Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Sống có nhân cách




Trong mỗi con người đều có khuynh hướng vị kỷ mà biểu hiện của nó là ta thường nghĩ rằng mình trổi vượt hơn người khác và dễ coi thường người khác. Dĩ nhiên những biểu hiện nầy là không tốt và ta cần phải thay đổi để chính mình và xã hội được thoải mái hơn. Tôi chỉ nêu lên một vài ví dụ cụ thể trong cuộc sống.

Ngày xửa ngày xưa còn đi học phổ thông, có kiểu làm bài ‘toán chạy’: thầy ra đề toán, thường là đại số, ai làm xong trước thì chạy nộp bài ngay, nếu trúng thì sẽ được điểm cao. Điều nầy khuyến khích sự nhanh trí và gây hào hứng cho lớp học. Nhưng nếu trong xã hội, ‘đức tính’ nầy được áp dụng thì sẽ gây nên sự bực bội cho người khác, vì mất trật tự: giành giật nhau để sống, mất nhân cách và không tôn trọng người khác. Người Pháp có câu ‘faire la queu’ để diễn tả văn hóa tây phương: văn hóa xếp hàng. Không biết đến bao giờ, người Việt mình mới học được việc ‘xếp hàng’ cho có thứ tự: ai đến trước vào trước. Điều nầy khó không phải vì không biết cách xếp hàng mà vì người Việt mình quen sống xô bồ, giành giật và thiếu tôn trọng tha nhân. Hãy cứ đến rạp chiếu bóng, điểm mua hàng theo tem phiếu, mua vé tàu, tòa giải tội, nơi rước lễ ngoài trời… thì thấy rõ: ai nhanh người ấy được, ai mua được trước người ấy khéo, và nhân cách đi chỗ khác chơi. Thật buồn.

Một đám tiệc. Trong Tin Mừng, khi nói về chuyện mời khách dự tiệc, Chúa bảo ta đừng nghĩ đến mình nhưng hãy nghĩ đến tha nhân: mời những kẻ đui mù què quặt ăn một bữa cho tử tế, họ không có gì trả công ngươi và Cha trên trời sẽ trả công cho ngươi. Còn chúng ta, khi mời tiệc ta thường chỉ nghĩ đến vinh dự của mình mà mời tràn lan khách dự tiệc quá mức cần thiết, không nghĩ đến sự phiền phức khó xử của người khác, nhất là vấn đề kinh tế. Chuyện thứ hai trong một bữa tiệc: rượu làm hoan hỷ lòng người. Nhưng chính chuyện uống rượu nhiều cũng gây nên nhiều hệ lụy trong cuộc sống và các mối quan hệ: bệnh tật, giao thông, không làm chủ bản thân và trong thâm sâu của việc ép nhau uống rượu bia là muốn chứng tỏ mình trổi vượt hơn người kia về tửu lượng và phong cách, coi thường nhân phẩm của nhau. Điều thứ ba, tại sao các tấm thiệp không thường xuyên ghi số ĐT để báo lại trong trường hợp ‘không thể’ dự tiệc mừng nhỉ ? Tôi nghĩ rằng việc ghi số ĐT cũng là thể hiện một nét văn hóa của người có nhân cách và tránh mất lòng nhau. Chuyện thứ tư trong việc mời khách dự tiệc là chuyện mời những người già. Người cao tuổi thường không có thu nhập, nhưng họ lại là nguồn cội còn sót lại của nhiều dòng tộc, không mời không được nhưng mời thì quá bất tiện cho họ. Xử lý sao đây ? Tôi nghĩ đến hai giải pháp: họ nhận được tấm thiệp trong đó có ghi "sự hiện diện và lời chúc mừng thay cho tặng vật" hoặc nên chuẩn bị sẵn những phần quà tặng lại họ. Không biết có thực tế không ? Tôi biết có những người cao tuổi chẳng có thu nhập gì nữa, hằng tháng xã hội trợ cấp 270.000đ, vậy mà khi được mời dự tiệc họ cũng bỏ 200.000đ, hơn 20 ngày tiền trợ cấp đã bay vèo chỉ vì một thiệp mời.

Lời Tin Mừng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt bịa đặt là do ma quỷ. Đạo đức con người đáng báo động đỏ khi sự trung thực trong lời nói cũng trở nên hiếm hoi trong cuộc sống. Trong xã hội, để ‘đấu tố’ một người nào đó, người ta dựng nên một câu chuyện và  một số nhân chứng, thế là đủ để khép tội; nhưng nay ngay trong cuộc sống thường ngày, nhiều người nói ngược với sự thật, về những chuyện rất bình thường và làm cho các mối quan hệ giữa người với người thật sự rối loạn: chẳng biết tin ai ! Chúa Giêsu đã từng dạy: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con chẳng được vào nước trời”. Chúa muốn nói rằng: hãy sống trung thực và khiêm nhường cậy dựa vào Cha trên trời. Không gì làm mất nhân cách của ta hơn là khi người khác biết ta dối trá và lật lọng: nói dối như cuội.

Trước khi sống đúng tư cách người con cái Chúa, ta phải sống cho ra con người: sống tử tế và có nhân cách, biết tôn trọng tự do và nhân phẩm của người khác và tôn trọng chính mình. Mỗi ngày, hãy xét mình để nhận ra những ‘lỗi phạm’ cần thay đổi. Có câu danh ngôn nói rằng: ‘Nhiều điều rắc rối đã xảy ra vì bạn không biết ngồi yên một chỗ’. Ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng mình trổi vượt hơn người khác về một điều gì đó, nên ta thường hành động vì cái ‘tôi’ của mình hơn là vì đại nghĩa. Lời Kinh Thánh: "Anh em hãy tự khiêm dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên khi đến thời Người viếng thăm".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét