Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Đứa trẻ hư


Một đứa trẻ hư thường được hiểu là đứa trẻ hay đòi quà bánh, mê chơi games và không biết nghe lời cha mẹ. Nguyên do là đứa trẻ đó ít được người lớn dạy bảo từ nhỏ và thường được nuông chiều quá đáng. Một đứa trẻ hư cần được người lớn thông cảm vì sự hiểu biết cuộc sống còn nhiều hạn chế và nếu được hướng dẫn đúng cách thì nó sẽ có sự tiến bộ trong tương lai.

Tôi muốn dùng hình ảnh một đứa trẻ hư để nói về một tình trạng ấu trĩ tâm lý của những người đã bước qua tuổi trưởng thành từ lâu nhưng dường như họ trẻ mãi mà không già dặn về tâm lý. Đặc điểm thứ nhất là họ nói những điều không nên nói. Người khôn ngoan là người nói điều có ích, đúng lúc và đúng chỗ. Ở đây, đứa trẻ hư hễ mở miệng là thường nói những lời không nên nói và gây khó chịu cho người nghe. Đứa trẻ này xem mình như trung tâm vũ trụ, cần phải được quan tâm chăm sóc. Thánh Giacôbê nói: mỗi người trong anh em hãy mau nghe nhưng chậm nói. Chính những lời ta thốt ra nơi cửa miệng bộc lộ những điều thầm kín nơi tâm hồn: vị tha hay vị kỷ. Người ta thường nói tốt về mình và nói những điều không hay của người khác, đây không phải là thật thà mà là quá đơn sơ và thiếu khôn ngoan.

Đặc điểm thứ hai là không biết bằng lòng với cuộc sống. Một đứa trẻ thường cứ vòi vĩnh hết bánh kẹo đến đồ chơi, không bao giờ biết bằng lòng và không biết thông cảm với điều kiện kinh tế của cha mẹ, không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân nó: thêm nữa, thêm nữa.

Đặc điểm thứ ba của một đứa trẻ hư là khép kín và ngại giao tiếp với người khác. Nguyên do sâu xa có lẽ thuộc về lãnh vực tâm lý: không tự tin và không dám mạo hiểm. Có thể đứa trẻ này đã gặp nhiều đau khổ trong một gia đình không bình yên và không có nhiều tình thương của cha mẹ, dẫn đến sự khép kín và dè chừng với mọi người. Người mặc cảm thường có khuôn mặt nghiêm nghị, khó gần và thường nói những lời trách móc và châm chích, làm mếch lòng người khác.

Đặc điểm nữa cũng thường gặp là đứa trẻ này thường phá phách và làm trái những điều được yêu cầu, làm những điều có vẻ rồ dại của đứa trẻ nổi loạn: đua xe, hút chích, rượu… là để gây chú ý của người khác. Khi còn nhỏ, muốn gây sự chú ý, đứa trẻ thường khoe khoang về những thứ nó có và thường khuếch đại lên; nhưng khi qua tuổi lớn, khuynh hướng này thường biến thành hành động làm cho người lớn phải quan tâm và chú ý đến mình, dường như những kẻ có liên quan càng đau khổ thì nó càng sướng và thỏa mãn.


Tuy tôi không phải là nhà tâm lý, chỉ là suy nghĩ của một người đã phần nào từng trải vì tuổi đời, cũng xin đưa ra vài biện pháp. Đừng nguyền rủa đứa trẻ hư này nữa, hãy hiểu tâm lý mặc cảm tự ti của nó và hoàn cảnh đưa nó đến tình trạng này. Hãy nhìn đứa trẻ theo chiều hướng tích cực để giúp nó vượt qua những khó khăn về tâm lý mà chính nó nhiều khi cũng không hiểu được chính mình, vì những vết thương lòng và vì sự hạn chế của tuổi tác. Chỉ có tình thương mới giúp đứa trẻ này lớn lên, còn sự bỏ mặc và giận ghét sẽ làm cho bệnh mặc cảm tự ti của nó tăng thêm mà thôi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét