Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu




Chúng ta thử tưởng tượng tâm trạng của các môn đệ vào lúc sáng sớm ngày Chúa Phục sinh. Sau khi chứng kiến cuộc bố ráp bắt bớ, kết án và nhất là cái chết của Thầy Giêsu, họ lo cho sự an toàn bản thân nhiều hơn cả, hơn cả lo cho mạng Thầy. Họ như đoàn chiên phiêu dạt mỗi người một ngả, lẩn trốn và chỉ gặp nhau một cách kín đáo để dò la tin tức. Chưa kịp hoàn hồn, sáng sớm tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần lại nghe tin ‘xác Thầy bị mất’. Nỗi lo nhiều hơn nỗi mừng, vì biết đâu người ta thủ tiêu xác Thầy và lại vu oan giáng họa cho các môn đệ, và rồi lại giết chóc và tàn sát.

Ông Phêrô và ông Gioan chạy ngay đến mộ cũng là một hành động liều lĩnh, vì có thể đây là cái bẫy các biệt phái và luật sĩ giăng ra để tóm gọn mẻ cá. Hai ông cùng vào mộ, nhìn thấy những vải liệm xác và giây băng được xếp gọn gàng. Họ ra về mà lòng vẫn nặng trĩu u buồn vì các ông chưa hiểu lời Kinh Thánh.

Tảng đá niêm phong ngôi mộ. Mộ người Do Thái được đục vào trong đá và có cửa đóng lại, nhưng ngôi mộ của Chúa Giêsu còn được niêm lại và cắt cử một đội quân canh giữ. Tảng đá đó niêm phong như chấm dứt mọi hy vọng. Ngày thứ sáu tử nạn, tình yêu thương và công lý dường như đã thất bại trước sự mưu mô và độc ác của con người. Ngày Chúa Phục sinh, cửa mồ đã mở toang như mở ra một chân trời mới: tình yêu chiến thắng hận thù, hiệu kỳ chiến thắng của Chúa dẫn đưa đoàn dân tiến vào vùng đất hứa. Biến cố Chúa phục sinh có một tầm mức quan trọng đặc biệt như vậy, nhưng cả 4 sách Tin Mừng và sách CVTĐ dường như chỉ thuật lại một cách vừa đủ để chúng ta tin. Mỗi lần Chúa hiện ra thì đều có một dàn bài chung: các chứng nhân không nhận ra Chúa ngay mà lầm tưởng với một ai đó hoặc một bóng ma, Chúa nói với họ ‘Thầy đây mà!’ và Chúa làm một cử chỉ quen thuộc nào đó, họ vui mừng vì nhận ra Chúa, Chúa ban cho họ sự bình an và Chúa thường trách họ kém lòng tin, và cuối cùng là Chúa biến mất một cách bất ngờ không có lời chào từ biệt. 

Mỗi lần Chúa hiện đến với các môn đệ, Chúa truyền dạy phải loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Chúa Phục sinh có sức đem lại ơn cứu độ cho muôn người. trong sách CVTĐ có kể lại chuyện các vị thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và các kinh sư truyền cho hai ông Phêrô và Gioan không được tiếp tục rao truyền danh Đức Giêsu trong dân nữa, nhưng hai vị trả lời rằng ‘chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa, chúng tôi không thể không nói ra điều mắt đã từng thấy và tai đã từng nghe’. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên đôi bàn tay cho Chúa Phục sinh hành động trong thế giới nầy, nhưng với điều kiện ‘tâm’ chúng ta phải có Ngài hiện diện. Nhiều người mang bộ mặt của bà Maria Magdala khi đến mồ: quá thất vọng vì định chế chính trị và hoàn cảnh xã hội hiện tại, vì bệnh tật, vì tình người đen tối, vì chiến tranh loạn lạc. 

Sống trong thời đại thông tin, tin tức ta nghe mỗi ngày giống như tảng đã niêm phong cuộc sống ta trong sự bi quan về cuộc sống. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn luôn hiện diện và hành động trong thế giới nầy. Ngài hẹn gặp ta ở Galilêa (cách Giêrusalem khoảng 150 cây số), nghĩa là trên khắp nẻo đường dương thế: Ngài hiện diện nơi mỗi người anh em ta gặp mỗi ngày, hãy cư xử tử tế với họ, hãy yêu thương hơn là hận thù, hãy giúp đỡ họ hơn là bỏ mặc, hãy trao cho nhau nụ cười và sự bình an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét