Hằng ngày chúng ta phải dùng lý trí
suy xét phải trái, suy đoán các tình huống và kể cả phải xét và đoán trong các
mối quan hệ người với người. Nếu chúng ta xét đoán về người khác quá rộng rãi
và tốt lành thì chúng ta dễ trở thành người quá đơn sơ, nhưng nếu chúng ta xét
đoán người khác quá khắt khe, thì chúng ta dễ thành người hà khắc, keo kiệt và lên án bất cứ người
nào mà chúng ta gặp gỡ. Trong chữ xét đoán, chúng ta dễ nhận thấy có nhiều điều
sai trật rồi: chúng ta không đủ thẩm quyền, khôn ngoan, dữ liệu và đủ nhân đức
(lòng tốt).
Chúa truyền dạy ta: “Anh em đừng xét
đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ Thiên Chúa
đong đấu ấy cho anh em”. Sở dĩ Chúa Giê su đưa ra một lời khuyên như vậy vì
Chúa biết lòng chúng ta thường hẹp hòi khi xét đoán anh em, thường nhìn anh em
với ý gian, cho nên càng bớt xét đoán chừng nào thì tốt chừng đó. Nhà tu đức
khuyên: khi mình do dự về cách xử sự của anh em, mình nên dành chỗ cho tình
thương, nên đọc được ý ngay cho người anh em. Không ai trong chúng ta muốn mình bị bắt tại
trận đang phạm tội, nên chúng ta thường tìm mọi cách để chạy tội và dấu tội, và
cách thông thường nhất là chúng ta vạch tội ấy nơi người khác. Trên các diễn
đàn xã hội, người đứng lên vạch tội người khác (tham nhũng, phô trương, thành tích, giả hình)... nói năng rất hùng hồn và kịch liệt
giống như mình hoàn toàn trong trắng, nhưng rồi một ngày nào đó kẻ đang vạch tội
đó lại phải hầu tòa vì chính tội danh đó. Chỉ một phút hồi tâm, đám đông những
người lên án chị phụ nữ ngoại tình bỗng nhận ra mình cũng đã từng ước ao hoặc
đã từng thực hiện chính tội này, nên họ xấu hổ và rút lui. Người ta mạnh miệng
lên án kẻ khác vì họ quên rằng mình cũng là đại tội nhân được Chúa không ngừng
tha thứ; lý do thứ hai vì mình muốn dấu tội: vạch cái rác là miếng vụn của cái
đà trong mắt mình; lý do thứ ba là do lòng kiêu ngạo, muốn thể hiện sự thông
thái và rành tâm lý của mình, kiểu như con ếch muốn phình bụng to như bụng bò.
Chúng ta thường xét đoán sai về tha
nhân, nếu viết lại đầy đủ thì có lẽ thế giới này không đủ chỗ mà để sách. Bản
thân mỗi người cũng đầy chuyện và đầy kinh nghiệm, nhưng vì xấu hổ nên không viết
ra và đi vào quên lãng – nên không còn nhớ để kinh nghiệm. Có thể kể đến bài viết
‘linh mục lúc nào cũng sai’, câu chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi, biết bao câu chuyện
của Chúa Giê su: Ngài bị chê là dại, bị quỷ ám, tầm thường và ít học vì là con ông thợ mộc, lộng ngôn,
quân tội lỗi, vi phạm lề luật, kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa… {Trong tác phẩm ‘ Tự do nội tâm’ có nhắc đến
câu “Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Tin Mừng diễn
tả một “quy luật” thuộc về con người, những ai từ chối tha thứ, từ chối yêu
thương, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự thiếu yêu thương đó. Sự dữ
chúng ta làm cho người khác hoặc mong cho người khác, rốt cuộc, sẽ quay lại chống
chúng ta. Những ai khắt khe với tha nhân sẽ phải chịu đựng nỗi khắt khe đó. Những
xét đoán, nghi ngờ, khước từ hay căm phẫn giam hãm chúng ta trong một mạng lưới
vốn sẽ bóp nghẹt chúng ta. Những khát vọng cái tuyệt đối, cái vô biên sâu xa nhất
của chúng ta sẽ bị chặn lại và không được thoả mãn, bởi lẽ, việc thiếu lòng
nhân từ với người khác đã khép kín chúng ta trong một thế giới của tính toán và
tư lợi. Đây là một quy luật bất di bất dịch, “Anh sẽ không ra khỏi đó cho đến
khi trả xong đồng xu cuối cùng”. Khi ai đó xúc phạm đến tôi, tôi cũng không muốn
xét đoán, Thiên Chúa là Đấng duy nhất ‘dò thấu lòng dạ’và
‘xét xử công bình’, tôi giao cho Người việc cân đo hành động của người này và
đưa ra phán quyết. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị thuộc về Thiên Chúa,
tôi không muốn mang gánh nặng đó vào mình.}
Chúa Giê su mời gọi ta hãy thường
xuyên đến với Chúa để học với Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường, và cụ thể
hôm nay Chúa dạy ta phải biết nhìn người anh em với con mắt của Chúa, tốt nhất
là nhìn hành động của anh em bằng lòng thương xót, bằng ý ngay (thay vì ý xấu).
Đừng xét đoán từ trong lòng theo thiên kiến và thành kiến, đừng thốt ra ngoài
miệng bằng thói bép xép, gây xáo trộn và chia rẽ, vì đó là con đẻ của sa tan.
Muốn tiến một chút trên đường nhân đức, hãy tập thói quen thỉnh thoảng hồi tâm,
nhất là sau một cuộc nói chuyện, sau một ngày sống; hãy đặt bàn tay phải trên
quả tim và thì thầm xin lỗi Chúa vì đã xúc phạm đến thanh danh người khác, vì
quá khắt khe với người anh em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét