(Giờ chầu Thánh Thể đã dọn sẵn, xin đưa lên đây cho ai có nhu cầu sử dụng).
1. Dẫn nhập( Quỳ)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thứ năm tuần thánh được
gọi là hôm trước ngày chịu nạn. Theo sự diễn tả của các sách Tin Mừng, thì buổi
chiều hôm ấy năm xưa, Chúa đã lập bí Tích Thánh Thể làm của ăn của uống cho
nhân loại, và với lệnh truyền phải tiếp tục cử hành bí tích nầy thì Chúa đã lập
nên chức linh mục. Trong bữa ăn tiệc ly, Chúa đã có bài học rửa chân cho các
môn đệ và ban truyền giới luật yêu thương. Sau đó, Chúa và các môn đệ đi ra núi
cây dầu, ở đó Chúa đã cầu nguyện và bị bắt: cuộc thương khó bắt đầu.
Lạy Chúa, đêm hôm ấy, các môn đệ đã thiếp ngủ vì mỏi
mệt, dù Thầy Giêsu lo buồn sầu não đến chảy mồ hôi cùng máu ra. Và đêm nay
chúng con quyết cùng thức với Chúa một giờ để cầu nguyện và chiêm ngắm tình yêu
bao la Chúa dành cho nhân loại và cho từng người chúng con. Xin Thánh Thần Chúa
giúp chúng con được kết hiệp với Chúa, hiểu được những điều Chúa muốn nói, cho
tâm hồn con trở nên dễ dạy và từ nay yêu Chúa hết tâm hồn.
2. Hát 1(Quỳ) Mình Máu Thánh (66)
3.Lời Chúa. (Đứng) 1Cor 11,23-26
Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin
truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình
Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến
Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén
Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy
vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần
ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Đó là Lời
Chúa. Tạ ơn Chúa.
4. Suy niệm 1. (Ngồi) Chúa lập bí tích Thánh Thể.
Đoạn văn trên là bản văn cổ xưa nhất nói về việc
Chúa lập bí tích Thánh Thể. Chúng ta đã biết về cuộc đổi đời của Thánh Phaolô:
khi ông Phaolô đang trên đường đi Damas để bách hại các Kitô hữu thì Chúa đã
hiện ra với ông và cải hóa ông thành tông đồ. Sau khi chịu phép rửa, ông vào sa
mạc và ở lại đó một thời gian và ông được Chúa trực tiếp mạc khải toàn bộ kho
tàng đức tin, kể cả việc lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Sau thời gian
đó, ông liền đi rao giảng Tin Mừng một cách xác tín rằng: Chúa Giêsu Nagiaret,
đã chết và sống lại, là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri đã nói từ ngàn xưa. Mãi 3
năm sau, ông Phaolô mới có dịp lên Giêrusalem gặp các tông đồ/ để đối chiếu nội
dung đức tin với các ông.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần dâng Thánh Lễ, linh mục vẫn
tuyên xưng : “Này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Này là Máu Thầy, máu đổ ra
để lập giao ước mới”. Đây là những lời quan trọng nhất của một Thánh lễ, được
gọi là lời truyền phép, vì sau giây phút đó, Bánh và rượu được biến đổi bản
thể, trở nên Thịt và Máu Chúa. Sau lời truyền phép, linh mục mời gọi: “Đây là mầu nhiệm đức tin” và cộng đoàn thưa:
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa
sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Chỉ qua một vài câu tuyên xưng vắn gọn thế
thôi, nhưng ẩn chứa toàn bộ giáo lý về bí tích Thánh Thể, là một sáng kiến diệu
kỳ Chúa để lại cho nhân loại. Qua bí tích nầy, Chúa ở lại với chúng con mọi
ngày cho đến tận thế, Máu Thịt Chúa không những trở thành của ăn nuôi hồn mà còn
là liều thuốc trường sinh, thuốc giải độc để khỏi phải chết.
Lạy Chúa Giêsu,
bí tích Thánh Thể được gọi là mầu nhiệm đức tin. Bởi vì, con mắt xác
thịt chẳng thể nào nhìn thấy được gì, nhưng con mắt đức tin cho con biết rằng:
việc thiết lập bí tích Thánh thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích
những biến cố sẽ được thực hiện sau đó ít lâu, từ khi Chúa hấp hối trong vườn
cây dầu cho đến chiều thứ sáu tử nạn và giây phút phục sinh. Và mỗi lần Thánh
lễ được cử hành là cộng đoàn được tham dự trực tiếp vào cuộc hiến tế của Chúa
mình, được diễn ra một cách bí tích và không đổ máu.
Lạy Chúa Giêsu, con tri ân Chúa, vì Chúa đã nộp mình
chịu chết vì yêu nhân loại chúng con. Chúa đã yêu chúng con đến cùng, có nghĩa
là đến tột cùng của tình yêu, chẳng giữ lại gì cho mình. Qua việc lập bí tích
Thánh Thể, Chúa cho chúng con tham dự vào hy tế cứu độ, hy tế nầy bảo đảm sự
hiện diện thực sự của Chúa, trao ban ơn Thánh trực tiếp, là cơ hội chúng con
được hiệp dâng của lễ chính mình, đảm bảo sự hiệp nhất trong một thân mình, là mầm
sống trường sinh, và chính Thánh Thần Chúa hiện diện trong Thánh Thể sẽ ban cho
chúng con sức mạnh cần thiết để chiến thắng sự dữ.
5. Hát. 2(Quỳ)Tình yêu Chúa (69 hát câu 2,3,4)
6. Đọc kinh cầu cho các linh mục, kinh giáo xứ.
7. Suy niệm 2. (Ngồi) Chúa chịu thương khó.
Linh mục Henri Nouwen, ngòi bút thiêng liêng nổi
tiếng có chia sẻ về một lần cha đến bệnh viện thăm một người đang hấp hối vì
bệnh ung thư. Người này còn khá trẻ và là một người rất năng động, làm
nhiều việc sinh hoa kết trái. Ông là người cha chăm lo tốt cho gia đình
mình. Ông là giám đốc điều hành một công ty lớn chăm lo tốt cho cả công ty
lẫn các nhân viên của mình. Hơn nữa, ông còn đóng góp trong nhiều tổ chức
khác, kể cả giáo xứ, và với năng lực lãnh đạo, ông thường là người phụ trách,
người đứng đầu. Nhưng bây giờ, con người một thời rất năng động, con
người đã từng điều hành mọi sự, lại đang nằm trên giường bệnh chờ chết, không
thể tự lo cho các nhu cầu căn bản tự nhiên của mình.
Về phần mình, cha Nouwen cố gắng giúp cho ông thấy
mối liên kết giữa những gì ông đang trải qua với những gì Chúa Giêsu chịu trong
cuộc thương khó, đặc biệt là ý nghĩa của thời gian bất lực, yếu đuối, và bị
động này.
Thương khó (Passion) có gốc La Tinh là passio, nghĩa
là bị động, và đây chính là ý nghĩa thực sự. Từ bệnh nhân (patient) cũng
từ gốc này mà ra. Do đó, trình thuật Thương khó mô tả lại sự bị động của
Chúa Giêsu, mô tả việc Ngài trở nên một “bệnh nhân.” Ngài trao ban cái
chết của mình cho chúng ta qua sự bị động của Ngài, cũng như trước kia Ngài
trao ban đời sống cho chúng ta qua sự chủ động của Ngài.
Một nhà tu đức đã dạy rằng: Bạn đừng tự hỏi rằng
Chúa Giêsu đã làm gì để yêu ta, nhưng hãy biết rằng Chúa rất yêu ta khi chịu
khó.
Lạy Chúa Giêsu, đã bao mùa thương khó qua đi trong
cuộc đời, nên con cũng hiểu được rằng: Chúa chẳng phạm tội gì, nhưng đã gánh
lấy tội trần gian và đã vui lòng chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Nhờ cái chết
và phục sinh của Chúa, mỗi người chúng con được phúc trở thành con một Cha trên
trời. Chúng con tôn vinh Chúa là Cứu Chúa và là anh cả của một đoàn anh em đông
đúc, là Đầu của thân mình Giáo hội. Thế nhưng, chúng con cũng biết rằng Chúa là
con rắn đồng được treo lên làm dấu, để ai nhìn lên thì được cứu khỏi chết. Có
nghĩa là : dù ơn cứu chuộc đã đổ xuống tràn trề trên dương gian, nhưng chỉ
những ai tin vào Chúa, biến đổi đời mình theo lời dạy của Chúa, lãnh nhận ơn
thánh từ Chúa thì mới được cứu độ, vì Chúa luôn tôn trọng tự do của con người.
Xin cho mỗi người chúng con biết chạy đến với Chúa, nhất là trong việc cử hành
Thánh Thể, để lãnh nhận muôn ơn lành cần thiết cho cuộc hành trình tiến về quê
trời. Và xin cho chúng con biết chết đi
với tính xác thịt qua từng ngày sống để sẽ được phục sinh với Chúa.
8.Hát. 3(Đứng)Con đường Chúa đã đi qua (62)
9. Suy niệm 3. (Ngồi) “Các con hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương các con”.
Đây được gọi là giới răn mới của Chúa. Thuở sơ khai
của Giáo Hội, người ngoại nhìn lối sống của cộng đoàn Giêrusalem và thốt lên:
“Kìa xem họ yêu thương nhau biết dường nào!” Lối sống của cộng đoàn sơ khai đã
trở nên mẫu mực cho các cộng đoàn Kitô hữu của mọi thời: chuyên cần nghe các
tông đồ giảng, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, đồng tâm nhất trí, chia sẻ cơm
bánh để không ai bị thiếu thốn”. Ở Việt Nam, thuở sơ khai của đạo Công Giáo,
người ngoại gọi đạo chúng ta là đạo ‘yêu nhau’. Thế nhưng một Giám Mục phân
tích rằng: sở dĩ công cuộc truyền giáo của chúng ta bị khựng lại, chỉ dừng lại
ở con số khiêm tốn 6,5% là vì chúng ta không lưu tâm đến người nghèo. Chúng ta
thường đổ lỗi cho xã hội gây khó dễ trong việc đào tạo linh mục và xây dựng các
công trình sinh hoạt tôn giáo, không cho các tổ chức tôn giáo tham gia giáo dục
và y tế, cản trở làm từ thiện… Điều đó chỉ đúng một phần, nhưng ngày nay những
chuyện đó đã dễ dàng hơn xưa, vậy mà chúng ta có truyền đạo được không? Có
người lại phản bác: đừng dùng những con số thống kê để nói về mầu nhiệm Giáo
hội, vì Chúa có cách. Điều nầy cũng có phần đúng, nhưng phải nhìn một thực tế
rằng: nhiều người công giáo có đạo mà không hành đạo; nặng phần xây dựng và lễ
lạc mà ít dấn thân, vì ngại mất giờ và tốn kém; nhiều gia đình Kitô hữu
không sống hòa thuận, người có đạo không sống công bình - bác ái, không sống
cho tử tế và thật thà. Chúa đòi chúng ta phải cộng tác thì nước Chúa mới hiển
trị được, và chính những Kitô hữu không hành đạo đã tạo nên vật cản cho người khác tìm được chân lý.
Lạy Chúa Giêsu, cái mới của đạo Chúa là yêu nhau như
Chúa đã làm gương: yêu cho đến tận cùng, yêu cho đến hiến mạng vì bạn hữu, yêu
là cúi xuống mà rửa chân cho bề dưới, yêu là tha thứ cho kẻ làm hại và giết chết
mình. Chúa đã từng dạy: Phúc cho kẻ sống nghèo, kẻ hiền lành, kẻ sống trong
sạch, kẻ biết xót thương, kẻ tác tạo hòa bình, kẻ bị bách hại vì lẽ công chính,
kẻ khao khát nên công chính.
Chúa cũng dạy rằng phải tha thứ cho kẻ làm hại mình,
làm hòa với kẻ ghét mình, cho vay mà không mong được trả lại, làm tiệc thì mời
những kẻ đui què để họ không đáp trả được.
Và Chúa cũng dạy rằng khi đến trình diện Chúa, chúng
con sẽ bị xét xử về tình yêu, về những gì đã làm cho người khác, chúng con ‘là
gì’ với anh em chứ không phải ‘có gì’ và ‘làm được công trạng gì’.
Lạy Chúa, những giáo huấn của Chúa thật rõ ràng, ai
trong chúng con đều hiểu và thuộc lòng hết, nhưng thật khó để thực hành, vì
chúng con quá bám víu và coi trọng vật chất cũng như những giá trị mà người đời
coi trọng. Điều đó chắc chắn đã làm buồn lòng Chúa và là những vết đinh đóng
vào xác thịt Chúa.
Xin ơn Thánh Chúa biến đổi lòng con để trở nên giống
Chúa hơn mỗi ngày, nhất là trong đức hiền lành, khiêm nhường, tha thứ và hiến
thân như Chúa đã làm gương.
10. Hát: (Đứng) Người ta cứ dấu nầy.
11. Lời nguyện giáo dân
- Chúa đã lập
bí tích Thánh Thể để ở lại một cách cụ thể với nhân loại, thánh hóa họ
dần dần từ trong tâm hồn, và là liều thuốc giải độc để họ khỏi chết muôn đời.
Xin cho các Kitô hữu biết tôn kính Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể, biết
dọn mình cho xứng đáng lãnh nhận Chúa vào lòng và biết chạy đến với Chúa để
được bổ sức cho tâm hồn.
- Qua lệnh truyền phải tiếp tục cử hành bí tích
Thánh Thể cho tới khi Chúa đến lần thứ hai, Chúa đã lập bí tích truyền chức
thánh, là các linh mục. Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều vị mục tử nhân lành như
Chúa muốn, xin cho chúng con biết yêu thương và cộng tác với các linh mục trong
những chương trình mục vụ để xây dựng giáo xứ.
-Vì tội lỗi loài người quá nặng nề, Con Thiên Chúa
đã mang tội nhân loại vào thân thể mà đưa lên thập giá. Xin cho từng người
chúng con biết từ bỏ nếp sống cũ nghiêng chiều về những đam mê xác thịt, mà mặc
lấy con người mới được tái sinh trong Chúa Kitô.
-Bài ca đức mến của Thánh Phaolô nói với ta rằng:
đức mến là điều quan trọng nhất ta phải theo đuổi trên trần gian và chỉ có đức
mến có giá trị khi ta đến trình diện Chúa. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta
biết sống công bình bác ái với anh chị em mình, biết tôn trọng môi trường sống
của nhau và giúp nhau thực thi lối sống hợp với Tin Mừng.
Lạy Cha chúng con ở trên trời.
12. (Ngồi)Lần hạt năm sự thương.
Hát 4: con dâng linh hồn trong tay Chúa. Kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét