Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Tìm kiếm Chúa

 



Trong một năm Phụng vụ, Giáo hội chọn những đoạn Kinh Thánh căn bản để dùng trong Thánh Lễ, hầu giúp cho hành trình đức tin của con cái mình được nuôi dưỡng và triển nở. Dù vậy, con người chúng ta mãi không nắm trọn được ý nghĩa của những chân lý đó, vẫn phải kêu xin sự trợ giúp của ơn trên để hiểu và sống cho đúng điều Thiên Chúa muốn phán dạy. Một trong những điều khó nắm bắt đó là sự cầu nguyện, mà đây là đề tài quan trọng trong đời sống đạo và được các nhà tu đức nói đến rất nhiều.

Rất nhiều định nghĩa về việc cầu nguyện: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, là việc kết hiệp với Chúa, là thưa chuyện với Chúa. Khi ta nói chuyện với người lạ thì hơi khó vì ta không biết rõ về người kia: lý lịch, gia cảnh, tính tình, mối bận tâm, sở thích, địa vị… còn khi nói chuyện với người quen thì mọi sự dễ dàng hơn, và khi nói chuyện với bạn bè hoặc người yêu thì khỏi nói: rất nhiều chuyện để nói và có thể không cần nói cũng thấy thích thú khi ở bên nhau. Ấy thế mà khi ở bên cạnh Thầy Giê su hiện diện trong Thánh Thể, chúng ta cảm thấy khó nói chuyện, vì sao?- vì ta không tin thật Chúa hiện diện ở đó, ta dường như cảm thấy Chúa xa lạ quá – Chúa không phải là một người bạn, người yêu, ta không tin rằng Chúa tốt lành và yêu thương ta … nên ta ngại nói chuyện, và ta thường chỉ nói mà không biết lắng nghe. Ngày nay, thật hiếm nghe nói đến việc viếng Thánh Thể, vừa nặng nề và vừa có vẻ mất thời giờ, mà có đến nhà thờ ta cũng đọc vội vàng một số kinh nào đó cho chắc và dễ thành công hơn.

Bạn đã bao giờ gặp một đứa trẻ ‘tăng động” chưa? – Nó náo động liên tục và quá mức - trừ khi ngủ, làm mệt nhoài người trông giữ nó. Nhìn một khía cạnh nào đó, nhiều khi chúng ta giống hệt những đứa trẻ đó khi chúng ta hoạt động liên tục: đọc báo, chém gió, lao động, đọc sách, kể cả giảng dạy và viết lách… là để trốn chạy cầu nguyện, tránh trở về căn nhà nội tâm và tăng động để giảm bớt phần nào sự bất ổn nội tâm. Đành rằng làm việc bổn phận là cách chắc chắn và tốt lành để nên thánh, nhưng điều đáng nói là tình trạng trống rỗng khi làm việc và động đạc quá mức cần thiết: không kèm theo cầu nguyện, làm để thể hiện bản thân, để phô trương và đúng như lời Chúa nói với Matta:“con lo lắng nhiều chuyện quá”.

Chúa Giê su thường cầu nguyện vào lúc tinh mơ, điều này nhắc ta rằng: “Ai không gặp Chúa ở trên núi cao thì không thể gặp được Ngài ở dưới đồng bằng”. Một trong những biểu hiện của người có niềm tin và niềm khao khát tâm linh là họ siêng năng tham dự Thánh lễ hằng ngày, có những người ở xa nhà thờ, có những người rất trí thức, có những người còn rất trẻ và có cả những em thiếu nhi. Cứ sự thường, đến lúc có tuổi thọ (tuổi 60) người ta mới siêng năng việc đạo đức, vì khi đó mới rảnh rang hơn và sợ chết hơn, tuy vậy cũng có những kẻ trời đã cho quá thọ và đã hết mối lo, nhưng họ cũng ít đến nhà thờ, đến lúc không đi lại được nữa thì lại ngồi tiếc!



Lời Chúa nói về việc cầu nguyện rất rõ ràng: “cứ xin mãi thì sẽ được, Cha trên trời là Đấng tốt lành hơn cha mẹ trần gian bội phần, hễ ai xin thì nhận được, Cha sẽ kíp ban Thánh Thần cho kẻ kêu xin”. Với tuổi đời dần trôi, chúng ta cảm thấy những lời trên hơi xa thực tế, vì hằng ngày ta liên tục cầu xin mà nhiều điều dường như không xảy đến và hiệu nghiệm, và nhiều người đã mất đức tin vì vấn đề ‘xin mãi mà không được’: Chúa không hiện hữu, Chúa không thương tôi. Có câu chuyện kể rằng: có người đệ tử ngoan hiền bỗng dưng bỏ cầu nguyện, sư phụ gặng hỏi thì được trả lời: Nếu Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì Ngài biết rõ con cần gì, là Đấng yêu thương thì Ngài sẽ cung cấp cho con người những gì cần thiết, vậy thì cần gì phải mất giờ trình bày. Khi nói về hoa huệ ngoài đồng và chim trời cũng được Cha trên trời chăm sóc, Chúa Giê su không bảo ta ‘đừng cầu nguyện’, nhưng là ‘đừng lo lắng’.

Dựa vào kinh Lạy Cha, trước hết ta hãy hướng lời cầu nguyện của ta về Thiên Chúa: cho mọi người được nhận biết Thiên Chúa, cho các linh mục và tu sĩ được gắn bó mật thiết với Chúa, cho các nhà truyền giáo được nhiệt thành, cho chiến tranh được mau chấm dứt, cho các gia đình được trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, cho các nhà lãnh đạo có tấm lòng và có tinh thần phục vụ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng trình bày những ước nguyện và bận tâm của mình và phó thác cho Ngài định liệu: nếu việc Chúa muốn và đến lúc Chúa muốn, mọi sự sẽ tốt đẹp; nếu việc Chúa không muốn và không tốt đẹp như ta nghĩ thì Chúa sẽ cho việc đó xảy ra cách khác, hãy tin rằng điều đang xảy ra là điều tốt đẹp nhất mà Cha nhân lành cho phép xảy đến. Bạn đã quan sát đứa trẻ khi vào siêu thị đồ chơi chưa? - Nó đòi hết món này tới món đồ nọ, đến nỗi bố mẹ nó phải thốt lên: "Con không bao giờ biết bằng lòng cả!" Hãy coi chừng Chúa cũng nói với ta như vậy đó. Hãy biết bằng lòng với những gì mình có và thỉnh thoảng biết dâng lời tạ ơn Chúa, càng nhiều càng tốt. Biết trình bày với Cha trên trời những ước mơ của mình, những bận tâm của mình, những ân hận của mình và lòng biết ơn của mình, đó là cầu nguyện.

Đến một lúc nào đó, ngẫm nghĩ lại sự đời, ta nhận ra sự đan dệt của các sự kiện rất mạch lạc và có sự điều khiển của Cha nhân lành. Ta tin chắc rằng: điều mình nhận ra bây giờ cũng chỉ là hữu hạn so với những điều Chúa chưa cho mình thấy, vì lợi ích của linh hồn. Một viễn cảnh tốt đẹp sẽ xảy ra khi ta về với Chúa, khi đó bức tranh thêu cuộc đời sẽ được vén màn và linh hồn sẽ ngụp lặn trong hạnh phúc – hiệp với Mẹ Maria và các Thánh để ca ngợi lòng từ bi, tình thương xót và quyền năng của Thiên Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét