Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Sợ người cười





Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh có bài viết rất hay ‘gì cũng cười’: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang…”.

Bài báo trên được nhiều người nhận là hay vì nó đúng, đúng cho thời ấy và cả ngày nay. Mà nếu nó đúng thì một hệ lụy tất yếu là xã hội chúng ta hầu như ai cũng sợ tiếng cười, và đó là một cản trở lớn cho sự phát triển xã hội, vì không mấy người dám nói ra suy nghĩ thật của mình.

Nhiều tập tục làng xóm phát sinh và tồn tại là do sợ người ta cười. Chỉ đan cử vài chuyện trong chuyện ma chay: vòng hoa và liễn quá nhiều gây nên lãng phí. Khi vừa chôn cất xong tang chủ phải thuê xe đi đổ, hơn nữa đối với người Kitô hữu đây cũng không phải là cách báo hiếu tốt đẹp nhất.Thế nhưng, khi một người nằm xuống, bạn bè thân hữu thường đặt vòng hoa: tang gia không dám lên tiếng và thân hữu không dám thay đổi tập tục… tất cả cũng chỉ vì sợ tiếng cười và muốn thể hiện bản thân. Các Giám mục và linh mục tu sĩ khi đăng cáo phó thường có ghi chú: miễn vòng hoa và liễn. Giả thử một người tín hữu qua đời, thân nhân cũng ghi rõ như thế trong cáo phó, thì chuyện gì sẽ xảy ra? - chỉ có một số vòng hoa đủ để trang trí, số tiền phúng điếu sẽ tăng lên đủ trang trải chi phí chữa bệnh và tang lễ, nếu dư có thể dùng làm từ thiện như một quà cưới dành cho người quá cố khi họ đến tham dự tiệc cưới Con Chiên. Một chuyện khác tuy nhỏ nhưng cũng không đẹp đẽ gì là chuyện tang gia thường mời ‘mọi người’ về nhà dùng bữa sau khi đi chôn cất về, bà con ở xa và thân tộc thì không nói làm gì, ở đây muốn nói đến việc mâm cỗ dọn ra cả đến 300 người thì quả là phức tạp… tuy không thích nhưng không mấy người dám thay đổi vì sợ người cười.

Sợ người cười để không làm điều xấu, đó là điểm tốt; nhưng đàng nầy một điều mình thấy không tốt mà cứ làm theo ‘lệ làng, ai sao tôi vậy’ thì xã hội làm sao tiến bộ được? Người ta thường chê : các thế hệ trẻ VN không có suy nghĩ độc lập và sáng tạo, học vẹt và copy đâu đó trên mạng để hoàn thành luận án ra trường. Đó là một nhận xét làm ta đau lòng, nhưng đó là kết quả tất yếu của môi trường đào tạo của chúng ta: nói đúng như gợi ý của thầy cô mới có điểm tốt. Chuyện kể rằng có một bài thơ được chọn để dạy trong trường, các em bình luận ý của tác giả muốn nói, người cháu của tác giả nhờ chính bác viết ra ý kiến của mình vậy mà vẫn bị cô giáo cho điểm xấu, vì không đúng như gợi ý của cô đã nói cho lớp. Rồi biết bao chuyện trong xã hội : những người đứng ra để vạch mặt điều xấu của một tập thể nào đó, họ không được khen thưởng xứng đáng mà thường bị sa thải và vùi dập. Một môi trường xã hội như thế sẽ tạo nên một con người rập khuôn, cam chịu và kém sáng tạo, sợ dư luận và tiếng cười. Cũng vì sợ tiếng cười mà nhiều người đã phải uống quá nhiều bia rượu dù bản thân mình không thích, hay nhiễm phải những thói hư tật xấu khác như hút thuốc, chơi bời, trộm cắp…

Dấu hiệu của một người có bản lãnh là suy nghĩ độc lập và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, họ dám bước theo một lối khác mà họ thấy là đúng hơn là đi theo lối mòn của xã hội đã vạch ra. Đừng dập tắt tiếng nói phản biện trong con người mình (điều gì đúng điều gì sai, nên theo hay nên bỏ) và hãy biết lắng nghe khi người khác có lập trường khác mình, có vậy mới mong xã hội tiến bộ thêm một chút qua từng ngày sống. Hãy là chính mình! Hãy sống như mình thích và đừng quá sợ dư luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét