Thiên Chúa ban cho con người trí
khôn để hiểu phần nào về Ngài và những dấu vết của Ngài trong thiên nhiên.
Nhưng với trí khôn hạn hẹp của mình, con người không thể hiểu rõ về bản chất và
hành động của Thiên Chúa. Điều đó chỉ đạt được khi con người được diễm phúc
diện đối diện với Chúa và được ơn hiểu rõ những điều kỳ diệu Chúa đã thể hiện
cho mình và cho nhân loại.
Thánh Phaolô đã nhiều lần suy
tưởng về lòng thương xót Chúa: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có khôn lường của
Thiên Chúa. Những phán quyết của Ngài làm sao đo lường được”. Trong thánh ca
Philip: “Đức Giêsu, vốn dĩ là Thiên Chúa, đã tự hủy mặc lấy thân phận con
người, đã hạ mình chịu chết trên thập giá”.
Đức Phanxicô có diễn tả tình
thương của Chúa bằng những lời rất khéo : không phải Thiên Chúa có lòng thương
xót mà Ngài chính là Lòng Thương Xót. Lòng thương xót đã thôi thúc Chúa đến gặp
gỡ và đồng phận với ta là kẻ tội lỗi, tha thứ không mệt mỏi, chăm sóc và nuôi
dưỡng như chủ chăn, không những Chúa vác gánh nặng đời ta và gánh nặng tội lỗi
mà còn âu yếm ta má kề má như mẹ hiền âu yếm con thơ.
Trong danh từ nhà đạo, ta thường
dùng chữ ‘nhưng không’ (gratuit), đối với nhiều người họ nghĩ đó là chữ ‘nhưng
mà’ (mais). Đúng là chỉ Thiên Chúa mới có tình yêu ‘nhưng không’ dành cho loài
người, yêu thương mà không đòi điều kiện và cũng không mong đáp trả chỉ vì Ngài
là Tình Yêu. Cha Cantalamessa có một suy tư rất hay về tình yêu Thiên Chúa :
chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa mới có tình yêu (love) mà không có yếu tố thương xót
(mercy), Ngôi Cha cần phải yêu thương Ngôi Hai và Ngôi Ba để được chính là Chúa
Cha, và các Ngôi khác cũng như vậy. Đối với con người thì hoàn toàn khác, Thiên
Chúa ban ân sủng và thể hiện lòng thương xót. Vì tình yêu đó bị xúc phạm, lòng
thương xót của Chúa trở thành lòng khoan dung tha thứ và mang màu sắc đau khổ
(suffering).
Xin kể ra một vài chuyện để thấy
rằng lòng dạ con người khó đạt đến mức độ ‘nhưng không’: Những nước nghèo
thường nhận được những gói viện trợ nhân đạo để bồi thường hoặc để phát triển.
Những gói viện trợ nầy thường không kèm theo điều kiện và không phải hoàn trả.
Nhưng thực ra những gói viện trợ nầy cũng không phải là ‘nhưng không’, nó mang
những hình thức vụ lợi một cách tinh vi : hoàn trả vật đã lấy trước, để rửa
tiền, để ra oai, để người kia phụ thuộc mình cách nào đó, để tránh những mối
họa lớn hơn (y tế, khủng bố). Cuộc sống dạy ta rằng ; “Có qua có lại mới toại
lòng nhau”. Chân lý nầy ăn rễ sâu nơi ta để ta biết cư xử cho khôn khéo với
người đồng loại, để ta đừng quên những ơn huệ nhận từ người khác và để đề phòng
khi có người muốn kết thân với ta. Con người thời nay quá thực dụng đến nỗi khi
họ xin ta điều gì, họ thường để lộ ra một con ‘át bài’ nào đó để làm áp lực :
nếu ta không cho thì họ sẽ ra tay. Sự chặn đầu đó làm buồn lòng ta vì lòng
thương ‘nhưng không’ của ta bị chặn đứng ngay trước mặt. Thiên Chúa hẳn cũng
rất buồn lòng và phì cười khi con người đo lòng thương xót của Ngài bằng tấm
lòng hạn hẹp. Câu chuyện người bạn khắc nghiệt đã nói lên sự bất bình đẳng đó :
Thiên Chúa tha cho người đầy tớ mắc nợ 10.000 nén vàng, vậy mà anh ta lại tống
ngục người bạn chỉ mắc nợ 100 quan tiền (Mt 18,21-35). Ngay cả những người làm
việc ‘không lương’ trong một giáo xứ, hỏi rằng có mấy người có lòng yêu mến
Chúa thật sự, nghĩa là “Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ”
? – Hiếm lắm, 100 người may ra có 01 người, kẻ nầy không nóng nẩy và không
huênh hoang, vì họ biết rằng họ đang làm việc cho Chúa và làm mọi sự vì lòng
yêu mến Chúa.
Một trong những điều mà hằng ngày
ta phải cầu xin là xin Chúa mở mắt tâm hồn để thấy tình yêu kỳ diệu của Chúa
luôn thể hiện trong đời mình, cả lúc an vui và nhất là trong ưu sầu. Tiếp đó là
xin cho mình biết tri ân tình Chúa để luôn cảm tạ và đền đáp tình thương nhưng
không Chúa đã ban cho mình. Vì có hiểu được tình Chúa, đời ta mới an vui và
trọn niềm phó thác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét