừng Thứ Tư một cách chính
xác. Tin Mừng viết rằng sau đó Gioan đã đón Mẹ về nhà mình. Câu này có thể dịch
sát nghĩa hơn: ông đã đón nhận bà “làm của riêng mình” (eis ta idia: “into his
own”). Thánh Augustinô đã suy niệm kỹ lưỡng về ý nghĩa cụm từ “của riêng mình”.
Theo ngài, điều này không có nghĩa là Gioan đón nhận Mẹ như là “sở hữu riêng
của mình”, nhưng là đón rước Mẹ “vào trong khung trời hoạt động của mình”. Bởi
vì Gioan được nói đến như là môn đệ sẽ ở lại cho tới khi Đức Kitô lại đến (Ga
21,22), nên Mẹ Maria đã được đón nhận vào trong “sự ở lại” ấy của Gioan và vào
trong chứng từ của ông nữa. Vì thế, Mẹ Maria mãi mãi thuộc về Tin Mừng của Lòng
Thương Xót Chúa. Mẹ mãi mãi là chứng nhân và khí cụ của Lòng Thương Xót vô biên
ấy". (Nguồn tin: The
Essence of the Gospel and the Key to Christian Life)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét