Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Điều mới lạ

 



Mỗi lần mở trang mạng, ta ao ước tìm được tư tưởng mới và hay, để sưu tập hơn là để sống. Thế nhưng làm gì luôn có cái mới mãi, thế là ta đành thất vọng vì tính ham hiểu biết không được thỏa mãn. Tốt hơn là hãy đem ra thực hành những điều đơn giản, cách kiên nhẫn và hằng ngày kiểm điểm xem mức độ tiến bộ ra sao, thì may ra đời sống nội tâm tiến bộ đôi chút.

Ví dụ hãy học kiềm chế miệng lưỡi để đừng trở nên người lắm chuyện. Người lắm chuyện là người hay bép xép chuyện người khác, chuyện không liên quan gì đến mình; là kẻ hay khoe khoang bản thân và đôi mách chuyện không tốt của người khác, để tỏ ra là mình biết nhiều và tốt lành hơn kẻ được nhắc tên tới trong câu chuyện; là kẻ nói những chuyện không tốt và không cần thiết. Thánh Giacôbê nói: nếu ai nói mình đạo đức mà không gò hãm miệng lưỡi mình thì đó là kẻ tự dối lòng mình, ai không sa ngã trong lời nói – kẻ ấy hẳn là người trọn hảo. Nhưng chữa bệnh phải chữa từ căn: muốn không sa ngã trong lời nói thì tự thâm tâm ta phải biết rằng mình cũng là người yếu đuối hay sa ngã, Chúa dạy ta đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán – vì việc xét xử là việc của Chúa; con người thường xét đoán lệch lạc chỉ thấy cái xấu của tha nhân mà không thấy cái tốt của họ, và không biết rõ hoàn cảnh hay chủ tâm của họ thế nào.

Truyền thông công giáo khác với truyền thông thế tục ở điểm là không có nhiều những tin tức giật gân mà là có khả năng đưa ra những nét đẹp Tin mừng đang nẩy mầm và mọc lên giữa lòng nhân thế. Các nhà truyền thông nói chung, phải ra đi khỏi chính mình để ‘tầm tin’, nhưng truyền thông công giáo phải trở về ngôi nhà nội tâm để đối chiếu sự kiện mình gặp với lương tâm mình để phát hiện ‘cái đẹp và cái không phù hợp’ với tiêu chuẩn Tin mừng đã được gieo vãi nơi lòng mình. Từ phản ứng đầu tiên đó, được nghiền ngẫm trong cầu  nguyện, chúng ta nói lên tiếng nói phản biện cho người khác biết, để họ cũng cảnh tỉnh và suy xét cho cuộc sống của chính họ.

 

Nhưng chúng ta phải chấp nhận cái giới hạn của ham muốn ‘tìm điều mới lạ’ của mình, cũng như Kinh Thánh chỉ có chừng ấy quyển thôi mà không phải là vô tận, cũng như những cuộc tình nhân loại mình đang có cũng có giới hạn về tình tiết, diễn biến, cảm xúc. Mối tình của tâm hồn với Chúa Giê su mà ta tìm cách chia sẻ với tha nhân cũng không thể luôn sôi nổi và mới mẻ hoài được, vì Thiên Chúa luôn thích chơi trò trốn tìm với linh hồn. Khi đã kết hôn, tình cảm vợ chồng thường đi vào chiều sâu của trách nhiệm và bổn phận hằng ngày, những cử chỉ và tình tiết nhỏ nhặt không đáng nói thành lời, khác với sự sôi nổi và mãnh liệt của cảm xúc của thời mới yêu và mới cưới. Mối tình Giê su cũng vậy, bởi đó, phải chấp nhận rằng cây viết nào cũng vậy, cho dù kiến thức rộng mênh mông thì cũng phải chấp nhận có ngày ‘tận số’, đó là cái hữu hạn của ngôn từ và của con người, kể cả các thánh.



Tin Mừng Thánh Gioan kết thúc bằng một câu rất hay: “Còn lắm điều khác, Đức Giê su đã làm, nếu viết lại từng điều, thì thiết tưởng thế gian không đủ chỗ mà chứa sách viết ra” (Yn 21,25). Điều Thánh nhân muốn nói ở đây: những lời viết ra là để chúng ta tin và chừng ấy điều đã viết là đủ để tin rồi. Tôi còn nhớ lời của đức cha Phê rô Nguyễn Huy Mai : “Khi nghe giảng, tuy có nhiều ý và nhiều chuyện, nhưng nên chọn một vài ý để ghi nhớ, tựa như con chó đã chọn cho mình một khúc xương để gặm thì nó không cần gom những thứ còn lại để cất giữ”. Đức cha Khảm dạy rằng: Khi mở trang Kinh Thánh, hãy để Chúa Thánh Thần mở trí soi lòng, có những chữ và những câu sẽ đánh động lòng mình. Trong mỗi ngày sống, hãy chọn cho mình một lời kinh hay một câu Kinh Thánh ngắn gọn để suy nghĩ và cầu nguyện, thói quen này sẽ giúp mình thực hành lời dạy của Chúa ‘Hãy cầu nguyện không ngừng”.

Người đầy tớ khôn ngoan biết lợi dùng những cái cũ và những cái mới trong kho tàng của mình. Chúng ta cũng vậy, hãy đọc Kinh Thánh và những sách đạo đức, những bài viết và những tư tưởng đạo đời giúp mình thức tỉnh lương tri –thay đổi cuộc sống. Điều quan trọng là hãy ‘đọc để sống chứ không phải sống để đọc’, kẻo ta bị bội thực về kiến thức và vỡ mộng vì không thỏa mãn tri thức như sách Giảng Viên đã nói: “chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời này”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét