Trong giáo lý Ki tô giáo, có những chủ đề mà người ta ngại nói vì nói mãi đến chết cũng không vượt thắng được, và vì nó trái ngược với khuynh hướng tự nhiên của con người. Có thể kể đến vài chủ đề: đau khổ và thập giá, hạ mình xuống (khiêm tốn), phục vụ. Tuy khó nói, nhiều người đã nói và khó thực hiện, nhưng vì đây là những chủ đề quan trọng và then chốt trong đạo, nên cứ phải nói để khuyến khích nhau tìm kiếm sự trọn lành. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về câu nói của Chúa Giê su: “Hãy ngồi vào chỗ cuối, vì ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11).
Chúa Giê su không đưa ra một lời khuyên cho những bữa tiệc trần gian và cách ứng xử nhún nhường để lấy lòng người đời. Chúa muốn nói đến thái độ phải có để dự phần vào bữa tiệc thiên đàng: Chúa là ông chủ sẽ mời những kẻ, khi sống ở trần gian, có lối sống khiêm nhường - trở nên nghĩa thiết với Ngài trên nước trời. Vì sao? – vì họ trở nên giống Chúa Giê su, Đấng đã tự hạ đến tột cùng khi nhập thể làm người, Chúa đã sống âm thầm trong 30 năm trời – làm nghề thợ mộc để mưu sinh, đã chết vì vâng ý Cha – để loài người được cứu sống. Thời đại hôm nay, ta dễ nghĩ rằng: sống tự hạ thật khó, vì chỉ có đói! Chúng ta thử quan sát một cuộc tụ họp thì sẽ rõ: ai cũng tô vẽ cho mình được đẹp hơn, tài hơn, có công cho đời và cho đạo hơn, làm ăn thu nhập cao hơn… con người thật của mình, để dễ bề làm ăn và để tìm kiếm tiếng khen. Không chỉ người Việt mình đề cao cái tôi, mà bất cứ ai trên trần gian đều bị cám dỗ tự tôn mình lên: không lệ thuộc thần minh (vô thần lý thuyết hoặc thực hành) và tự lập (bất cần ai). Thời đại nào cũng xuất hiện những triết thuyết nói với nhân loại rằng: "chẳng có chúa nào hết – mọi sự tự nhiên mà có – Thiên Chúa đã chết (xưa rồi, thuộc về quá khứ) – Chúa không tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa mà con người tạo dựng nên Chúa theo hình ảnh mình - con người trói buộc mình vào vị Chúa mà họ tạo nên, thật đáng thương cho sự vong thân và mất tự do của kẻ tin vào Thượng Đế!". Đó là cái bệnh của người lớn, nên Chúa đã nói: nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì chẳng vào được nước trời.
Cơn cám dỗ triền miên của con người là quá bám víu vào trần gian đến nỗi quên mất lối về trời. Khi nói về của cải, Chúa nói: các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được, vì nó sẽ mến chủ này mà khinh chủ nọ. Khi nói về thói ham danh và khoa trương, Chúa nói: Khốn cho các ngươi là những người biệt phái giả hình, các ngươi ham chỗ nhất và được trọng vọng; nếu khi cầu nguyện, ăn chay và bố thí mà để phô trương, thì các con đã lãnh hết phần thưởng và mất công phúc rồi. Khi nói về thái độ tỉnh thức, Chúa nói: ông Chủ về bất ngờ, cửa sẽ đóng lại, những kẻ ham mê sự đời và không tỉnh thức sẽ kêu gào trong tuyệt vọng. Chúa dạy người con cái Chúa phải biết luôn hướng đôi mắt về quê trời, vì trời đất sẽ qua đi - chúng ta chỉ mang theo được một thứ duy nhất, đó là những gì chúng ta đã cho đi. Đoạn kết của bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng: hãy làm phúc cho người nghèo thì Cha trên trời sẽ thưởng công, Chúa sẽ rộng rãi với ta không chỉ ở đời sau mà ngay ở đời này. Một nhà tu đức nêu lên những điều kiện quan trọng khi cầu xin, để được Chúa nhận lời thì phải có: đức tin, sự tha thứ, kiên trì, quảng đại, tự thoát...
Bản tính con người là yếu đuối, Chúa biết điều đó và con người cũng nhận ra sự bất toàn và những cơn cám dỗ liên miên của mình: đam mê của con mắt, đam mê của xác thịt và lòng kiêu hãnh về của cải. Điều quan trọng là cậy dựa vào ơn Chúa để bắt đầu lại và mỗi ngày tiến bước về phía trước. Có một tu sĩ tham dự rất nhiều cuộc tĩnh tâm, lãnh hội được khoảng 100 tư tưởng tốt lành để nên thánh, ông ta cầu xin Chúa ban cho mình sức mạnh để thực hiện ít là một điều tốt lành đó vào cuộc sống. Mỗi người chúng ta cũng vậy, biết bao sách tu đức, sách Kinh Thánh, sách GLHTCG, biết bao sứ điệp của các vị Giáo hoàng … đầy dẫy trong tâm trí và trong máy, trong tủ sách. Và nếu nhắm mắt lại, chúng ta cũng biết con đường nên thánh là yêu mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình và như Chúa yêu tôi. Ấy thế, ở khía cạnh khác của cuộc sống, từng giây phút ta cứ bị cám dỗ phình to cái tôi của mình, mong được người đời kính trọng, ham danh lợi thú. Tất cả cuộc đời ta tùy thuộc vào ơn Chúa, vào việc bám chặt và kết hợp với Chúa. Chính tình yêu Chúa và ơn Chúa giúp ta sống tốt từng ngày: Xin Chúa giúp con, kẻo nguy mất.
Tôi còn nhớ có vị linh mục đã hôn chân 12 tông đồ trong nghi thức rửa chân, tôi nhớ Đức Phanxico cũng thường hôn chân các phạm nhân trong nhà tù, tôi nghĩ đến biết bao người bị những oan ức và khổ tâm vào lúc cuối đời, tôi nghĩ đến những người già – tủi thân vì con cái lãng quên, chịu mang thương tật để phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của con cái- sự bất lực đó cũng là một sự tủi nhục… Tất cả là cơ hội để con người học được sự tự hạ, để rồi ông chủ sẽ đưa họ lên cao trong bữa tiệc nước trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét