Tôi vừa trải qua một thời gian
ngắn đi nuôi bệnh nhân, có dịp chứng kiến tấm gương kiên nhẫn của một gia đình
ngoại giáo. Xin ghi lại như một chứng từ gương sáng về cuộc sống gia đình.
Ngay giây phút đầu tiên chung
sống cùng phòng lưu cấp cứu, mọi sự đều ngỡ ngàng và mọi người đều xa lạ, mọi
ánh mắt nhìn nhau như dò hỏi. Tôi nhìn thấy người chồng bị bệnh, người vợ cùng
với người con trai đều có khuôn mặt nhỏ thó, rất khó gần. Thế nhưng, càng ngày
càng nhận ra nhiều điều tốt nơi họ, cảm giác khó ưa dần biến thành sự cảm phục
khi biết hoàn cảnh bệnh tật của người chồng và nỗi vất vả của hai mẹ con đã
trải qua.
Sở dĩ cả phòng cấp cứu phải để ý
đến gia đình nầy là vì người chồng cứ rên rỉ kêu la vì đau đớn nhiều đêm liền
khiến ai nấy phải chịu đựng và khó ngủ về đêm. Hỏi ra mới biết, dù mới ngoài
tuổi 50 nhưng người chồng này đã trải qua hơn 10 lần nằm viện vì tai biến, mỗi
lần nằm viện đến vài tuần, cả ở Bmt và Saigon, ấy thế mà 2 người con trai và vợ
cứ kiên nhẫn chịu khó chăm sóc rất tận tình, vì thế khuôn mặt họ mang dáng vẻ
gầy guộc so với vóc dáng cao lớn của họ.
Sự cảm phục đầu tiên là sự chung
thủy của người vợ và sự kiên nhẫn của những người con. Nhìn sự nhẫn nại của họ
tôi liên tưởng đến sự chung thủy của những người vợ hiền được mô tả trong Kinh
Thánh, do sự ràng buộc của bí tích hôn phối: sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài
người không được phân ly. Nhưng khi biết họ là người ngoại đạo, thì ra đây là
tình nghĩa vợ chồng và sự hiếu thảo của con cái. Tôi chợt nghĩ đến biết bao
nhiêu gia đình khác, nhất là gia đình trẻ và có cả người Công giáo, thường tan
vỡ khi người phối ngẫu không ‘đủ điều kiện cần có’ thì họ ‘bỏ của chạy lấy
người’ và họ tự trấn an rằng đây là cách thoát hiểm an toàn, là lẽ đương nhiên
của người khôn ngoan.
Sự cảm phục thứ hai: đây là những
người sẵn lòng giúp đỡ người khác. Dù phải vất vả đêm ngày để xoa bóp và thoa
dịu những cơn đau, hai mẹ con này rất mau mắn chỉ vẽ và ra tay giúp đỡ người
khác. Tuy chỉ là những chuyện nhỏ nhặt thôi, nhưng đây cũng là một dấu lặng làm
nhiều người phải suy nghĩ, vì trong cuộc sống đời thường người ta thường không
quan tâm giúp đỡ nhau nhiều, mạnh ai nấy sống và ‘ai chết mặc ai, miễn là ông
có lợi’. Sự giúp đỡ của hai mẹ con chẳng mang tính cầu lợi mà chỉ là là do tình
người: thương người như thể thương thân.
Sự thương cảm của những người
trong cơn hoạn nạn dẫn đến sự chia sẻ và cảm thông. Chính trong cơn hoạn nạn và
‘không lo lắng về nhiều chuyện’ con người dễ gần gũi nhau, còn khi giàu có chẳng ai cần đến ai
nhiều. Khi mới nhập phòng bệnh, mọi người đều lạ lẫm, nhưng dần dà ai nấy tìm
hiểu thêm về hoàn cảnh sống của nhau, rồi làm quen nói chuyện và động viên
nhau, đến nỗi cảm thấy bịn rịn khi chia tay vì chuyển phòng hay xuất viện.
Chẳng hay ho gì khi phải đến bệnh
viện. Nhưng nếu phải sống ở đó và nhất là khi phải nằm viện thì đó cũng là một
dấu lặng giữa đời thường, khiến mình điều chỉnh cuộc sống theo chiều hướng tích
cực hơn: có những người tuy chỉ sống theo lương tâm và theo luật tự nhiên được
Chúa khắc ghi trong tâm hồn họ, nhưng lại là tấm gương phản chiếu khuôn mặt
Chúa cho nhiều người; hãy tập quan tâm đến những người thân, bạn bè, anh em
đồng đạo và mọi người trong khả năng Chúa ban cho mình, vì đây là cách làm giàu
trước mặt Thiên Chúa vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét