[Một thi sĩ Pháp đã tả lại cuộc từ bỏ để đi theo
Chúa qua một bài thơ dí dỏm mang tựa đề: “Chiếc bị” (La besace). Thi sĩ
coi Chúa như một người bạn và tâm sự rằng.
“Hôm ấy, tôi đang mê mải bóp trán nặn vần thơ
thì tôi nghe tiếng Bạn mời. Tôi vội vã đi theo.
Tôi bỏ vào trong chiếc bị một sống tiêu bằng
trúc, nhiều áo quần và cả một tập thơ, một album kỷ niệm thân thương, với nhiều
kỷ vật quý giá.
Tôi cùng Bạn lên đường khi mặt trời vừa hé.
Bạn đi trước, tay không nhẹ nhõm,
Tôi theo sau với chiếc bị nặng trĩu trên vai.
Chân kéo lê trên một quãng đường dài.
Một ngày đã trôi qua trên cánh đồng gió thoảng.
Mỏi vai, tôi xin dừng lại giữa đường.
Mở bị ra tôi quăng bớt áo quần, rồi cùng Bạn
tôi rảo bước.
Vẫn tay không, Bạn nhẹ nhàng đi trước,
Tôi đi sau mồ hôi đẫm áo ngoài.
Sắp lên cầu để vượt khỏi dòng sông,
Tôi quăng đi tập thơ và sáo trúc, rồi cùng Bạn
đi tiếp tục.
Đường lên cao dốc giác và uốn khúc quanh co.
Ôi cánh tay mỏi rã rời, tôi nài xin Bạn cho
tôi dừng nghỉ một chút để tìm lại tấm hình mẹ tôi, người tôi yêu dấu nhất đời,
chụp vào ngày hôn lễ với cha tôi.
Nhưng tấm hình không còn nữa, nó đã bay mất.
Tôi bỗng buông xuôi, mắt tôi tối tăm lại giữa
mặt trời đúng ngọ.
Rồi đêm về khi trăng vừa mới ló trên những
giọt sương rơi,
Tôi quăng luôn cả chiếc bị trên đường.
Nắm tay Bạn nhanh chân tôi đi tiếp.
Nhưng bỗng nhiên Bạn bảo tôi ngừng bước.
Dưới vòm trời trong suốt ánh trăng,
Bạn cười tươi nhè nhẹ vỗ vai tôi và nói: Hãy
dừng chân vì chúng ta đã đến nơi rồi.”
Anh chị em thân mến,
Muốn theo Chúa Giêsu đến cùng, phải ra đi tay
không, phải bỏ lại đằng sau cả hành trang, kỷ vật và người thân. Khi đã
mất hết, chỉ còn lại một mình Ngài, cuộc hành trình sẽ kết thúc êm đẹp]. (Trích
lang thang chiều tím).
Đã sinh ra trên đời, tự nhiên con
người mang ơn nhiều người vì được thừa hưởng những đóng góp của biết bao người
về vật chất cũng như tinh thần để cuộc sống mình được thoải mái. Do đó, phải có
sự liên đới và biết ơn, vì không ai là một hòn đảo.
Tuy sống kiếp lữ hành, con người
thường bám víu về nhiều thứ. Muốn biết mình dính bén với điều gì, thì chỉ cần
xét lại xem trong một ngày sống mình thường nghĩ và nói về chuyện gì nhiều
nhất, đêm thì mơ gì, và thường sợ gì. Sự thường ta hay nói về cái tôi: niềm
hãnh diện, những xung đột, những kế hoạch, những phê bình ai đó, chuyện tục tĩu,
khoe khoang về một điều gì đó. Tin Mừng đòi buộc chúng ta phải xây dựng xã hội
trần thế, phải sửa lỗi anh em, nhưng phải làm trong tinh thần khiêm tốn và bác
ái. Phải tránh sự cứng cỏi quá mức cần thiết và phạm tội nói xấu nhau.
Qua bài thơ trên, cuộc hành trình
chỉ đến đích khi ta từ bỏ hết tất cả, có những vật ta tự vất đi và có những vật
đã tự rơi mất trong cuộc hành trình. Ngoài những điều ta chủ động từ bỏ để sống
theo Tin Mừng, Thiên Chúa vẫn cho phép những sự không may xảy đến mỗi ngày để giúp
ta từ bỏ dần những thứ không cần thiết và khi giờ chết đến, ta tiến đến trình
diện Chúa với hai bàn tay buông bỏ tất cả: sức khỏe, danh vọng, của cải, người thân, niềm
tự hào, những đóng góp...
Trong một tuần sống, ta cầu
nguyện cho nhiều người thân và quen biết vừa từ biệt cõi trần, bỗng dưng ta
phải nghĩ lại đời mình: buông bỏ bớt đi mỗi ngày để nhẹ nhàng theo Chúa Giêsu.
Hãy biết rằng ‘con người sinh ra là để chết’, nhưng là cái chết dẫn vào sự sống
(Dead-living), vì Đức Kitô đã chết và sống lại là để cho loài người được thông
phần sự sống vĩnh cửu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét