Có câu chuyện kể về một phiên tòa xét xử về một vụ trộm. Vị
thẩm phán triệu tập nguyên cáo và bị cáo để xét xử vụ án. Sau khi nghe nguyên
cáo trình bày sự kiện và tình tiết mình bị thiệt hại, thì tuyên bố: “ông có
lý”. Đến lượt bị cáo trình bày hoàn cảnh của mình và lý do tại sao mình lại đi
trộm của người khác, ông quan tòa cũng tuyên bố: “ông có lý”. Người con trai vị
quan tòa ngồi nghe xử vụ án, nói với bố mình: Thật vô lý, khi cả hai bên cùng
có lý, ông quan tòa nói: “Con có lý”.
Bất cứ ai khi hành động cũng đều có lý của họ, chúng ta cần
hiểu được cái lý ẩn chứa bên trong tâm hồn họ, nhiều khi họ không tiện nói ra.
Bất cứ sự kiện nào xảy ra, cũng có cái ‘vô lý’ và ‘có lý’ của nó, tùy cách nhìn
của ta. Ngay trong tâm hồn ta luôn xảy ra những suy nghĩ đan xen giữa suy lý trần
tục và giáo huấn của Tin Mừng, nên sự có lý và vô lý luôn xảy ra tùy cái nhìn.
Ví dụ ngay trong vấn đề cầu nguyện, kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng nhiều lần
ta cầu nguyện mà không được như ý, khiến ta nghi ngờ tình thương và quyền năng
Chúa; nhưng những trang Tin Mừng lại dạy ta rằng: Cha trên trời biết rõ chúng
ta cần gì ngay trước khi ta xin, từng sợi tóc trên đầu đã được đếm cả rồi, cứ
quấy rầy và cứ xin thì sẽ được. Ví dụ thứ hai là sự chết: ai cũng phải chết và
cái chết dường như là ngõ cụt và là điều phi lý nhất trên cuộc đời; nhưng nhìn
từ khía cạnh khác, cái chết lại là lô độc đắc mà mỗi người chỉ trúng một lần: họ
được giải thoát khỏi vũ trụ vật chất để trở về nhà, cuộc sống trong thân xác được
ví như sống trong một căn nhà, có xiêu vẹo hư hại và nước trời mới là đích đến
của ta – đáng cho ta mong chờ.
Những khái niệm trừu tượng thường là những điều gây nên những
suy nghĩ trái nhiều nhất, mỗi người suy nghĩ mỗi cách: tự do, hạnh phúc, tình
yêu, đau khổ, chết, khôn và dại, lý tưởng… Sống trong một môi trường ‘lạc hậu’,
ít thay đổi và không chịu thay đổi, tâm hồn ta dễ chùng xuống và buông xuôi mọi
sự: không muốn lên tiếng bất cứ chuyện gì vì dường như ngoài khả năng của mình
và muốn tìm sự an toàn. Tưởng rằng đó là sự khôn ngoan của người từng trải, nhưng chợt nhận
ra rằng đó là tâm thế của người tuyệt vọng. Sống trên đời mà không còn hy vọng ở
những điều kỳ diệu nữa thì cũng tựa như cây đã bị cắt đi nguồn sống, bởi vậy
hãy tiếp tục học hỏi kiến thức và đóng góp cho hạnh phúc của tha nhân tùy theo
khả năng Chúa ban cho mình. Chúa muốn ta sử dụng những nén bạc Chúa cho ta mượn
để xây dựng xã hội trần thế cho tốt đẹp hơn: mỗi người là mắt xích trong sự
quan phòng của Thiên Chúa.
Chúa Giê su đã nói rõ Ngài đến không phải để đem bình an mà
là đem gươm giáo, sự chia rẽ xảy ra ngay giữa những người thân cho đến xã hội,
và ngay trong tâm hồn mỗi người luôn phải có sự chọn lựa. Chúa muốn có sự tồn tại
của cỏ lùng ngay trong ruộng lúa trần gian mãi cho đến ngày tận thế. Điều này
muốn nói rằng: chúng ta phải liên tục chọn lựa và thanh tẩy tâm hồn mình mỗi
ngày để sống phù hợp với tinh thần tin mừng hơn, theo hai tiêu chuẩn: Chúa là
trên hết, luôn cư xử với đồng loai bằng tình yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét