Cuộc sống luôn ẩn chứa những
điều khiến ta không bằng lòng, thỏa mãn. Có thể là về thời tiết, về tha nhân, về
tổ chức xã hội. Con vật cũng có những cách biểu hiện sự bằng lòng hay không thỏa
mãn về một điều gì đó; nhưng vì có lý trí nên con người có suy nghĩ và mơ ước,
nên sự thỏa mãn hay bất bình trở nên phức tạp và trên nhiều lãnh vực: thể lý,
tinh thần, tâm lý, tâm linh.
Bởi vậy, muốn hay không muốn
– như một quy luật cuộc sống, con người phải biết chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận
cái vừa phải và vừa đủ. Trong tôn giáo, chữ chấp nhận còn được gọi bằng một chữ
khác là hy sinh, từ bỏ. Hy sinh thụ động là mình chấp nhận một điều gì đó vì
không còn cách nào khác, ví dụ như về thời tiết hoặc một căn bệnh, một sự khó
chịu do tha nhân đưa đến. Hy sinh chủ động là mình đón nhận một trái ý vì lòng
yêu mến Chúa hoặc vì yêu tha nhân, được góp phần mình vào thập giá của Chúa Giê
su.
Ngày nay, trong một xã hội
đề cao tự do cá nhân và tinh thần hưởng thụ, người Kitô hữu ngại nói đến hy
sinh, đánh tội và hãm mình. Thậm chí nhiều người còn nghĩ đó là những điều chỉ
có trong quá khứ, trong một nền tu đức còn ấu trĩ; còn nền tu đức hiện đại nhấn
mạnh về lòng bác ái, thương xót và phục vụ. Nghĩ thế là sai lầm, vì sự hy sinh
nằm trong bản chất của đạo: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình
mà theo Ta. Muốn học sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa, ta phải hy sinh
tính tự nhiên muốn khoe khoang và muốn thể hiện bản thân : nói nhiều, nói lớn.
Muốn chu toàn bổn phận, ta phải hy sinh tính lười biếng và an phận. Muốn sống
tinh thần 8 mối phúc, ta phải có rất nhiều hy sinh để uốn nắn lòng mình.
Khi nói về Đức TGM Giuse Nguyễn Văn
Bình, tôi cứ nhớ mãi một chứng từ được kể lại như sau: Những năm tháng cuối đời,
Đức cha chọn Đại chủng viện Thánh Giu se làm nơi hưu dưỡng. Thường xuyên có người
chăm sóc và phòng của ngài được ráp máy lạnh. Vào một buổi chiều, trời chuyển
mưa, gió thổi mạnh và làm lạnh cả không gian, nên sơ phụ trách xin Đức cha tắt
máy lạnh và ngài đồng ý. Thế nhưng, mãi về sau trời lại không mưa và bầu không
gian trở nên oi nồng trở lại. Một lúc sau, thầy phụ trách trực xin ý Đức Cha để
bật máy lạnh và ngài nói: “ ừ, bật đi”. Thầy bật máy lạnh và lại gần Đức Cha
thì nhận thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, thầy lau mặt và khi sờ vào
chiếc áo lót ngài mặc thì thấy chiếc áo đã ướt vì mồ hôi. Thầy rất cảm phục sự
hy sinh hãm mình và thầy cũng suy được rằng cả một đời, Đức Cha đã tập quen hy
sinh hãm mình từ lâu cho lợi ích của giáo phận, chịu sự phê phán của xã hội và
cả của những con cái mình, khi lãnh đạo giáo phận vào một thời điểm khó khăn của
lịch sử giáo hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét