Thánh Giacobê có một lời dạy rất
phù hợp với sự thanh tẩy tâm hồn trong mùa chay. Thay vì nói: “nếu Chúa muốn,
chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia”, thì các người lại tự phụ vì những
chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu (Yc 4,15).
Người khiêm nhường được định nghĩa là người nhìn nhận sự thật về mình. Nếu mình có tài năng hay nhân đức mà lại chối bỏ thì cũng không đúng, vì đó là nghệ thuật để được khen thêm. Nếu mình có tài năng mà được người khác khen lao thì hãy đón nhận lời khen đó và tạ ơn Chúa. Điều tệ hại là chúng ta đón nhận lời khen mà lại không tạ ơn Chúa, và lời khen kia làm cho chúng ta thêm kiêu ngạo. Chúng ta thường có những lời khen có thể nói là vô căn cớ, không đúng sự thật và có nguy cơ làm cho tha nhân một là sống giả dối để che đậy cái dốt của mình, hai là vênh vang tự phụ vì thói hám danh. Ví dụ trong một giáo xứ nhỏ, cứ khen dòng họ này hoặc nhân vật nọ là giỏi; giỏi là giỏi thế nào, có bằng cấp gì, có làm được việc gì cho cộng đồng và thăng tiến nhân loại không… hay chỉ là ‘mẹ hát con khen hay’ và ‘cho đi tàu bay giấy’ thôi.
Nhiều người trong chúng ta thường khoe con cái mình thông minh, hoặc dự trù mùa màng sẽ tốt đẹp, nói về kế hoạch tương lai… Theo lời thánh Gia cô bê thì điều đó không đẹp lòng Chúa, nếu không nói trước ‘nếu Chúa muốn’, vì trong những lời nói về tương lai đó có hàm chứa sự tự phụ và khoác lác. Cổ nhân đã nói: ‘nói trước bước không qua’, ‘mồm bò đi trước thì được việc, miệng người nói trước thì rách việc’, là có ý dạy ta phải canh chừng thói khoác lác tự phụ đó vậy.
Có câu chuyện kể rằng. Có một vị tu sĩ bị mù, ông rất thánh thiện và đón nhận sự mù lòa của mình một cách vui vẻ. Vị tu sĩ này có thói quen thưa với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trước mỗi lời cầu xin cho mình hoặc tha nhân. Một lần nọ, ông cầu xin cho mình được sáng mắt và Chúa đã nhậm lời. Sau những giây phút ngỡ ngàng vì những điều kỳ diệu mà con mắt được chiêm ngắm, ông bỗng nhớ lại ‘hình như mình quên nói câu ‘nếu Chúa muốn’ khi xin cho được sáng mắt. Nghĩ thế, ông vào nhà thờ, lấy hết can đảm để thưa với Chúa: “Lạy Chúa, nếu việc con được sáng mắt không đẹp lòng Chúa, thì xin cho con mù trở lại”. Sau đó, ông bị mù trở lại, nhưng tâm hồn ông hoàn toàn an bình, trong niềm tin tưởng rằng: đây là điều tốt đẹp nhất mà Chúa cho xảy đến với mình. Hãy tập thói quen thưa với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trong mọi dự định hằng ngày và tương lai.
Để kết thúc bài viết, xin trích một lời cầu nguyện rất giàu ý nghĩa nhân sinh.
Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng
Giám Mục
“Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời:
"Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là nguời cất khỏi mà chính tôi
mới là người phấn đấu để vuợt thắng nó.
Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi đuợc lành lặn và
Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể
xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là trái của thử thách. Ngài không
ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi đuợc hạnh phúc và Chúa đã trả lời:
“Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không
là tùy tôi.
Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để
tôi mang nhiều hoa trái.
Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi đuợc xa cách với những vướng
bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.
Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã trả lời: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Ðấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Ðàng vì tôi đã tin. Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét