Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Từ bỏ chính mình

 



Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 23 TN C,  Chúa Giê su nói với chúng ta: Ai không từ bỏ những người thân, mạng sống mình, của cải mình, vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ Chúa. Chúng ta liên tưởng đến thập giá Chúa đã trải qua, vì một nhà tu đức đã nói: Chúa không đòi chúng ta phải đi những bước mà Người chưa từng đi trên đó.

Nhiều lần chúng ta thử dùng lý luận để tìm hiểu : tại sao Chúa lại chọn con đường thập giá, nghèo, vô danh… và còn yêu cầu những môn đệ của Ngài phải sống như thế - nếu muốn nên nghĩa thiết với Chúa? – Với trí óc loài người, chúng ta không thể hiểu được nhiều điều, chỉ biết rằng Chúa chọn con đường tự hủy và cái chết thê thảm như thế là để ‘ý Cha được nên trọn, để biểu lộ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người, để đền tội nhân loại, chấm hết. Sách Khôn ngoan nói với chúng ta rằng: ““Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan ?”. Sách GLHTCG nói với chúng ta rằng: đau khổ và cái chết là một mầu nhiệm, trí óc con người chỉ hiểu được một phần nào ý nghĩa của nó, chỉ sau khi chết thì tấm màn bí mật mới được vén mở; Chúng ta biết chắc một điều: Thiên Chúa không bao giờ cho phép sự dữ xảy đến, nếu Ngài không dùng quyền năng và tình yêu của Ngài mà rút ra những điều lành cho những kẻ Ngài tuyển chọn.



Thay vì thắc mắc tại sao Chúa lại chọn con đường thập giá, chúng ta hãy tri ân Chúa vì đã yêu thương ta đến tận cùng và hãy gớm ghét tội lỗi vì Chúa đã đổ máu đào để cứu ta thoát khỏi tội. Giáo hội dành tháng 6 và các ngày thứ 6 trong tuần, đặc biệt là thứ 6 đầu tháng để kính Thánh Tâm Chúa; trọng tâm của việc thờ phượng này là để kính nhớ tình yêu Chúa. Một điều đáng tiếc là chúng ta thường lãng quên và không tri ân cho đủ tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trên bình diện nhân loại, khi một ai đó tin vào tình yêu mình dành cho họ thì đó là một niềm hạnh phúc và an ủi lớn lao, vậy mà nhiều khi chúng ta bỏ Chúa mà đi theo đàng tội, khi chúng ta quá bận rộn việc trần tục mà gạt Chúa ra khỏi cuộc đời, khi nghĩ rằng Chúa chết là việc của Chúa chẳng liên quan gì đến tôi, thì Chúa phải thốt lên: “Ta trách ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Thiên Chúa là một Bản Vị, hiện hữu ngay trong cuộc đời ta và giữa trần thế này, Ngài cũng biết buồn và biết ghen khi bị phản bội, biết vui mừng và hân hoan khi con người biết hối cải trở về và biết đáp lại tình yêu của Chúa, khi ta biết chuyện trò thân mật với Ngài.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, hai chữ từ bỏ muốn nói rằng : yêu ít hơn. Điều này trở nên dễ hiểu khi liên tưởng đến câu chuyện của Thánh Phê rô. Hai lần Chúa hỏi ông: “Con có yêu Thầy Không? Và một lần Chúa hỏi: con có yêu Thầy hơn những người này không?”. Chúa Giê su yêu Chúa Cha trên hết mọi sự, yêu con người là phụ tùy của tình yêu Cha; đến lượt chúng ta, yêu mến Thiên Chúa, tìm kiếm ý Chúa, tin yêu Chúa Giê su là điều ưu tiên số một, tình yêu đồng loại nằm ở phách yếu và là đòi buộc của điều răn thứ nhất. Điều này làm chúng ta yên tâm khi hiểu được rằng: có những trường hợp chúng ta phải bỏ lại người thân, mạng sống mình, của cải mình, lại đàng sau nếu chúng cản trở ta theo Chúa. Đọc chuyện Thánh Nữ tử đạo Felicita, tử đạo năm 203 ở tuổi 22, chính người cha đã tố giác con mình khi cô muốn trở thành Ki tô hữu. Người bố đưa người con thơ đến lao tù để mong đứa con gái vì động lòng mà chối đạo, nhưng thánh nữ đã chọn cái chết, bỏ lại tất cả vì tình yêu Chúa.

Chúa kể hai câu chuyện, một người xây tháp và một vị vua chuẩn bị đi giao chiến, để nói với chúng ta rằng: khi theo Chúa, đừng ảo tưởng, phải thấy trước điều kiện tiên quyết là phải chọn Chúa trên hết, trong trường hợp có sự giằng co thì phải từ bỏ tất cả, vì tình yêu Chúa và để được nên giống Chúa. Nếu chúng ta hiểu hai ví dụ này theo cách khác một chút thì e rằng hơi nguy hiểm: khi theo đạo, theo một ơn gọi tu trì hay dấn thân nào đó, thì phải lượng sức mình có thể đi cho đến cùng hay không - nếu liệu không đủ tiền xây nhà thì đừng xây. Nếu nghĩ như vậy thì chẳng ai dám dấn thân cả, vì xét cho cùng, tất cả chúng ta, khi cất bước theo Chúa là chấp nhận mạo hiểm: không biết trước tương lai, chỉ biết cậy dựa vào Lời hứa của Chúa ‘Ta ở với con’(Dnl 31,23). Chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Thánh Phao lô và của Thánh Thomas More: các Ngài đã chọn Chúa trên hết, trung thành với giáo huấn của Chúa đến bị lao tù, mất mạng sống, các ngài dâng hiến mạng sống mình trong hân hoan.

Chung quanh chúng ta có biết bao người gặp những thánh giá rất nặng trong tâm hồn và thể xác. Kiếp người với sinh bệnh lão tử. Khi sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, có một sự giằng co của tham sân si. Những bổn phận hằng ngày để sống cho ra con người tử tế, người hữu ích, người phục vụ… cũng đòi ta phải hy sinh ý riêng. Đó là những gánh nặng cuộc đời, Chúa mời gọi ta bằng lòng với những quà tặng hằng ngày đó, trong tâm tình hiến dâng và đóng góp phần nhỏ bé của mình vào thập giá cứu độ của Chúa: “Ai vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Chúa yêu thương”(2Cor 9,7).

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét