Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

Tiếng Chúa mời gọi

 



Cả ba bài đọc Chúa nhật thứ 5 TN đều nói lên một điều, đó là sự bất xứng của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Tiên tri Isaia thốt lên là mình nhơ uế và sau khi được một vị thiên sứ dùng than hồng tẩy sạch tội lỗi thì vị tiên tri đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng. Thánh Phaolô đã nhận ra sự bất xứng của mình, không những vì đã bách hại Giáo Hội, mà còn là sự hư không bất tài của mình: tôi có là gì cũng là bởi ơn Chúa ban, tôi có làm được gì cũng là bởi sự trợ giúp của ơn Chúa cùng với tôi. Còn Thánh Phê rô, ngạc nhiên trước những lời giảng dạy của Chúa và của mẻ cá lạ lùng, đã nhận ra sự bất xứng của mình và xin Chúa lánh xa mình đi. Tôi xin ghi lại vài tâm tình giúp mình sống với Lời Chúa hôm  nay.

Tâm tình thứ nhất, đó là sự bất xứng của chính mình. Một trong những điều làm cho chúng ta phạm tội kiêu ngạo là quên đi sự nghèo hèn và yếu đuối của mình. Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Xét về phương diện nhân bản, Thánh Phaolô có đủ lý do để tự hào: ngài có hai quốc tịch, được giáo dục về đạo lý với ông Gamaliel và là con của luật sĩ. Ấy thế mà thánh nhân coi mọi sự là rơm rác trước mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Giê su Ki tô. Sau khi đã được ơn trở lại, thánh nhân cũng có nhiều điều để tự hào: được Chúa hiện ra và kêu gọi trực tiếp làm tông đồ, được Chúa dạy dỗ, được nâng lên tầng trời thứ ba trong một thị kiến, chịu nhiều gian lao khốn khó vì Tin Mừng, và rất đáng tự hào về những tư tưởng thần học chứa đựng trong các thư mục vụ mà ngài đã viết. Thánh Phaolô đã nghiệm ra một điều là để tránh cho ngài đừng hư đi vì kiêu ngạo thì Chúa đã cho ngài chịu một cái dằm đâm vào thân thể. Mỗi người chúng ta đều rất dễ tự hào rằng mình khôn – giỏi – khéo hơn người khác, và vì tự hào quá nên ta dễ khổ tâm khi ai đó va chạm với mình. Đức hồng y Fulton Sheen đã viết: “Cái ly phải rỗng thì mới đổ được đầy nước. Chỉ khi nào cái tôi nhỏ đi thì Thiên Chúa mới có thể đổ vào hồng ân của Ngài được. Cái tôi đầy tràn thì tình yêu Chúa và tha nhân không vào được nữa. Người khiêm nhường chú tâm đến lỗi lầm của mình, chứ không để ý đến lỗi lầm của kẻ khác. Người ấy chỉ thấy nơi tha nhân những gì tốt đẹp. Trái lại, người kiêu căng luôn phàn nàn về mọi người và tin rằng anh ta bị xử tệ, hoặc không được đối xử cho xứng đáng. Khi bị xử tệ, người khiêm nhường không phàn nàn, vì anh ta biết mình còn đáng bị xử tệ hơn thế”. Đọc những dòng trên, ta nhận ra rằng: nếu ta còn hay phàn nàn kêu trách, chê bai người này người nọ thì ta còn kiêu ngạo; hãy luôn tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa không ngừng tuôn đổ trên ta mỗi ngày, về những tài năng và những gì ta đang có; được ơn làm con Chúa là một hồng ân nhưng không mà Chúa ban tặng dù tôi tội lỗi bất xứng; Ta càng nhận ra mình tội lỗi thì Chúa càng âu yếm vì Ngài đến để tìm kiếm những gì đã hư đi.

Một đêm trắng tay. Tin Mừng không nói rằng chính Chúa đã can thiệp để thuyền của ông Phê rô đã phải chịu cảnh thất bại của một đêm đánh cá mà không bắt được một con cá nào, Tin Mừng chỉ nói đến một lần quăng chài vì vâng lời Thầy thì cả hai thuyền đầy ắp cá đến gần chìm, dù cả một đêm vất vả mà uổng công. Có thể nói đây là một phép lạ có thật chứ không mang tính ẩn dụ hay dụ ngôn. Phép lạ này đã gây nên một hiệu ứng mãnh liệt nơi tông đồ Phê rô và các bạn chài của ông, họ nhận ra sự bất xứng của mình trước vị thầy quá vĩ đại trong lời nói và quyền năng. Họ đã bỏ mọi sự để bước theo lời mời gọi cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chắc hẳn phép lạ đầu đời truyền giáo này mãi còn ghi đậm nơi tâm hồn các ông: việc truyền giáo là việc của Thiên Chúa cùng với sự đóng góp của con người. Đọc tiểu sử nhiều vị thánh, chúng ta thấy Chúa cho các ngài gặp thất bại trên đường công danh, nhờ vậy mà họ nhận ra con đường hạnh phúc khi gắn bó với Chúa. Chính bản thân mỗi người chúng ta cũng nghiệm được rằng nhiều khi Chúa cho mình gặp cơn bệnh hay thất bại nào đó để mình thay đổi cuộc sống và bám chặt hơn vào Chúa.

Ai trong chúng ta cũng được mời gọi trở nên nhân chứng của Tin Mừng cứu độ, dù ta bất xứng và bất tài. Thánh Phaolô đã ghi lại sứ điệp nòng cốt của Tin Mừng: Chúa Giê su đã chết vì tội nhân loại và Ngài đã phục sinh, ai tin vào Ngài và bước theo Ngài thì sẽ được giải thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Thế nhưng, chúng ta thường quên nhiệm vụ chính của mình trên trần gian nầy là sống sứ điệp đó, là thánh hóa mình và thánh hóa người khác, chúng ta thường bận tâm quá đáng đến những vấn đề cuộc sống vật chất mà quên chăm lo phần rỗi linh hồn mình và tha nhân. Phép lạ cuộc sống sẽ luôn xảy ra khi ta có một đời sống kết hiệp với Chúa, khi vâng lời Thầy. Có thể nói nhân loại được Chúa tạo dựng, kể từ người đầu tiên cho đến ngày tận thế, là một thân thể mầu nhiệm – là con cái của một Cha trên trời, thân thể này hiểu theo nghĩa rộng. Thân thể hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đó là Giáo hội – bao gồm những người đã lãnh nhận phép rửa tội, trở thành con cái Thiên Chúa và có Chúa Ki tô là đầu của nhiệm thể. Bạn hãy luôn tin rằng khi bạn cầu nguyện cho ai đó thì bạn đã bơm vào thân thể này một enzyme tốt, chất xúc tác này sẽ làm cho thân thể này khỏe mạnh hơn. Ngược lại, khi ta làm điều xấu, thì ta làm cho thân thể này bị nhiễm độc và trở nên ốm yếu hơn. Hãy tin vào quyền năng Chúa để luôn cầu nguyện những điều tốt đẹp cho người thân, người tội lỗi, cho các nhà lãnh đạo và cho tổ quốc, chính Chúa sẽ ra tay, vì đối với Chúa mọi sự đều có thể. Ai đó đã nói: người ta dễ nhận ra phép lạ khi điều lạ đó đi ra ngoài quy luật tự nhiên, nhưng họ thường không nhận là phép lạ khi một tâm hồn được biến đổi trở nên tốt lành hơn. Người có đức tin luôn nhìn thấy phép lạ luôn xảy ra quanh mình.

 


Trong cuộc sống, đôi lúc Chúa cho phép xảy ra những đêm trắng tay mà không bắt được con cá nào, để ta khiêm nhường và cậy dựa vào Chúa hơn. Hãy biết tạ ơn vì những không may và những điều không hay với tha nhân, vì có thể người nào đó chỉ là nguyên nhân thứ cấp (tác nhân Chúa dùng) để mang đến những lợi ích to lớn hơn cho phần rỗi linh hồn. Đừng chờ cơ hội lớn để được cộng tác với Chúa, đa số người trong chúng ta chỉ là những Ki tô hữu bình thường, hằng ngày được mời gọi rao truyền sứ điệp cốt lõi (kerygma): Chúa Giê su đã chết vì tội nhân loại, Ngài đã phục sinh để muôn người có sự sống. Hãy trân quý tiếng mời gọi của Chúa và hân hoan cộng tác, dù mình bất xứng, và kiên trì cầu nguyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét