Trong Kinh Thánh kể lại ít là 2 lần
ông Đavit có cơ hội ra tay giết hại vua Saun, nhưng lòng kính sợ Chúa đã giúp
cho ông Đavit thắng vượt lòng thù hận với kẻ tìm giết mình. Một lần ở trong
hang thì ông Đavit đã cắt một tấm vải từ chiếc áo cẩm bào, còn lần khác thì ông
Đavit lấy chiếc gươm và bình nước để làm bằng chứng (1S 24 và 1S 26).
Câu chuyện vua Saun và ông Đavit nói
với chúng ta 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất: lòng thù hận của con người có thể trỗi
dậy bất cứ lúc nào: chính vua Saun đã nhận ra ‘con công chính hơn cha, chắc chắn
đó là dấu hiệu con sẽ làm vua cai trị dân Chúa’, ấy vậy mà vua Saun cứ săn đuổi
và tìm giết Đa vit cho đến chết. Lòng oán thù giống như con sư tử nằm sẵn trong
từng người chúng ta, có cơ hội là nó sẽ lồng lên. Bình thường ai trong chúng ta
cũng dễ thấy cái dở của người khác, nhất là những kẻ ‘lớn hơn, tài hơn và giàu
hơn ta’, và hễ có dịp thì lòng ghen tị đó sẽ biến thành những lời nói có tính
thù ghét.
Vấn đề thứ hai. Ông Đvit nói với cận
vệ: “Đừng giết vua, có ai tra tay hại đến đấng được Chúa xức dầu tấn phong mà
được vô sự đâu”. Câu nói trên đáng cho ta phải suy nghĩ: đừng xúc phạm đến những
người được xức dầu thánh hiến, những người
đã tận hiến cuộc đời trong đời sống tu trì, những nơi thánh và những đồ vật
thánh. Chúng ta hẳn đã từng được nghe hoặc được chứng kiến những ‘cụm công
trình tôn giáo’ không thể phá hủy và những tai ương xảy đến với kẻ xúc phạm đến
các đấng được Chúa xức dầu. Điều đó đáng cho chúng ta suy nghĩ và đào sâu thêm vài chi tiết.
Tôi đã nhiều lần được nghe câu nói:
“Sự độc thân linh mục là một cách làm chứng cho sự hiện diện của nước trời mai
sau”. Điều đó rất đúng, vì nếu một người từ bỏ thế gian để sống trong bậc tu
trì, tuân giữ những lời khấn hứa khiết tịnh – vâng phục – khó nghèo, mà không
vì nước trời mai sau thì họ là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người (1Co
15,19). Người đời sợ nhất là chứng từ tử đạo và người đời cũng rất sợ chứng từ
của bậc sống tu trì. Bởi đó, suốt dòng lịch sử từ 2000 năm nay, luôn xảy ra những
thủ tiêu và bôi nhọ những kẻ bỏ lối sống thế gian để chọn Chúa làm gia nghiệp.
Chúng ta có thể kể đến vài sự kiện: sau cuộc cách mạng Pháp (1789) nhiều tài sản
của Giáo hội bị tịch thu và bắt bớ hàng giáo sĩ ; thời kỳ khai sáng (duy lý)
vào thế kỷ 17 và 18, đề cao tự do hạnh phúc và lý trí, tôn giáo bị tấn công về
cả luân lý và thần học, nhất là về nguồn gốc vũ trụ. Đức Gioan Phaolo 2 nói: thế
kỷ 20 có trên 100.000 vị tử đạo. Chúng ta dám chắc rằng đa số các kẻ bị giết hại
là các linh mục và tu sĩ.
Trên bình diện tự nhiên và ân sủng,
ai cũng thích tấn công linh mục, mục tử. Chúng ta dễ nhận ra rằng ‘ngay cả giáo
dân cũng thích nói xấu các Linh mục và các tu sĩ’. Tại sao vậy? – bởi vì theo
tâm lý học chẳng ai thích ném đá đồ chó chết cả, có nói xấu kẻ đầu to mặt lớn
thì mới chứng tỏ mình giỏi , và có giết được chủ chiên thì đàn chiên mới tan tác. Có một bài viết rất hay nói rằng linh mục bao giờ cũng sai(http://thanhthienc.blogspot.com/2013/02/linh-muc-luc-nao-cung-sai.html).
Cuối Thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 nở rộ lên sự kiện lạm dụng tình dục của một số
linh mục và sự bao che của một số giám mục. Thực ra sự kiện không đến nỗi trầm
trọng như truyền thông thế tục đưa tin, đây cũng chỉ là một hình thức bôi nhọ
hàng giáo sĩ và bách hại tôn giáo. Theo một bài phân tích: Sự kiện xảy ra vào đầu
thế kỷ 20, là thời kỳ bùng nổ kỹ nghệ tình dục; nhiều tầng lớp và nhiều tôn
giáo cũng có sự lạm dụng tình dục trẻ em; sự lạm dụng xảy ra nhiều nhất nơi những người thân trong gia đình và những
kẻ giám hộ; tỷ lệ các linh mục xảy ra việc lạm dụng là rất nhỏ, vậy mà các
phương tiện truyền thông và các tổ chức xã hội làm rùm beng đến nỗi nhiều người
khi nghe nói đến việc lạm dụng tình dục trẻ em là nghĩ rằng chỉ có các linh mục
Công giáo mới phạm tội này và nhìn tất cả các linh mục với lòng ác cảm.
Số linh mục (và tu sĩ)đang giảm sút
nghiêm trọng trên thế giới. Cách đây chừng
20 năm, trên thế giới có khoảng 500.000 linh mục triều và dòng, Bảng thống kê
niên giám 2020 chỉ còn lại 410.000 linh mục. Con số thống kê này nói với chúng
ta rằng: các linh mục là những kẻ đứng mũi chịu sào, hãy cầu nguyện cho các vị
được trung thành với sứ vụ và ơn gọi của Chúa, đừng hùa với thế gian để bôi nhọ
‘đấng được xức dầu’. Hãy nhớ lời ông Đavít: “Đừng giết vua, có ai tra tay hại đến
đấng được Chúa xức dầu tấn phong mà được vô sự đâu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét