Trong thư Ep (5,21-24), Thánh
Phaolô nói đến sự tùng phục lẫn nhau. Sự tùng phục nầy phát xuất từ sự tùng
phục thánh ý Chúa. Thiên Chúa đã khôn ngoan xếp đặt tha nhân quanh ta cùng
chung sống với nhau, đó là một mầu nhiệm của cuộc sống. Đôi khi ta chán ghét và
than trách vì phải chịu đựng người này người nọ, vì chúng ta chỉ hiểu một khía
cạnh của vấn đề, mà không nhìn đến nguồn gốc của vấn đề là Thánh ý Chúa muốn
như vậy.
Người tu sĩ có 3 lời khấn: khiết
tịnh, vâng phục và khó nghèo, nhưng người linh mục chỉ có hai lời khấn là khiết
tịnh và vâng phục thôi. Có thể nói rằng người giáo dân sống đời hôn nhân cũng
có những lời khấn: khiết tịnh trong hôn nhân và vâng phục lẫn nhau. Người vợ
tùng phục chồng thì đã rõ, vì đã có lời Thánh Phaolô nói tới: “vợ hãy phục tùng
chồng, vì chồng là đầu của vợ, cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh”. Còn
người chồng thì sao? Thánh Phaolô dạy: người làm chồng hãy yêu thương vợ như
Đức Kitô yêu Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Đã hẳn khi yêu vợ thì phải bỏ
ý riêng mình, không tìm thỏa mãn sở thích riêng, nhưng phải nghĩ đến cách làm
hài lòng vợ, hy sinh vì vợ… như vậy không phải tùng phục nhau là gì?
Nhiều nhà tu đức đã khám phá ra
con đường chắn chắn nhất để có sự bình an tâm hồn và để nên thánh đó là tìm
kiếm thánh ý Chúa. Nếu một người thường xuyên tìm kiếm ý Chúa như sự thiện duy
nhất trong hành trình nên thánh, họ sẽ nhận ra những sự tùng phục khác trong
cuộc sống: bề trên trong cộng đoàn tu trì, cha mẹ và anh chị trong dòng tộc,
người phối ngẫu trong hôn nhân, con cái trong gia đình (điều răn thứ tư còn đòi
buộc cha mẹ vâng lời con cái trong những điều đem lại thiện ích, vì tiếng nói
của con cái phản ảnh ý muốn của Chúa), tha nhân quanh ta cũng buộc ta phải vâng
lời khi điều đó mang lại thiện ích cho sự chung sống, và khi ta đón nhận những
hoàn cảnh cụ thể xảy đến trong cuộc đời cũng là cách tùng phục ý Chúa.
Một người thường xuyên tùng phục
ý Chúa và tùng phục nhau sẽ dễ dàng dâng lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, vì họ
nhận ra tất cả là hồng ân và là quà tặng Thiên Chúa tặng ban cho mình. Trái
lại, một người chỉ biết làm theo ý riêng sẽ thường xuyên bất mãn về cuộc sống,
vì họ không biết bằng lòng với cuộc sống. Những kẻ vô ơn thường trở nên gánh
nặng cho những người chung sống, vì họ xem mình là nhân vật quan trọng (vip),
không phải biết ơn ai và vâng lời ai.
Thánh Augustinô có một lời cầu
nguyện rất tuyệt vời: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con…”. Biết Thiên
Chúa là Đấng Tạo dựng nên muôn loài và là Cha nhân lành, biết con là thân mọn
hèn. Lời cầu nguyện nầy cần phải được ta lặp lại mỗi ngày, vì càng biết Chúa
tốt lành và phận mọn hèn của mình, con người càng hạ mình xuống để tạ ơn Chúa
và tùng phục lẫn nhau, biết ơn nhau và đón nhận nhau như những món quà chứ
không phải là của nợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét