Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Lắng nghe tình yêu Chúa

 



Có khá nhiều phép lạ được Chúa Giê su thực hiện trong ngày Sa bat, trong những cuộc tụ họp để cầu nguyện của cộng đoàn. Có một kịch bản chung chung là các kinh sư và các biệt phái rình xem Chúa có vi phạm lề luật để tìm cớ tố cáo, dĩ nhiên Chúa tranh luận với họ về việc Ngài sắp thực hiện – giúp họ nhận ra Chúa là Môi sen mới, là Đấng có quyền làm cho trọn lề luật Cựu Ước, và cuối cùng là các biệt phái và luật sĩ bực tức khi thấy Chúa vi phạm lề luật nên tìm cách để loại trừ Ngài. Bài Tin Mừng Chúa chữa người bại tay nói với chúng ta vài điều có thể áp dụng vào đời sống tâm linh.

Người biệt phái và luật sĩ luôn hành động theo nhãn quan vụ luật (vì luật) và và xét đoán mọi sự theo nhãn quan này, nên không nhận ra điều kỳ diệu xảy ra trước mắt họ và không nhận ra quyền năng Thiên Chúa nơi con người Giê su. Chúa Giê su đã nhiều lần đưa ra những câu chuyện để giúp họ phản tỉnh và thay đổi não trạng cứng nhắc về luật ngày Sa bat: con bò rơi xuống hố thì phải kéo lên ngay, vua Đavit và các thuộc hạ đã ăn bánh cung tiến để thoát chết đói, ngày sabat nên làm lành và cứu sống hay là giết chết… Chúa muốn họ, khi chứng kiến những phép lạ vĩ đại Chúa làm, khi được nghe Chúa giảng giải về lòng nhân ái lớn hơn cả lề luật, có thể nhận ra chính Chúa là Đấng Thiên Sai – để nhờ tin mà được cứu sống. Có những người biệt phải đã thay đổi não trạng và tin vào Chúa Giê su, nhưng con số này không nhiều, còn đa số những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã cứng lòng và đã âm mưu giết chết Đức Giê su. Điều này giúp chúng ta rút ra một bài học: khi chúng ta không tìm kiếm ý Chúa mà tìm thỏa ý riêng mình và hành động theo thành kiến thì chúng ta khó nhận ra những điều kỳ diệu xảy ra trong cuộc sống, chúng ta dễ bực tức với tha nhân và với cả chính Thiên Chúa.



Có lời một bài hát: “Từ sớm mai hồng, xin cho con luôn được lắng nghe tình yêu của Chúa. Và trong cuộc sống, xin cho con được thấy đường lối của Ngài”. Câu hát này diễn tả một cõi lòng rộng mở cho những chân lý trời cao tuôn đổ xuống lòng mình, một đôi bàn tay đưa ra để hứng lấy những giọt sương hồng ân của Đức Khôn Ngoan – làm giãn khát cho một linh hồn khao khát Chúa. Có câu chuyện kể về một đôi bạn trẻ, du lịch bằng xe đạp qua nhiều vùng đất và nhiều quốc gia, sau khi dừng chân 1 tuần lễ trong một trại phong – họ đã nhận ra một chân lý: “Dù cho chuyện gì xảy ra với họ, họ cũng không còn gì phải phiền trách cuộc sống, khi chứng kiến và so sánh với cảnh khổ đau mà những người bất hạnh nơi trại cùi phải trải qua”. Thế đó, nhiều khi đôi tai và đôi mắt của ta thiếu chiều kích linh thánh, nhiều khi ta chủ trương lối sống tự do theo ý riêng mình quá và nhiều khi ta không nhìn ra nỗi khốn khổ trong cuộc sống của những người quanh ta, nên ta dễ nổi cáu với tha nhân và oán trách Chúa.

Chúa Giê su nói với người bại tay: “Hãy giơ tay ra”. Chúa cũng nói với ta như vậy: “Hãy giơ tay ra, hãy mở lòng ra”. Giơ đôi tay ra để cầu nguyện, mở tay phải ra để làm việc giúp người thân, làm việc nuôi thân và làm việc thiện như Mẹ Tê rê xa Calcutta. Chính khi người bại tay giơ tay ra thì anh được chữa lành. Một trái tim quảng đại – biết mở ra cho người khác – có chỗ cho người khác và cho chính Chúa, sẽ được chữa lành khỏi những ích kỷ - dò xét – bực tức, lên án. Ai đó đã từng nhận xét: những người quảng đại phục vụ và hay giúp đỡ người khác thường có một cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản, dường như họ được chúc phúc và sống bình an. Lời một nhà tu đức: không khí mình hít vào chính là không khí mình thở ra; Ngươi sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng (người hẹp lòng sẽ vướng phải những chật hẹp mình đã gieo); Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người.

Nhận ra tình thương và quyền năng Chúa luôn thực hiện trong đời ta không phải là một điều dễ. Nhận ra lòng tốt của người thân và bạn bè cũng là một điều khó. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta đừng sống hâm hâm dở dở, nhưng biết yêu Chúa nồng nàn: làm mọi việc vì tình Chúa, và biết thể hiện lòng thương xót với anh em quanh mình. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét