Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Tha thứ cho anh em (Mt 18,21-34)

 



Thật không ngờ câu chuyện được chúa Giê su kể hôm  nay là một trong những dụ ngôn về nước trời, nói về sự rộng lượng bao la của Thiên Chúa và sự hẹp hòi của lòng dạ con người. Dụ ngôn rất dễ hiểu và giáo huấn rất rõ ràng: Cha trên trời cũng đối xử hà khắc với từng người chúng ta nếu mỗi người chúng ta không hết lòng tha thứ cho anh em mình. Và vì là dụ ngôn nên có những tình tiết câu chuyện mang tính hư cấu.

Có người quy đổi 10.000 nén vàng/ 100 quan tiền thành 160.000 năm/ 3 tháng (giá công nhật ngày ấy là 1 quan/ ngày). Món nợ khổng lồ, nếu chủ không tha thì dù có bán hết tài sản vợ con cũng không thể trả đủ, sự tha thứ vô bờ bến ấy tượng trưng cho tình thương Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày lìa thế ; câu nói vĩ đại nhất và đẹp nhất của Chúa Giê su : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Câu nói này đã được biết bao vị thánh tử đạo thốt lên trước khi lìa đời. Ước gì chúng ta cũng học để biết lặp lại nhiều lần trong cuộc sống. Các nhà tu đức dạy rằng: mỗi lần bị xao động vì oan ức, hãy ngắm nhìn Chúa Giê su tử giá, bạn sẽ thêm sức mạnh và nhận ra rằng những sỉ nhục ta đang chịu thật nhỏ nhoi và không đáng kể.

Sự tha thứ rất khó. Nhìn vào lòng mình, ta nhận ra rằng : nếu ai đó đối xử bất công và xúc phạm ta, ta sẽ giận chán rồi mới tha thứ dần dần, lâu lâu còn kể lại chuyện bất công như một cách đề cao bản thân. Chúng ta cũng dễ nhận ra rằng: biết bao gia đình tan vỡ, vợ chồng ly dị, chỉ vì không thể tha thứ những phản bội – nhất là tội không chung thủy. Tôi thật sự thán phục những người vợ hoặc chồng, dù biết rõ người phối ngẫu của mình phản bội, nhưng với ơn Chúa – họ vẫn đón nhận người kia về lại gia đình, như không có gì xảy ra. Đó là sự vĩ đại của tâm hồn, họ biết rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho mình quá nhiều tội và quá nhiều lần ngoại tình.

Khi bị phản bội và xúc phạm, phản ứng đầu tiên và thường xảy ra là chúng ta giận dữ, không chấp nhận được sự thật. Sự giận dữ đó là bình thường, ngay cả đối với Thiên Chúa thì các nhà tu đức cũng khuyên chúng ta nên để nó được bộc lộ ra như một phương dược chữa lành tâm hồn – thay vì kìm nén lại. Nhưng, những tiến trình kế tiếp mới là quan trọng: cách biểu lộ giận dữ, thời gian hồi phục cảm xúc chuyển từ giận dữ sang bằng lòng và cuối cùng là chấp nhận. Sự giận dữ là của ma quỷ còn sự tha thứ là việc của ơn thánh. Càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa, là Đấng luôn tha thứ cho con người – không mỏi mệt. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù mình. Sự chấp nhận ở đây là một nhân đức: đón nhận ý Chúa, tha thứ như Chúa dạy



Để tha thứ, cần có ơn thánh và lòng tri ân. Mỗi ngày chúng ta đọc kinh cầu nguyện xin muôn ơn lành, vì ý thức rằng ‘không có Thầy, các con không thể làm gì được’, nhưng để có sự tha thứ thì chúng ta phải liên lỷ cầu xin, cầu xin mỗi ngày. Có lời kinh rất đẹp lòng Chúa: “xin cho con biết yêu người khác như Chúa đã yêu con ; xin cho con biết tha thứ cho anh em như Chúa đã tha thứ cho con ; xin con con biết tha thứ hằng ngày”. Để dễ dàng tha thứ cho người khác, chúng ta hãy dựa vào lòng tri ân : nhớ tới những điều tốt đẹp người đó đã dành cho mình. Nếu ta dễ lãng quên muôn ơn lành Chúa ban, quên sự hy sinh nuôi dưỡng của cha mẹ, quên những nghĩa cử hào phóng của bạn bè, quên sự liều thân của những tiền nhân … thì lòng chúng ta sẽ kém hào phóng để rộng lượng với tha nhân và khép lại nơi chính mình, giận dỗi đủ điều – đủ lẽ.

Mỗi ngày chúng ta đều đọc kinh Lạy Cha, và dường như chúng ta đọc bản án cho chính mình, nếu ta không biết tha thứ cho anh em: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con”. Điều này có nghĩa rằng: chúng ta đối xử với anh em thế nào, thì Chúa cũng đối xử với ta như vậy. Ước gì chúng ta biết đối xử rộng lượng và sẵn sàng tha thứ cho anh em, để Thiên Chúa cũng xót thương ta như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét