Bạn thử đặt mình vào tình trạng
của một người đang tìm hiểu đạo Công Giáo để gia nhập đạo vì một lý do nào đó,
bạn sẽ có một cái nhìn từ bên ngoài về đạo. Chắc hẳn có nhiều dấu chấm hỏi,
nhưng tôi nghĩ rằng những câu hỏi sau đây sẽ được đặt ra.
Kitô giáo thờ
lạy thập giá Đức Kitô như điều chính yếu và thường nói đến đau khổ và tử đạo,
thật không hấp dẫn tí nào. – Đúng là việc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô là
điều then chốt trong đạo Kitô. Một Kitô hữu hoạt động truyền giáo và hoạt động
bác ái dù tốt đến đâu mà không chấp nhận thập giá thì đó là Kitô hữu giả hiệu.
Lý do đơn giản là vì Đức Kitô đã dùng thập giá để cứu độ nhân loại, Ngài nói :
“Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo Ta”. Đừng tưởng rằng Chúa Cha
vui sướng khi thấy Chúa Con đau đớn tột cùng trên thập giá và cũng đừng nghĩ
rằng Chúa vui sướng khi chứng kiến con cái mình trải qua những gian lao vất vả (kiểu
như những thị dân Roma thời Nerô vui sướng nhìn những cuộc hành hình các Kitô
hữu ở hí trường Coloseum). Thập giá Đức Kitô chỉ có giá trị cứu chuộc vì có
tình yêu dâng hiến trong đó và thập giá của người Kitô hữu chỉ có giá trị khi
kết hiệp với lễ dâng của Chúa Giêsu, được hiến dâng trong niềm yêu mến và phó
thác : chính Chúa Giêsu hiện diện cùng vác với họ. Bao lâu còn ở trần gian,
chúng ta chỉ hiểu phần nào về vấn đề thập giá Đức Kitô và thập giá của chính
mình : tại sao có đau khổ trên thế giới. Mọi sự sẽ trở nên minh bạch sau khi
bước qua bức màn sự chết, vì ‘bí mật’ cũng là điều Thiên Chúa muốn để niềm tin
của ta có cơ hội triển nở.
Nhiều người
không theo đạo vì thấy giáo lý Kitô quá cứng nhắc, không uyển chuyển và dường
như không theo kip đà tiến của nhân loại. Luân lý Kitô giáo kềm hãm tự do, đề
cao hy sinh và chịu đựng dường như duy trì một xã hội lạc hậu, cam chịu. cấm
phá thai, ngoại tình ly dị, đề cao sự sống. - Luật pháp con người luôn thay đổi
cho phù hợp với thời đại, nhưng Giáo hội buộc phải trung thành với luật Tin
Mừng, cho dù phải hy sinh mạng sống : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời
người phàm”. Người đời dạy ta phải tích góp của cải vì nó đảm bảo cho cuộc
sống, nhưng Chúa dạy ta cho đi, đừng tích trữ và hãy lo tìm kiếm sự công chính,
vì trần gian chỉ là quán trọ. Lịch sử cho thấy những thời kỳ mà Giáo hội trung
thành với Tin Mừng thì phát triển mạnh, còn những thời kỳ nào Giáo hội sống xa
hoa, giảm nhẹ những giá trị Tin Mừng, nặng nề với cơ cấu tổ chức, lẫn lộn thần
quyền và thế quyền thì đó là những giai đoạn sa lầy.
Đạo Kitô dạy
rằng có Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ, Ngài là Alpha và Omega, Ngài là Đấng Tự
Hữu và Ngài điều khiển muôn loài, Ngài phân biệt kẻ lành người dữ ngay bây giờ
và sau khi họ chết… Những điều đó con người có thể chấp nhận được mà không đòi
kiểm chứng, vì người ta vẫn tin vào thuyết nhân quả để ăn ngay ở lành. Nhưng ở
trung tâm đạo chúng ta lại xuất hiện nhân vật Đức Kitô : Con Thiên Chúa làm
người, Ngài hiện diện trong các bí tích để ban ơn thánh nhất là trong hai bí
tích Thánh Thể và Hòa Giải, Ngài hiện diện trong tha nhân để ta có cơ hội gặp
Ngài. -Thời Chúa Giêsu, Ngài bị chế giễu khi nói về vấn đề ‘Thịt Ta thật là của
ăn và Máu Ta thật là của uống’, Ngài bị kết án khi xác nhận mình là Con Thiên
Chúa, các môn đệ bị chế giễu khi rao giảng về vấn đề Đức Giêsu đã sống lại. Đức
Kitô luôn đặt câu hỏi “Các con bảo Thầy là ai ?”. Có những Kitô hữu biết Đức
Kitô từ khi lọt lòng mẹ, nhưng có rất nhiều người biết Đức Giêsu chỉ sau một
lần gặp gỡ nào đó, vì Ngài luôn có đó và Ngài luôn tìm cơ hội gặp gỡ con người.
Ông Phaolô đã gặp Đức Kitô khi ông đang hăng say bắt bớ các Kitô hữu, cố giáo
sư Trần Duy Nhiên đã gặp Đức Giêsu trong một giờ chầu Thánh Thể, và tất cả đã
biến đổi. Đức tin là một ơn ban ‘nhưng không’, bởi vậy nếu chưa tin vào Đức
Kitô, bạn hãy thưa với Ngài : “Lạy Chúa Giêsu, nếu có Ngài thì xin cho con biết
Ngài”.
Có quá nhiều
Kitô hữu sống không ra gì, cũng trộm cắp, gian dâm, hống hách, rượu chè be bét,
cũng ly dị, cũng phá thai.- Giáo hội có đặc tính là thánh thiện vì có Đức Kitô
là Thánh, Giáo hội quản lý những phương tiện giúp mọi người nên thánh và Giáo
hội có mục đích dưa dẫn mọi người nên thánh, nhưng Giáo hội cũng bao gồm những
tội nhân. Giáo hội mang đặc tính là công giáo là dành cho mọi người, ai cũng có
quyền gia nhập Giáo hội và Giáo hội không bao giờ loại trừ một ai với lý do là
vì họ tội lỗi. Chúa Giêsu đến trần gian để tìm kiếm những con chiên lạc hơn là
cứu vớt những người công chính, vì Thiên Chúa là lòng xót thương (mercy). Bởi
đó, bao lâu còn sống ở trần gian, ta phải chấp nhận tình trạng lúa và cỏ lùng
cùng mọc chung, vì đó là ý muốn nhiệm mầu của Chúa.
Đức tin
không phải là một đích đến để ta đạt được vào ngày chịu phép Rửa tội, nhưng là
một hành trình để ta chọn lựa mỗi ngày. Hằng ngày có những Kitô hữu vẫn đổ máu
khi họ chọn trung thành với Đức Kitô, và hằng ngày mỗi Kitô hữu vẫn chịu nhiều thách
đố để trung thành với niềm tin của mình để sống trung thực, trao ban, trách
nhiệm, chung thủy và phục vụ. Bạn có thể nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô qua con
người linh mục, các tu sĩ, các người giáo dân rất bình thường nhưng có cuộc
sống gương mẫu trong các xóm đạo… đó là những vị thánh trong đời thường mà Chúa
dùng để nâng đỡ niềm tin của ta. Hãy tạ ơn Chúa vì lòng xót thương của Ngài và mỗi
người hãy tìm cách nâng đỡ niềm tin của anh em mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét