Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã
nhiều lần nói với các môn đệ: “Thầy đây, đừng sợ. Bình an cho các con”. Thế
nhưng nỗi sợ vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống mãi cho đến ngày hôm nay. Nhiều
khi ta cảm thấy không có sự bình an Chúa ban vì thấy nó không ăn nhập gì với
cuộc sống, và dường như lời Chúa hứa chỉ là liều thuốc an thần cho những cảnh
đời đầy bất trắc.
Trong thời gian gần đây, ngày
ngày truyền hình liên tục đưa tin về đủ loại thực phẩm bẩn nguy cơ gây ung thư.
Những tin tức về thời tiết Elnino làm cho những cánh đồng lúa và cảnh khô hạn
của đủ loại cây trồng dẫn đến kiệt quệ về kinh tế. Tin tức về nạn khủng bố và
giết hại các Kitô hữu ở Trung Đông và Phi Châu dẫn đến thảm cảnh tị nạn ở Âu
Châu. Tình hình kháng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến những đại dịch chết người.
Theo một Thống kê cho biết tại VN mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới căn
bệnh ung thư và một nửa số đó bị tử vong. Hằng ngày những chuyện buồn trên bủa
vây ta và làm cho lòng ta không bừng lên được niềm vui và an bình, dù rằng Chúa
Giêsu đã phục sinh!
Khi nói về truyền thông, có người
phân làm hai loại: vòng tròn lo ngại và vòng tròn điều khiển. Thứ tin tức ta
nghe hằng ngày từ truyền hình, báo chí và chuyện trò thường thuộc vòng tròn lo
ngại: tình hình kinh tế một quốc gia, thời tiết, đời sống tình dục của những
người nổi tiếng, thiên tai, chiến tranh, khủng bố, suy nghĩ của người khác về
ta. Còn loại thông tin thuộc vòng tròn điều khiển thường không nhiều, đó là tìm
ra mối tương quan và ảnh hưởng của loại thông tin trên tới cuộc sống và tìm ra
hướng giải quyết. Những người giỏi binh pháp như Khổng Minh là người biết thâu nạp thông tin, sàng lọc và xử lý chúng để đưa ra những kết luận có lợi cho chủ mình. Người Kitô hữu cũng được mời gọi xử lý những thông tin hằng ngày dưới ánh sáng Lời Chúa để hiểu được tiếng thì thầm yêu thương Chúa liên tục gửi đến cho mình và nhân loại, nhờ vậy họ luôn có sự bình an và là sứ giả của bình an, thay vì chỉ là người đưa tin thất thiệt và vô ích.
Khi đối diện với những chuyện bế
tắc của đất nước (quản lý, môi trường, y tế, giáo dục, kinh tế) hay những khó
khăn trong gia đình (bệnh tật, quan hệ các thành viên, việc làm), ta thường có
ao ước được sống ở một vùng trời khác nhờ một cơ hội nào đó, một thái độ khác
là buông xuôi. Nhưng tốt hơn hết vẫn là biết chấp nhận, vì rằng cuộc sống ở đâu
cũng có cái khó của nó: cũng có bấp bênh may rủi, cũng phải nỗ lực để vui sống
và thăng tiến bản thân, cũng phải chọn lựa mỗi ngày mình tin vào ai và điều gì
là quan trọng trong cuộc sống. Đức Phanxicô mời gọi chúng ta hãy thôi đặt những
khó khăn cuộc sống mình là trung tâm nhưng trọng tâm cuộc sống của ta phải là chính
Đức Giêsu phục sinh, chỉ có Ngài mới mang lại cho tâm hồn ta sự bình an. Sự
bình an ở đây không phải là vắng bóng xung đột và mọi khó khăn cuộc sống nhưng là
sự bình an Chúa phục sinh ban tặng, nó hiện diện ngay trong nhưng gian nan thử
thách cuộc sống mà vẫn làm cho niềm hy vọng trổ bông vì được hưởng sự tha thứ của Thiên Chúa, được
lắng nghe và được yêu thương, được Chúa đồng hành và yêu thương mãi mãi.
“Hãy đến với Ta, hỡi những ai lao
nhọc, Ta sẽ bổ sức cho các con”. Chúa không hứa với kẻ theo đạo là tránh được
hiểm nguy đau khổ, mà Ngài hứa thêm sức cho ta, đồng hành và chia sẻ gánh nặng
cuộc sống ta. Vậy đó, hãy trở nên dũng cảm để sống tốt cuộc sống nầy trong niềm
tin tưởng rằng tình thương Chúa bền vững muôn đời, không những Ngài vác gánh
nặng tội lỗi và cuộc đời tôi trên vai mà Chúa còn kề má âu yếm với tôi
trong cảnh đời gian truân nầy, đó mới là niềm hạnh phúc lớn lao. Hãy vui luôn,
vì Chúa đã phục sinh, Alleluiah.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét