Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Lối mòn




Có người nhận định rằng : Lối giáo dục của Người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng không giúp cho học sinh phát huy sáng tạo của mình, và xã hội của những nước đó có một đặc tính là ‘cào bằng’: triệt tiêu những suy nghĩ và lối sống khác lạ, sợ nhân tài. Kết quả là những nước này phát triển rất chậm, trừ ra những nước (Nhật và Singapore) đã học được lối giáo dục và suy nghĩ của những nước phát triển.
Cố linh mục Anrê Dũng Lạc Cao Tường có một bài viết về Đoàn sâu rước kiệu: Tôi (con sâu) đang đứng dưới một cây cột rất cao. Những con sâu cứ bám đuôi nhau lên xuống cây cột rất nhộn nhịp. Đứa trèo lên thì hăm hở, đứa trèo xuống thì đăm chiêu. Tôi suy nghĩ chốc lát ‘không biết ở trên đó có gì’ và cũng bắt đầu bám đuôi những đứa khác trèo lên cột. Trèo được một lát tôi lại bò xuống vì nghĩ rằng chẳng có gì ở trên đó, bọn này chỉ hùa nhau vậy thôi. Ở dưới đất được một lát, tôi lại quyết định trèo lên lần nữa cho đến đích xem sao. Tôi hung hăng hất ngã vài đứa để trèo lên tới cùng: chỉ là một cây cột trống trơn và lòng đầy thất vọng. Tôi lại trèo xuống, vẻ mặt hết sức nghiêm trang, mặc cho những đứa khác đang hăm hở trèo lên. Có nhiều con vật khác có thói quen đi theo lối mòn của nhau, ít có con nào dám đi ra khỏi lộ trình có sẵn có lẽ vì không có bản lãnh.




Nước Mỹ tập trung rất đông những nhân tài, họ tạo điều kiện để mọi người phát huy sáng kiến và tài năng của riêng mình. Họ không sợ người tài mà trọng dụng người tài. Người Do Thái cũng vậy, họ tạo điều kiện cho những sinh viên muốn khởi nghiệp và đưa những người có năng lực lên làm lãnh đạo, kể cả trong quân đội.

Ngày xưa, vua chúa Việt Nam đã có một thời chọn giải pháp ‘bế quan tỏa cảng’( không giao thương buôn bán và học hỏi các nước phương Tây) cũng là vì sợ người tài. Trong cuộc sống hằng ngày, nỗi sợ nầy cũng được biểu hiện ở nhiều lãnh vực khác: nội dung báo đài phải có chỉ đạo, tin tức phải được chọn lọc, chương trình học phải được giảm tải, chọn nhân sự phải có lý lịch, người cộng tác phải biết nghe lời. Kết quả là triệt tiêu hết mọi sáng kiến và xã hội phát triển chậm, có khi còn lạc lối vì đi theo lối mòn như những con sâu.

Chuyện ‘cào bằng’ còn len lỏi vào trong Giáo Hội, người lãnh đạo vẫn ưa thích những kẻ cộng tác là những người biết nghe lời, là cánh tay nối dài của linh mục hơn là những người cộng tác: chỉ còn một bộ óc làm việc, không ai dám nói lên sáng kiến của mình và ai cũng sợ trách nhiệm. “Người lãnh đạo không phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, mà là người có năng lực kết nối thành viên trong tổ chức, thấu hiểu nhân viên và tạo điều kiện cho họ phát triển sự nghiệp nhằm đạt được mục tiêu chung” (Internet).

Trong một tổ chức cơ bản nào đó mà không ai dám lên tiếng về các kế hoạch cần phải làm để tập thể được phát triển hơn, mà chỉ làm theo lệnh của ai đó và cái gì cũng phải hỏi ‘sếp’, thì tổ chức đó có vấn đề và nằm trong tình trạng trì trệ.Hãy học nơi Chúa Giêsu, vị lãnh đạo tối cao, bài học khiêm tốn phục vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét