Nhiều lần trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã dùng lời này để nói với những kẻ được sai đi thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Người được sai đi thường cảm thấy mình quá yếu đuối và nhỏ bé trước một thế lực áp đảo, và Chúa đã trấn an bằng một lời rất mạnh ‘Ta ở cùng ngươi’. Và chỉ cần chừng ấy thôi là đủ, người được sai đi không còn sợ hãi vì tin rằng Chúa là Đấng quyền năng và trung tín - không bỏ rơi con người.
Rất nhiều lần Chúa đã sử dụng câu nói ngắn gọn này như một bảo đảm vững chắc với kẻ Chúa chọn. Chúa phán với ông Moisen: “ Ta sai ngươi đến với vua Pharaô, ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israel ra khỏi Ai Cập”. Ông Moisen trả lời: “Tôi là ai để đi gặp Pharaô và đem con cái Israel ra khỏi Ai Cập?”. Người phán: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,10-13). Chúa phán với ông Gio suê: “Hãy ở mạnh mẽ và can đảm! Vì chính ngươi sẽ đem con cái Israel vào đất Ta đã thề hứa với chúng. Và Ta, Ta sẽ ở với ngươi” (Tl 31,23). Lời TV 118: “Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì! Nào thiên hạ làm chi tôi được?”. Đức Maria được thiên thần chào kính ‘Thiên Chúa ở cùng Bà’. Khi các tông đồ hoảng sợ vì thấy Chúa đi trên mặt nước, Chúa nói: "Thầy đây, đừng sợ". Khi ông Phaolô rao giảng ở Corinto, trong một thị kiến, Chúa nói với ông: ”Đừng sợ, cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở vơi anh”. Trước khi về trời, Chúa Giê su hứa với Giáo hội: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Được Chúa ở cùng, được Chúa đồng hành, được Chúa yêu thương là nền tảng tạo nên sự bình an và niềm vui của người Kitô hữu, niềm vui của Tin Mừng. TV 23: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy Chúa khiến tôi an lòng”. Thiên Chúa không hứa kẻ theo Ngài sẽ không gặp chông gai thử thách và chống đối, nhưng Chúa chỉ hứa ‘ở cùng ta’: thêm sức mạnh, không bỏ rơi ta. Thỉnh thoảng tôi có những ác mộng rất đáng sợ: mình bị rơi vào một khoảng không bất định, không nhận thức và không thể làm chủ trọng lực của mình, chơi vơi và hoảng lọan, một mình và chẳng có một trợ giúp nào, tựa như câu hát ‘Chúa xô tôi giữa lòng vực thẳm, giữa muôn cuồng sóng đại dương’… Tôi nghĩ có lẽ là cảm giác hụt hẫng khi lìa đời chăng- đi vào một thế giới mà mình chưa hề cảm nghiệm, tại sao lại không phải là cảm giác an bình và vui sướng khi được về nhà và gặp Cha mình?. Sau đệ nhị thế chiến, vì sợ bị một nước lớn đàn áp, người ta lập ra những liên minh, hiệp ước và nhiều tổ chức quốc tế để giải quyết các tranh chấp và tìm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, thế nhưng vì các tham vọng người ta lại gây chiến và phá vỡ các cam kết. Ví dụ điển hình là Ucraina, năm 1994, ba nước Nga – Mỹ - Anh đã cam kết : không đem quân đánh nước này và giúp bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ cho Ucraina, nếu nước này giải trừ hết vũ khí hạt nhân, thế mà thực tế bây giờ lại rất khác.
Những người thân yêu nhất cũng chỉ trợ giúp ta đến một mức độ nào đó, dù họ có ở bên cạnh ta và rất yêu thương ta: không ai hiểu ta trọn vẹn, không ai chịu đựng bệnh tật thay ta, không ai đi cùng ta tới cái chết…nhưng việc ‘Chúa ở cùng ta’ rất khác và thâm sâu hơn nhiều: Chúa ở ngay bên trong bản thân ta, Chúa là Đấng quyền năng nên Ngài có thể làm mọi sự - kể cả trong lãnh vực siêu nhiên như chống lại ma quỷ và giúp ta đạt tới hạnh phúc trong tâm hồn, hạnh phúc thiên đàng. Nhiều tôn giáo cũng cầu xin sự trợ giúp của thần thánh, nhưng chỉ có Ki tô giáo là có Thiên Chúa ở cùng: Ngài bước đi với ta trên mọi nẻo đường, Ngài là sức mạnh, Ngài là gia nghiệp. Trong hầu hêt các tôn giáo khác thì Chúa của họ ngự nơi cao và rất tách biệt với con người, nhưng Chúa của chúng ta lại rất gần gũi: đã nhập thể làm người, giống hệt như chúng ta – ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài có thể thấu cảm những nỗi muộn phiền, đớn đau của kiếp người; Ngài đã trải qua cái chết và đã phục sinh nên trở nên căn nguyên ơn cứu rỗi cho kẻ tin cậy Ngài.
Có lúc Chúa mời gọi ta : hãy ngồi tính sổ trước khi đi giao chiến và trước khi xây nhà, xem mình có thể chiến thắng hay đủ tiền để hoàn thành công trình hay không, kẻo bị thiên hạ chê cười; cũng thế, trước khi trở thành môn đệ Chúa phải có một sự tính toán nghiêm túc: đã cầm cày thì đừng ngoái lại đàng sau. Thế nhưng, rất nhiều lần khác, Chúa lại mời gọi ta phải có một sự liều lĩnh khi thưa ‘xin vâng’ với lời mời gọi của Chúa, đi vào một con đường phiêu lưu chỉ với niềm tin rằng Có Chúa ở cùng. Sự cẩn thận và liều lĩnh này xem ra đối ngược nhau, giao chiến với nhau trong cùng một con người, không chỉ trong những giây phút phải đưa ra những quyết định quan trọng mà ngay cả trong từng ngày sống. Nhà tu đức khuyên chúng ta: Hãy đặt những chọn lựa cuộc sống là những lựa chọn của đức tin, dù sống bậc sống nào và làm bất cứ việc gì, hãy làm vì yêu Chúa và phó thác mọi sự cho Chúa định liệu, vì tin rằng Chúa luôn ở với mình; điều quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là nỗ lực làm cho được việc này việc nọ, nhưng là biết để cho Thiên Chúa hành động qua con người mình, dù bất toàn và yếu đuối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét