Câu chuyện người bị quỷ ám thành
Ghê-ra-sa được Thánh sử Luca kể lại có một chi tiết đáng cho chúng ta xét mình
lại trong ngày cuối năm âm lịch. Sau khi nghe biết việc xảy ra cho người bị quỷ
ám và bầy heo, dân chúng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ (Mc 5, 16-17).
Điều này cho thấy rằng họ sợ Chúa Giêsu quấy rầy, họ lẩn tránh một điều thiện
hảo!
Điều này vẫn thường xảy ra cho
chúng ta trong đời sống đạo:
Có thể nói nền tảng của lâu đài nhân đức là sự tự hủy: cầu nguyện,
khiêm nhường và khó nghèo. Đọc lại tiểu sử các vị thánh chúng ta nhận ra
rằng không có vị thánh nào thiếu 3 yếu tố trên, dù là thánh ẩn tu, hiển tu, tử
đạo, lập dòng hay sống đời hôn nhân. Đan cử là cuộc sống của Thánh Gia: Chúa
Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Các vị đã trải qua đời sống dương thế trong
điều kiện ‘vô danh tiểu tốt’, dù cả 3 Đấng có thể phán một lời là mọi sự sẽ
thay đổi! Nhưng không, các Ngài đã sống mầu nhiệm tự hủy đến tột cùng: chuyên
chăm cầu nguyện, khiêm nhường và khó nghèo. Các vị không kêu ca, không khoe
khoang và sống rất bình an. Sau nầy Chúa Giêsu dạy: Hãy tìm kiếm nước Thiên
Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác Cha trên trời sẽ lo liệu cho,
Người biết rõ anh em cần gì.
Đỉnh cao của lâu đài nhân đức là đức mến. Có lần vài người bạn cùng
thảo luận với nhau, họ đưa ra câu hỏi: cảnh vực cao nhất của Kitô giáo là gì?
Đây là một câu hỏi khó giữa muôn lời dạy của Tin Mừng. Phải chăng là khó nghèo,
vì đây là mối phúc đầu tiên của các mối phúc, phải chăng là sự tự hủy như Đức
Kitô đã tự hủy đến nỗi hiến mình vì tuân theo ý Cha, phải chăng là tử đạo? Phải
chăng là quên mình đến sống giữa người nghèo như thánh Phanxicô Assidi và Mẹ
Têrêxa. Đúng rồi, câu trả lời nằm trong Mt 25 … : “những gì các ngươi làm cho
một kẻ hèn mọn là làm cho chính Ta”. Chỗ khác Chúa còn nói: “không có tình yêu
nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu”. Và Thánh Phaolô
nói: tôi sẽ chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả, đó là đức mến 1Cor
12,31. Đức mến được biểu thị bằng hình ảnh của cây thập tự với chiều đứng vươn
lên Thiên Chúa và chiều ngang trải rộng tới tha nhân, là thân mình Chúa Kitô.
Điều này cũng dễ hiểu, vì ai sống đức mến là hằng ngày vác thập giá mình để
theo Chúa: họ bị giằng co giữa sự tích lũy và trao hiến, giữa sự an toàn và mạo
hiểm, giữa sự cậy dựa vào những giá trị vật chất và sự phó thác mọi sự cho Chúa
định liệu. Một trong những yêu cầu đầu tiên của Mẹ Têrêxa đối với những người
tình nguyện mới đến là chăm sóc cho những người sắp chết, tắm rửa và chùi rửa
các vết thương của người đó một cách trân trọng như săn sóc chính Chúa Giêsu,
và trên khuôn mặt nhiều người thiện nguyện đã chiếu tỏa sự rạng ngời như đã gặp
Chúa Giêsu vậy. Có một điểm chung giữa hai vị đại thánh Phanxicô Assidi và Mẹ
Têrêxa Calcutta là các vị đến sống giữa những người nghèo – khác tôn giáo chỉ
để yêu thương họ như là những người con của một Cha trên trời. Hai vị không đến
để giảng hòa và giảng đạo nhưng chỉ để yêu thương từng con người cụ thể, không
loại trừ một ai. Hai vị thánh cùng chìm sâu trong cầu nguyện, sống nghèo, khiêm
tốn, và hiến thân phục vụ tha nhân cho đến hơi thở cuối cùng.
Khi kể về dụ ngôn người
Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu truyền dạy ta: Hãy đi và làm như thế. Chúa đòi
hỏi chúng ta dầu sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian: là muối men
và là ánh sáng cho đời. Thế nhưng chúng ta thường bị đồng hóa với đời: cũng ham
mê thế tục, bận rộn với những chuyện vô bổ, tìm kiếm lợi nhuận và tiền bạc cách
thái quá và trái đạo đức, ngại những việc phục vụ không lương, khoe khoang và
tự đắc về những việc mình làm… Đó chỉ là tiếng thanh la phèng phèng, đó là
những thái độ lẩn tránh gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng luôn mang lại điều thiện hảo
cho những ai gặp Ngài. Lạy Chúa Giêsu xin ở lại với chúng con mỗi ngày. Xin cho
con đừng sợ mở cửa tâm hồn ra cho Chúa. Ngài là thần tình yêu, xin Chúa bước
vào gia đình chúng con trong năm mới này, chắc chắn cùng vào với Ngài là thần thành
công và thần giầu sang sẽ ngập tràn tâm hồn mỗi người chúng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét