Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Bước theo Thầy

 


Chúa Giê su nói: “Ai muốn Theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Bước vào nhà thờ, nằm ở trọng tâm của chính diện là cây Thập giá, trên đó có một người bị đóng đinh rất đáng thương và đáng sợ, nhưng với Ki tô hữu thì đó là Chúa của mình, là đối tượng của tình yêu và là gương mẫu của họ - họ được mời gọi sống giống như Ngài và chết giống như Ngài.

Nói như vậy thì chúng ta rất dễ lầm tưởng : chỉ có Ki tô hữu là có thập giá, còn người ngoại thì không có thập giá. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta phải hiểu thập giá là gánh nặng cuộc đời (kiếp người), là những đòi hỏi luân lý để sống cho ra con người. Nếu hiểu như vậy thì đã là người thì ai cũng có thập giá, ai cũng có những lao tâm khổ tứ để sống cho ra con người. Đạo lão, đạo khổng, đạo phật, đạo Chúa… mỗi tôn giáo đề ra những nguyên tắc cơ bản về luân lý; mà cho dù người không theo đạo nào thì tự trong thâm tâm họ, Thượng Đế đã đặt để những luật luân lý cơ bản như làm lành lánh dữ, tôn trọng của cải và mạng sống của người khác, tương thân tương ái, thảo hiếu và biết ơn… Con  người khác con vật là có lý trí và lương tâm, cho nên họ có niềm khắc khoải sống cho ra con người, và họ bị sự nhắc nhở của lương tâm khi làm lành hay làm dữ. Như vậy, ai cũng có thập giá cuộc đời: gánh nặng cuộc đời và những đòi hỏi luân lý; điểm khác của người Ki tô hữu là họ được mời gọi vác thập giá mình bước theo (theo cách như) Chúa Giê su và kết hợp với Chúa Giê su, và trong một số trường hợp thập giá của người Ki tô hữu còn là sự bắt bớ và thiệt thòi vì danh Chúa. 

Triết gia Pascal có một lý luận nổi tiếng về niềm tin: “Nếu không có đời sau thì người Ki tô hữu cũng chẳng mất gì nhiều, nhưng nếu có đời sau thì anh bạn vô thần của tôi ơi, bạn mất tất cả”. Thế giới tây phương bị tục hóa, họ bỏ giờ và công sức để bôi nhọ tôn giáo và Giáo hội để họ tha hồ sống trong buông thả. Năm 2009, ở nhiều nước châu Âu, trên các xe bus và các phương tiện giao thông công cộng, người ta giăng biểu ngữ: “Có lẽ Chúa không hiện hữu, cứ vui hưởng cuộc sống đi”. Dịp cuối tháng 9 năm nay (2022), ở Saigon đang chiếu bộ phim Nữ Giáo Hoàng (dành cho khách mời), có lẽ là một bộ phim đã sản xuất lâu rồi nhưng nay được làm nóng lên để phò những phong trào đấu tranh cho nữ quyền: quyền được phá thai vô điều kiện, nữ giới được làm linh mục… Tôi vẫn thường bị dằn vặt với vấn đề: tại sao có những người ngoại giáo và vô thần có dịp tiếp xúc nhiều với mình vậy mà mình không cải hóa họ được? Có một tân linh mục tâm sự: cả một đời linh mục phải lo sao cứu được ít là một linh hồn. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, ơn gọi căn bản của Ki tô hữu là trở nên muối men cho đời, đó phải là điều làm cho chúng ta bận tâm và thao thức. Chúa Giê su đã tâm sự: “Thầy đã mang lửa xuống thế gian, Thầy ước mong sao cho lửa đó bùng cháy lên” (Lc 12,49), ngọn lửa tình yêu và ngọn lửa cứu độ. Bị thiêu đốt bởi nhiệt tâm truyền giáo cũng là một khía cạnh khác của thập giá cuộc đời Ki tô hữu.

Trong tác phẩm Tự do nội tâm có kể về một tù nhân, bị kết án tử hình vì tội giết người; trong những ngày cuối cùng chờ hành hình, anh được biết đến Đức Giê su, anh được mời gọi hiến dâng mạng sống mình, hiệp với thập giá của Chúa Giê su, để đền tội mình và tội nhân loại. Được ánh sáng nội tâm soi chiếu, anh hân hoan tiến ra pháp trường như một người tử đạo: chính niềm tin giúp anh nhìn thấy cái chết của anh không vô nghĩa như một sự trừng phạt mà là như một sự dâng hiến vì tình yêu Giê su. Khi nghe nói đến thập giá và đau khổ như một dấu hiệu được Chúa thương mến, và như là điều kiện tất yếu của người môn đệ Chúa, thì ai trong chúng ta cảm thấy một chút ngại ngùng, nhưng xin đừng quên rằng: thập giá sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui và hân hoan, chứ không phải là ưu phiền. Sách CVTĐ kể lại rằng: Gioan và Phê rô ra khỏi hội đường, lòng hân hoan phấn khởi vì thấy mình được chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giê su. Hãy nhớ lời Thánh Phaolô trong 1Cor 15,17: Nếu Chúa không sống lại thì Kitô hữu là những người đáng thương, nhưng Chúa đã sống lại thật! Đọc truyện các Thánh Tử đạo, chúng ta nhận ra những điểm chung của các ngài: ao ước được lãnh phúc tử đạo, hân hoan ra pháp trường, tha thứ cho kẻ giết mình.



Đôi lúc ta tự hỏi: những người ngoại giáo lấy động lực nào để đón nhận thập giá đời họ? Người có đạo Chúa thì hiểu rằng: đau khổ và cái chết là hậu quả của tội, đau khổ là phương thế rèn luyện nhân đức, là cơ hội trở nên giống Chúa Giê su, được cộng tác vào thập giá cứu độ và quan trọng nhất là có Chúa đồng hành và nâng đỡ. Một nhà tu đức đã nói: không hiểu lý do tại sao mình đau khổ còn nặng nề hơn là chính đau khổ đó. GLHTCG dạy rằng : Thiên Chúa không bao giờ cho phép đau khổ (gánh nặng, bất công, chết) xảy đến, nếu Ngài không dùng quyền năng và tình yêu để rút ra nhiều sự lành cho nhân loại. Khi ta đau khổ, hãy kêu cầu ơn Chúa trợ giúp và hãy nhìn lên Chúa Giê su trên Thánh Giá, để có thể vui lòng đón nhận thập giá cuộc đời vì vâng ý Cha và được cộng tác vào công trình cứu rỗi các linh hồn, đó là vác thập giá mình mà theo Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét