Khi suy niệm mầu nhiệm Giáng Sinh, ngày nay chúng ta dễ nhận ra sứ mạng của Chúa Giê su. Nhưng ngày xưa, khi Chúa Giê su xuất hiện, những người đương thời rất khó nhận ra được sứ mạng và căn tính của Ngài là gì: Ngài là ai, đến trần gian để làm gì?
Tên Giê su có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ . Ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và dòng dõi người nữ, một người con từ người nữ sinh ra sẽ đạp dập đầu mi”. Trong cuộc báo mộng cho Thánh Giuse: “Ông hãy đặt tên cho con trẻ là Giê su, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội” (Lc 1,21). Qua hai câu Kinh Thánh trên, chúng ta nhận ra rằng căn tính của Chúa Giê su chính là ‘chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian’, nhiệm vụ chính của Ngài là cứu nhân loại khỏi vòng tội lỗi.
Có thể nói trong suốt cuộc đời, Chúa Giê su luôn bị ma quỷ cám dỗ đi lệch hướng, chống lại chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hoạch định. Tin Mừng chỉ ghi lại một cuộc cám dỗ trong sa mạc khi Chúa Giê su khởi đầu cuộc sống công khai, nhưng quả thực, ma quỷ luôn tìm mọi dịp để làm cho Chúa Giê su đi trệch đường: thay vì chọn ý Chúa Cha thì chọn của cải, được tôn trọng, nổi tiếng, lạc thú, không phải khổ nhục. Khi nhập thể làm người, Chúa Giê su trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài cũng bị cám dỗ về những tham sân si và cũng phải trải qua những đau khổ để học cho biết vâng phục. Chỉ khác chúng ta là Ngài không bị quật ngã và đã không phạm tội.
Thời Chúa Giê su, dân Do Thái mong chờ Đấng cứu tinh mà tiên tri Isaia đã loan
báo: Ngài đến chỉnh đốn mọi sự, giải thoát kẻ bị giam cầm, kẻ câm nói được, người
què đi được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe tin mừng; sói với chiên
cùng ăn cỏ với nhau, trẻ thơ chơi đùa kề bên hang rắn lục; tiên tri cũng loan
báo về người tôi tớ bị hành hạ nhục nhã để gánh lấy tội của dân. Thế nhưng, người
Do Thái chỉ lưu tâm đến nhãn quan lợi lộc vật chất và chính trị mà Đấng Thiên Sai mang lại như giải phóng dân
tộc khỏi ách thống trị của đế quốc … và họ bị vấp ngã vì Chúa Giê su. Khi họ giết
chết Ngài vì tội phạm thượng: một phàm nhân mà tha tội và tuyên bố mình là Con
Thiên Chúa, thì Chúa đã xin Cha tha tội cho họ vì lầm chẳng biết.
Không dễ gì để nhận ra căn tính của Chúa Giê su và có thể nói không dễ gì để Ngài giữ vững căn tính cứu độ của mình. Ông Gio an sai các môn đệ đến với Chúa Giê su để hỏi: có phải Ngài là Đấng Ki tô hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác? Chúa Giê su hỏi các môn đệ: người ta bảo Thầy là ai, anh em bảo thầy là ai? Trong cuộc thương khó ông Philatô hỏi Chúa Giê su: Ông là vua sao? Dưới chân thập giá, đám đông dân chúng và các vị lãnh đạo tôn giáo khiêu khích: nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin. Còn bạn và tôi, nhiều khi chúng ta cũng nghi ngờ về con người và vai trò của Chúa Giê su ngay trong những chọn lựa cuộc sống. Niềm tin vào Chúa Giêsu luôn trải qua những thách đố, Chúa luôn nhắc nhở con cái Ngài phải tỉnh thức và cầu nguyện, đừng mê ngủ trong vinh hoa cuộc đời, vì còn có đời sau!
Người Kitô hữu đừng để mình bị đánh mất căn tính của mình. Giá trị của tôi là con cái Chúa, Cứu Chúa của tôi là Chúa Ki tô. Mục đích cuộc đời tôi là chiến đấu với sự dữ để sống thân tình với Chúa Ki tô. Căn tính của một linh mục là cộng tác với Chúa Giê su để giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi u mê lầm lạc. Căn tính của người sống đời hôn nhân là các thành viên trong gia đình giúp nhau nên thánh, cộng tác với các chủ chăn để làm các việc lành và trở nên muối men cho khối bột trần thế, loại trừ điều xấu và vun đắp điều tốt.
Có một linh mục nói với tôi: “Điều quan trọng nhất của một linh mục là làm cho giáo dân thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải. Trên trần gian nầy không có gì quý trọng bằng Chúa Giê su Thánh Thể, còn bí tích Hòa Giải xóa bỏ tội lỗi để ta có thể đón nhận Chúa Giê su vào tâm hồn mình”. Ngài còn nói thêm: “ngày xưa các vị thừa sai dạy giáo lý cho anh em dân tộc thiểu số cũng nhấn mạnh đến hai bí tích này, người ta sẵn sàng đi cả ngày đàng để xưng tội, còn việc lãnh nhận Thánh Thể thì được các giáo phu trao ban trong các buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa. Một người thường xuyên sống trong tình trạng sạch tội và siêng năng rước Thánh Thể như vậy thì dù họ chết mà không kịp lãnh bí tích xức dầu thì cũng không có gì đáng lo ngại”.
Điều quan trọng nhất đối với Chúa Giê su là giải thoát con người khỏi tội lỗi thì chắc chắn Chúa sẽ kíp ban Thánh Thần khi ta xin ơn phù trợ chống lại các cơn cám dỗ. Việc cần làm đối với ta là luôn cầu xin ơn trợ giúp và lòng thương xót Chúa: Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ. Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ có tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét