Đã sinh ra trên đời, ai cũng khát
khao hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì thì rất khó định nghĩa vì nó mang tính
chủ quan của mỗi người. Theo tự điển thì hạnh là cảm thấy thỏa mãn, còn phúc là
là điều may lành: hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt
được ý nguyện. Theo Kitô giáo, con người được dựng nên để sống hạnh phúc vì
được hiệp thông với Thiên Chúa.
Trong
tình trạng toàn phúc của ông bà nguyên tổ nơi vườn địa đàng, họ sống thân mật
với Thiên Chúa nên có một sự hài hòa với bản thân - với tha nhân và với vạn
vật. Nhưng khi mối thân tình với Chúa bị rạn nứt thì tức khắc có sự đảo lộn
trật tự ngay trong bản thân và trong tương quan với tha nhân. Cơn khát hạnh
phúc cũng từ đó cũng gặp nhiều ảo mộng. Điển hình là cuộc đời của Thánh
Augustinô: Augustinô là người mải mê tìm kiếm lạc
thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy
trái tim khao khát của ngài, mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu
liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mônica, Augustinô mới tìm được Thiên Chúa
là Đấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên. Bấy giờ lòng đầy hoan hỉ,
Augustinô thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế
hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong tay
Ngài". Chỉ trong Thiên Chúa, khát
vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giêsu nói:
"Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao
giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt
lên, đem lại sự sống đời đời." (Ga 4,13-14)
Người phụ nữ Samaria
cũng là hình ảnh điển hình cho con người mọi thời đại trong việc làm thỏa cơn
khát dục vọng của mình: khát tình, khát tiền và khát dục; nhưng cơn khát dục
vọng thỏa đó rồi lại khát đó. Phật giáo quan niệm rằng con người khổ là do dục
và hạnh phúc là thoát được dục, nghĩa là không làm nô lệ cho dục vọng (diệt
dục): hỉ, nộ, ái, ố; còn Đạo Kitô thì dạy rằng con người chỉ được hạnh phúc
trọn vẹn khi họ được hiệp thông với Thiên Chúa. Và Mẹ Maria được xem là người
có phúc vì có Chúa ở cùng, vì Mẹ đã tin vào lời phán dạy của Thiên Chúa. Mà muốn
kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa, con người phải tự thoát với những dính bén
trần tục: của cải và danh lợi thú. Chính Chúa Giêsu đã dạy ta con đường dẫn đến
hạnh phúc đích thật được gọi là hiến chương nước trời: Phúc cho kẻ nghèo, kẻ
hiền lành, kẻ ưu phiền, kẻ có lòng thương xót, kẻ có lòng trong sạch, kẻ khao
khát điều công chính, kẻ tác tạo hòa bình và kẻ bị bách hại vì lẽ công chính.
Thật là trái ngược với những ao ước của người đời để có hạnh phúc trần tục:
phúc cho kẻ giàu tiền của và quyền lực, cho kẻ luôn vui vẻ với đủ thứ đam mê,
cho kẻ được người đời ca tụng và nổi tiếng trên truyền thông. Xin Thần Linh
Chúa soi sáng để chúng con hiểu được những mối phúc Chúa dạy trên núi Bát Phúc.
Sứ điệp mùa chay 2017, Đức Phanxicô chọn chủ đề: “Lời Chúa là một hồng ân, tha
nhân là một hồng ân”. Quả đúng như vậy, vì Lời Chúa là một quà tặng dẫn đến sự
sống và tha nhân cũng là một quà tặng để ta có cơ hội thực hành đức yêu thương.
Xin kể ba câu chuyện ‘lạ
đời’ có thật. Chuyện thứ nhất kể về anh Jon Watkinson, một giám đốc ngân
hàng 27 tuổi, từng kiếm được hơn 75.000 bảng/năm (tương đương 2,5 tỉ đồng),
từng sống trong một căn hộ sang trọng giữa lòng thủ đô London, Anh. Người đàn
ông sớm thành đạt ấy đã quyết định từ bỏ tất cả để tìm kiếm một cuộc sống bình
yên hơn trên một hòn đảo biệt lập ở miền nam nước Lào.
Anh là Jon Watkinson, hiện giờ 31 tuổi. Cách đây
4 năm, Jon từng mua vé một chiều tới Bangkok, rồi đi du lịch các nước Đông Nam
Á. Kết thúc chuyến đi, anh quyết định định cư lại trên hòn đảo Don Det nằm trên
sông Mekong, đoạn chảy qua miền nam nước Lào.
Giờ đây, đã 4 năm trôi qua và Jon không hối tiếc
về quyết định của mình, anh nói rằng anh chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như
bây giờ. Cuộc sống của Jon giờ đơn giản hơn rất nhiều, hàng ngày anh tự đi bắn
chim, bắt cá, bẫy ếch làm thức ăn, tắm rửa ở ngoài sông và sống mà không cần
đến những thiết bị điện tử thông minh.
Chuyện thứ hai kể về tỷ phú Chuck Feeney, người
đã cho đi tất cả tài sản đã kiếm được (Khoảng 8 tỷ dollars) để cống
hiến cho xã hội, riêng cá nhân hai vợ chồng ông vẫn sống đơn sơ trong
một căn Apartment thuộc loại tầm thường tại thành phố San- Francisco.
Quan niệm sống của ông Chuck
Feeney: "Mỗi người đều là trần trụi
sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và
danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời." Sự cao thượng tâm hồn nằm trong tấm lòng mà không
phải ở quần áo bên ngoài. Xem ra Ông này còn là bậc thầy của Bill Gates
nữa.
Chuyện
thứ ba là về Thánh Antôn Ẩn Tu. Gia sản tổ tiên để lại rất nhiều đất đai. Thánh
nhân được ơn Chúa thúc đẩy hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa, nên đã bán đất
đai và phân phát cho người nghèo để lòng không còn dính bén với những bận tâm
về của cải.
Mừng lễ
thánh quan thầy Giuse, Ngài là mẫu gương các nhân đức: Khó nghèo, vâng theo ý
Chúa, phó thác, cầu nguyện, hy sinh và chuyên cần. Tôi cứ tự hỏi tại sao người
ta cứ ngại nói về hai chữ khó nghèo? Hoặc là từ này khó hiểu hay không hợp
thời. Trong bài hát Thánh Gia, người ta muốn thay chữ ‘khó nghèo’ bằng những từ
hiện đại hơn như: thanh bần, đơn hèn. Thánh cả Giuse rất nổi bật về nhân đức
khó nghèo: sống đơn giản và đạm bạc, ít cậy dựa vào của cải để bám chặt hơn vào
Thiên Chúa, dùng lao động như phương tiện thánh hóa bản thân và để liên đới với
anh chị em mình. Xin Thánh cả Giuse giúp chúng con xác tín rằng: dù hoàn cảnh
nào, con người chỉ thỏa mãn được cơn khát hạnh phúc khi dính chặt đời mình với
Thiên Chúa và luôn biết vâng theo ý Ngài.
(Bài viết có sử dụng tư liệu giảng tĩnh tâm của cha Phaolô Nguyễn Thư Hùng cho hội Gia trưởng Vinh Hương năm 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét