Trong
dịp vừa qua, tôi có đi du lịch vài nơi, học được vài điều từ những người bạn đồng
hành. Có những bài học tích cực và cũng có những bài học tiêu cực – cần phải
tránh. Tuy chỉ là bài học nhỏ, nhưng lại đánh động mạnh và khắc sâu trong lòng,
vì được chứng kiến trực tiếp – không phải lý thuyết suông.
Trước
hết xin nói đến những hành động đẹp, đó là sự sẵn sàng phục vụ, sự vui đùa, sự
giải tỏa bất hòa. Tôi có dịp gặp một người bạn ngoài luồng (mới quen gần đây), rất
giống dân tu-ra, vóc dáng hao gầy, cư xử hiền hòa; sau bữa ăn tối, mọi người đều
mệt, chỉ dọn dẹp sơ sài và đi ngủ; sáng hôm sau, anh tự nguyện rửa sạch nồi chén
trong lúc mọi người tập trung uống cà phê; anh tâm sự: “ở nhà mình vẫn thường
làm việc vặt giúp đỡ mọi người, động viên con cái cùng làm, vì khi mình mệt mỏi thì người khác cũng mệt, mình
muốn nghỉ ngơi thì người khác cũng muốn nghỉ ngơi, khi mình đói thì người khác
cũng đói…bởi vậy mình nên chia sẻ công việc với
những người thân, đừng đùn đẩy công việc cho người khác”. Lời nói và
hành động của anh làm cho tôi phải suy nghĩ về cách sống của mình, nhận ra anh
có tâm hồn cao thượng. Hãy tập thói quen chăm sóc nhau trong cuộc sống, bạn sẽ
hạnh phúc và tạo hạnh phúc cho người khác; ngay trong gia đình, bạn hãy thể hiện
(có ý thức) những hành động chăm sóc người bạn đời của mình mỗi ngày, tuy nhỏ
thôi nhưng hiệu quả của hạnh phúc là rất lớn.
Nhóm bạn U70 của chúng
tôi tuy hơi ồn ào, nhưng lại ưa đùa nghịch một cách táo bạo, cứ tưởng sắp oánh
nhau, nhưng chỉ là đùa giỡn. Điều này đã gây ngạc nhiên cho lớp trẻ, chúng ngạc
nhiên nói: Đúng là cách biệt thế hệ! Đối với lớp trẻ, chỉ cần nhìn nhau khó chịu
là đã có chuyện, chỉ cần nói móc nhau một câu thôi là xa cách nhau mãi, đàng
này nói bốp chát với nhau kiểu đó mà hôm sau lại còn họp mặt như chẳng có gì xảy
ra. Sự đùa giỡn này làm ta liên tưởng đến những đứa trẻ con và những con chó cảnh:
giận đó rồi quên đó, điều đáng buồn là người lớn thường quá nghiêm nghị và ít
khi bông đùa, hãy mỉm cười với nhau và nhìn cách cư xử của người khác chỉ như
trò đùa thôi mà.
Có những uẩn khúc trong
cuộc sống về cách cư xử của những người bạn với nhau cứ đè nặng trong tâm hồn
ai đó. Nếu không có dịp giải tỏa, những cặp mắt cứ nhìn nhau: mơ hồ và nghi ngại, và
tình nghĩa sẽ bay xa. Cách tốt nhất để nối lại tình thân là giải tỏa những uẩn
khúc đó, ngay cả đối với Chúa – bạn bè – xóm giềng. Nói vậy, nhưng rất khó, có
chăng là ơn Chúa ban cộng với thiện chí của một trong hai người. Trước khi chia
tay nhau trong một cuộc đi chơi, hãy chìa tay ra và hãy nói lời xin lỗi với
nhau để rồi khi xa nhau thì trong tâm hồn chỉ lưu lại những kỷ niệm ấm áp tình
người.
Cách
cư xử nhẹ nhàng của người Đà lạt. Tôi đã nhiều lần lên vùng du lịch này và nhận
ra người buôn bán ở Đalạt có cách cư xử hiền hòa và nhẹ nhàng, khác với những vùng khác: dao búa, dữ tợn.
Đúng là văn hóa có ảnh hưởng đến tâm tính từng người và lan tỏa ra cả cộng đồng. Trước 1975, Đa lat đã là trung tâm văn hóa trước khi là trung tâm du lịch. Dĩ nhiên, đó là nói về người dân bản xứ đã ở đó từ lâu, còn ngày nay Đalạt đã
khác rồi, vì đã pha trộn nhiều sắc dân, nhiều văn hóa và đầu óc kinh doanh, nhưng nếu để ý bạn sẽ khám phá sự nhẹ nhàng còn ẩn khuất đâu đó nơi những người buôn bán nhỏ. Sự
nhẹ nhàng này còn thể hiện ngay trong câu ghi chú trong WC: “Xin quý khách vui
lòng bỏ rác vào giỏ, vì nếu bị kẹt rác sẽ rất khó xử lý ạ” (tôi rất bất ngờ vì chữ ạ, rất dễ thương).
Khi mình muốn sống theo kiểu tự do
thì đồng thời phải biết tôn trọng tự do của người khác. Nếu có dịp phải sống
trong môi trường tập thể, ta mới nhận ra nhân cách của mỗi người, có người rất
tế nhị và có người lại quá vô tâm. Nếu chỉ gặp nhau trên một chuyến xe hoặc
trong một cuộc vui đông người, ta khó nhận ra những suy nghĩ và cung cách sống,
nhưng có dịp tiếp xúc kỹ hơn một chút, ta dễ nhận ra sự khác biệt. Tôi phải bực mình vì vài người bạn cứ ồn ào về đêm,
hút thuốc trong phòng ngủ, uống rượu bia lè nhè … có lẽ họ cũng bắt vợ con phải
chịu đựng nhiều. Ai đó đã phân tích: khi đề cao tự do của mình (muốn làm gì thì
làm) thì đồng thời mình hy sinh tự do của người khác: người mẹ tự do lựa chọn
phá thai thì đồng thời hy sinh tự do sống của đứa con trong bụng.
Ai
đó đã nói: Muốn sống lịch sự, phải biết hy sinh. Có nhiều va chạm trong cuộc sống
xảy ra rất đáng tiếc, để lại những nỗi buồn và tự ái không đáng có, là do sự thiếu tế nhị trong giao tiếp. Ví dụ,
trong giao tiếp, bạn không nên hỏi tuổi phụ nữ, thu nhập của người khác, nghề
nghiệp (vì có thể họ đang thất nghiệp). Việc ăn uống thì người VN mình thường
dùng chung chén nước chấm (nước mắm, chao, ruốc), phải tránh làm sao cho người
khác không mè hè. Khi giao tiếp, đừng mơn trớn người khác lộ liễu và nhất là đừng
xoi mói đời tư và có ý phê phán, có người oán ghét ta trong lòng, kẻ khác họ sẽ
hỏi vặn lại và tất nhiên là mất lòng nhau. Ở các làng quê, có những người được
phong là ‘thần đốt’, vì ngày nào họ cũng đốt rác như một thói quen bình thường
– mà không nghĩ đến tác động của khói với sức khỏe của người khác, rất mong xã
hội có những quy định phạt tiền khi đốt rác khói um cả một quãng đường quốc lộ!
Lời
nói lung lay gương bày lôi kéo. Nhiều người nhận ra việc giáo dục con cái trong
thời đại hôm nay là rất khó vì môi trường xã hội càng ngày càng xuống cấp, vì sự
cuốn hút của internet, nhưng một phần không nhỏ là cha mẹ không là mẫu gương
thường trực cho con cái: lời nói, cách ứng xử với bà con lối xóm, với các bậc
sinh thành, với các linh mục, cách chăm sóc nhau trong gia đình, cách sống đạo.
Trong bất cứ môi trường nào, hãy chăm sóc nhau bằng lời nói và gương sáng, là
cách nên trọn lành hơn cho bạn và góp phần giúp người khác tiến về phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét