Hai bài đọc trong phụng vụ ngày thứ hai tuần 3 Mùa Chay nói với
chúng ta về 2 sự vỡ mộng dẫn đến sự nổi giận, một của ông Naaman và một của dân
làng Nagiaret. Đây là dịp tốt để nói đến hành trình đức tin của chúng ta, cũng
rất dễ dẫn đến những thất vọng và vỡ mộng nếu không định hướng đúng.
Sự ưu tiên và xứng đáng. Tiên tri Naaman là sĩ quan cao cấp của
đế quốc Xy ri, một đế quốc đã xâm lược
và phân tán dân Do Thái, ông còn mang đến với vị tiên tri một đống vàng bạc nữa,
đó là lý do ông nghĩ mình chỉ cần mở miệng nói lý do thì vị tiên tri sẽ cầu khẩn
và phép lạ tức khắc xảy ra; chính vì thế ông đã nổi giận bỏ về khi mọi sự không
diễn ra như ông tưởng nghĩ. Dân Na gia ret cứ nghĩ rằng Chúa Giê su sẽ nể trọng
và ưu đãi người đồng hương, sẽ dùng uy quyền để chữa lành mọi bệnh hoạn tật
nguyền, thế nhưng khi về thăm quê hương Chúa không ưu tiên gì cả, Ngài chỉ đặt
tay chữa vài người vì họ không có lòng tin; thế là họ nổi giận, kéo Người lên tận
đỉnh núi để xô Người xuống vực! Bạn và tôi, đừng nghĩ rằng mình có đạo thì Chúa
phải ưu tiên ban cho mình được mọi sự may mắn và tránh mọi tai họa, an bình hơn
người ngoại mới phải lẽ; không được như vậy thì ta cũng dễ thầm trách Chúa quên
mình, Chúa không quyền năng, Chúa không yêu thương và có khi Chúa không hiện hữu.
Chỉ cần tin thôi. Điều kiện duy nhất để Chúa hành động là đức
tin. Trong Tin Mừng, mỗi lần phép lạ xảy ra, Chúa Giê su đều nói: “Đức tin đã cứu
chữa con, con tin thế nào thì được như vậy”. Đức tin đó được hối nhân biểu lộ bằng
lời cầu xin hoặc âm thầm trong lòng , có thể qua người trung gian, nhưng tiên
quyết là Thiên Chúa hành động theo cách Ngài muốn, không do sự xứng đáng hoặc
khéo lải nhải xin xỏ của con người. Khi nói về cầu nguyện, một nhà tu đức phân
tích: cầu nguyện không làm cho Thiên Chúa thay đổi mà chính là làm cho con người
thay đổi, nhờ đó Thiên Chúa có thể hành động như ý Người muốn; cầu nguyện không
phải là dùng những lý lẽ hay những lời khéo léo khiến Chúa phải mủi lòng để
hành động theo ý con người, nhưng đúng hơn khi ta nhớ lại lịch sử đời mình và lịch
sử cứu độ, lòng ta thêm lòng tin tưởng và khiêm tốn cậy trông vào quyền năng và
lượng từ bi Chúa, và đó là những điều kiện cần thiết để Chúa hành động.
Chúa Giê su nêu lên một sự thật được ghi lại trong sách Thánh: thời tiên tri Ê lia, chỉ có một bà góa ở Sa rep ta và thời tiên tri Ê li sêu, một người phong cùi người Xy ri, cả hai đều là người ngoại đã được cứu chữa, trong lúc ở Do Thái biết bao người chết vì đói và biết bao kẻ bị phong không được chữa lành, vì sao?- Vì lòng tin, vì sự tự do hành động của Chúa, vì Thiên Chúa luôn ưu tiên phần rỗi linh hồn. Người ta nhận ra rằng: tại những trung tâm hành hương, người ngoại và người khô khan nguội lạnh thường được hưởng phép lạ, tại sao?- vì họ cần dấu lạ để có đức tin và đức tin dẫn họ đến con đường cứu rỗi.
Chúa càng yêu thương ai thì càng thử thách người đó. Đó là nhận định của một nhà tu đức. Ai trong chúng ta cũng muốn được Chúa yêu thương, nhưng lại sợ Chúa bắt mình trải qua những thử thách này nọ. Quy luật cuộc sống dạy ta rằng: thử thách là điều cần thiết cho sự lớn lên và phát triển; chúng ta nhận ra điều đó khi quan sát một cây non phát triển, một đứa bé lớn lên và chương trình tập luyện của một vận động viên. Chúa thường không chiều theo những nhõng nhẽo trẻ con của ta, Ngài ưa dùng những thử thách trong cuộc sống để ta gắn bó và bám chặt Ngài hơn. Có điều là không bao giờ thử thách đó lại vượt quá sức chịu đựng của ta và Chúa luôn đồng hành cùng ta. Xin trích một đoạn trong tác phẩm ‘Tự do nội tâm’: “Khi chấp nhận đau khổ, chúng ta tìm thấy sức mạnh mới. Thánh Kinh nói về “bánh châu luỵ”. Thiên Chúa là Đấng trung thành luôn ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để mang lấy những gì là nặng nề và khó khăn ngày này qua ngày khác trong cuộc sống mình. Etty Hillesum viết, “Lạy Chúa, bây giờ con nhận ra rằng, Ngài đã cho con nhiều biết bao. Biết bao điều tốt đẹp cũng như biết bao gánh nặng phải mang. Vậy mà, bất cứ khi nào con tỏ ra sẵn sàng mang lấy nó, lập tức, cực nhọc biến thành đẹp tươi”
Lạy Chúa, đôi khi con thường hành xử như thể Chúa là ‘ông bụt’, khi cần thì con kêu khấn nhưng lại quên Chúa ngay khi hoạn nạn qua đi; trong lúc Chúa muốn con mãi là một trẻ thơ trong vòng tay người Cha nhân lành: tin tưởng, cậy trông, phó thác trong từng ngày sống.
Lạy Chúa, vì thiếu lòng tin tưởng nơi Chúa, con thường lo lắng quá về nhiều chuyện, vì con tưởng rằng mình lo liệu được: cơm ăn áo mặc, tiến bộ thiêng liêng, hạnh phúc thiên đàng; nhưng rồi, Chúa cầm lấy tay con và nói với con rằng: “Ta trách con vì con đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu”, và rằng “chẳng ai trong các con nhờ lo lắng mà có thể kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang tấc”.
Và còn một điều thường làm chúng con vỡ mộng nữa, đó là cách thức hành động của Chúa thường tiệm tiến và kiên nhẫn, trong lúc chúng con thường muốn mọi sự phải diễn ra nhanh - gọn và tức thì. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét