Năm nay, các bài đọc Chúa nhật tuần 30 TN được dành ưu tiên cho việc truyền giáo: suy tư, đóng góp quỹ, cầu nguyện. Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến việc suy tư và cầu nguyện theo lệnh truyền của Chúa Giê su: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho các thụ tạo”.
Nói đến truyền giáo là nói đến việc trở nên chứng nhân, làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. Nói đến việc làm chứng, chúng ta dễ nghĩ đến việc tranh luận về giáo lý và giảng giải những mầu nhiệm đức tin. Nếu vậy thì chẳng mấy ai có đủ kiến thức và kinh nghiệm để nói với những người ngoại đạo và những người theo các tôn giáo khác rằng ‘đạo Công giáo là đạo thật, trổi vượt hơn mọi đạo’, mà giả như một người có khả năng thuyết giáo lỗi lạc thì cách này cũng chỉ làm người khác khẩu phục mà tâm không phục. Một nhà tu đức nói: việc làm chứng của người Ki tô hữu phải xác tín và chân thực như việc làm chứng ở tòa án, diễn tả lại điều chính mắt mình đã thấy và tai đã nghe, chịu trách nhiệm về điều mình làm chứng. Chữ tử đạo được dịch từ martyr = người làm chứng: vị tử đạo dâng hiến mạng sống (là điều cao quý nhất ở trần gian) để làm chứng cho sự hiện hữu và tình yêu của Đấng mình tôn thờ, là Thiên Chúa. Bạn biết không, chỉ cần một hành động tử tế, một lần bạn đến nhà thờ, một lời nói xây dựng, hình bóng của một tu sĩ xuất hiện... Thiên Chúa vẫn có thể dùng để đánh động một ai đó theo cách Ngài muốn.
Ngày nay nhiều người nghĩ việc truyền giáo không mấy cấp bách, vì một người dù không theo Ki tô giáo, nhưng nếu ăn ngay ở lành thì Thiên Chúa vẫn có thể ban ơn cứu rỗi cho họ theo lòng thương xót vô biên của Ngài. Điều này là không đúng, vì lệnh truyền của Chúa vẫn luôn khẩn cấp và ơn gọi căn bản của Ki tô hữu là trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian. Cách đây khoảng 5 thế kỷ (TK 16), các nhà truyền giáo hăng say và liều mạng đi đến các vùng Á châu và Mỹ châu để nói cho mọi người biết về Chúa Ki tô, một phần vì quan niệm thời ấy cho rằng: “chỉ những ai được rửa tội mới được vào nước trời, có nghĩa là phải rửa tội càng nhiều càng tốt”, nhưng sau này, quan niệm này được đổi khác: các dân ngoại cũng có thể vào thiên đàng nếu họ sống tốt lành theo luật vĩnh cửu Thiên Chúa khắc ghi trong mỗi tâm hồn. Đã có một thời Giáo hội quá mải mê điều hành những cơ sở từ thiện, giáo dục… mà ít nói về Chúa Giê su và Tin mừng của Ngài, Và hãy biết rằng: Thiên Chúa cứu rỗi những người thiện tâm trong trường hợp họ không có cơ hội nghe biết Tin Mừng hoặc không thuận tiện để lãnh nhận phép rửa, còn những ai đã nghe biết Tin Mừng mà cố tình không lãnh nhận phép rửa thì Con Người cũng sẽ chối họ trước mặt Cha trên trời. Thánh Phao lô suy luận: "làm sao tin được nếu không được nghe, làm sao nghe được nếu không có người được sai đi? Đẹp thay bước chân của người được sai đi rao giảng Tin Mừng". Chúa Giê su dạy ta phải xin Cha trên trời sai nhiều thợ gặt, nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Chúng ta còn nhớ hình ảnh ông Moi sen lên núi cầu nguyện: khi ông giơ tay lên thì Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống thì dân Chúa bị đẩy lui. Hãy cầu nguyện nhiều cho mọi người được nhận biết Chúa, cho bước chân của các vị truyền giáo không mỏi mệt, cho những tình nguyện viên, các giáo lý viên và các linh mục tu sĩ được ơn hăng say loan báo Tin Mừng.
Có nhiều cách làm chứng nhân cho Tin Mừng: gương sáng, lời nói, lời cầu nguyện. Mọi Kitô hữu dù thuộc trình độ và trong hoàn cảnh nào cũng có thể và buộc phải làm gương sáng: một cuộc sống tuân theo những giá trị Tin Mừng như công bình, bác ái, yêu thương, chung thủy, trung thực. Có câu chuyện kể về một gia đinh sỹ quan thời VNCH, anh lấy chị mà không theo đạo vì anh không tin, sau thời điểm 75 anh đi cải tạo, chị ở nhà xoay xở hết cách để nuôi con chờ chồng, anh trở về gia đình gặp lại vợ con và xin học đạo để hợp thức hóa hôn phối của họ, anh cho biết ‘vì chứng kiến cuộc sống của các bạn tù công giáo – có cả vài linh mục – và sự chung thủy của người vợ” nên anh mới tin đạo. Có thể kể về gia đình của Thánh Monica, mẹ chồng và chồng ngoại đạo, người con cũng theo lạc giáo và gia đình chồng rất chống ảnh hưởng của đạo, ấy thế mà lời cầu nguyện kiên trì và gương sáng của Monica đã thay đổi đức tin của mọi người. Mọi Ki tô hữu được mời gọi sống tốt lành như Cha trên trời, để qua sự tốt lành của họ, người đời sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
Hiện nay, mảnh đất Châu Á vẫn là một vùng đất hoang vu với 3,34% dân số là Công giáo, và VN cũng chỉ có 6,1% là người Công Giáo. Chúng ta vẫn có cơ hội tiếp xúc với anh chị em lương dân và theo các tôn giáo bạn, nhưng thật khó để giới thiệu Chúa và nói về giáo lý cho người khác, dù ta rất muốn. Một nhà tu đức nói: để cải hóa một tâm hồn, chúng ta có thể dùng sức mạnh của lời nói và lời cầu nguyện, sức mạnh của lời cầu nguyện luôn mạnh hơn và hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt đúng với những người ngoại có trí thức. Câu chuyện của ông Gandhi đã nói lên điều này. Có một mục sư Tin Lành rất mộ mến nên đã viết thư cho ông Gandhi là ‘nếu ông tìm được Bản Vị thì tốt hơn là chỉ theo giáo lý của vị ấy”; ông Gandhi đáp: “lòng ông vẫn để ngỏ, ông cần có tác động của ơn trên, giống như ông Phaolô trở lại là nhờ ơn trên chứ không phải nhờ nỗ lực học hỏi”. Rất nhiều người quen thân sống quanh ta, nhưng họ không nhận được ơn đức tin, vì sao?- có lẽ vì môi trường sống của các Ki tô hữu bị vẩn đục và vì lời cầu nguyện của chúng ta thiếu nhiệt tâm.
Và còn một lý do nữa, lớn hơn mọi lý do khiến việc truyền giáo của chúng ta thiếu sức sống, đó là chúng ta không có mối liên lạc thân tình với Chúa Giê su, chúng ta cố gắng sống theo giáo lý Chúa dạy nhưng không sống với và sống theo một người - tên gọi Giê su, Đấng đã phán:“Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét