Trong một buổi ‘trà dư tửu hậu’, có người đưa ra tiêu chí phấn
đấu cho cuộc đời là có sức khỏe, kẻ khác cho là gia đình hạnh phúc, tôi góp ý rằng:
những mơ ước đó là chính đáng, nhưng có lúc sẽ vuột khỏi tầm tay mình và không
nằm trong sự kiểm soát của mình, mình nên đặt chỉ tiêu cuộc đời cao hơn, đó là
tìm kiếm thánh ý Chúa hoặc tìm kiếm sự trọn lành như Cha trên trời. Ở đây chúng
ta bàn về việc tìm thánh ý Chúa.
Khi vào trong cuộc đời, Chúa Giê su đã thưa với Cha: “Này con
xin đến để thi hành ý Cha”. Điều khó cho chúng ta là không biết đâu là ý Chúa,
vì Chúa không hiện ra để nói rõ từng chi tiết cuộc đời ta, ý Chúa được tỏ lộ dần
dần – kiểu như người lần bước trong đêm tối, ta chỉ biết từng bước chân mà
không biết phía trước có những gì! Đó mới là đức tin. Chính ông Abraham (cha của
kẻ tin) và ngay cả Mẹ Maria là Đấng đầy ơn phúc mà cũng chỉ biết từng ngày lần
bước - trong niềm tin rằng Chúa là Đấng trung tín và tốt lành. Đừng nghĩ chỉ có
những lúc phải chọn lựa ơn gọi, bậc sống, người phối ngẫu và những chuyện quan
trọng mới phải xin ơn soi sáng để tìm thánh ý Chúa, mà là từng giây phút cuộc sống
– xin cho ý Chúa được thể hiện trong đời mình, gia đình mình, xã hội và cho cả
nhân loại. Sự hiện diện, chăm sóc và ước muốn của Chúa bao phủ cả địa cầu như
không khí ta thở, tự nhiên đến nỗi ta tưởng là không có!
Trong Tin Mừng có nhiều câu chuyện diễn tả niềm tin mãnh liệt
vào Chúa Giê su, khiến Chúa phải khen, nhưng có một chuyện đáng cho ta suy tư, đó
là người phong cùi – lên tiếng nói với Chúa: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có
thể làm cho tôi được sạch”. Câu nói của anh chứng tỏ một niềm tin cao độ, một
niềm phó thác thuần khiết – ngoài sức tưởng tượng của con người. Đã là người
phong cùi thì bị cả xã hội khai trừ, kỳ thị cả về tôn giáo (bị phạt vì tội) và
xã hội (sợ bị lây), một cuộc đời sống mà như chết và nhu cầu cần được chữa lành
là quá cấp thiết, ấy thế mà anh không thúc ép Chúa mà chỉ xin tùy thuộc ý Chúa.
Tôi nghĩ anh này cũng nên được kể là gương mẫu của kẻ tin. Có câu chuyện khác kể
về một vị tu sĩ mù, ông này cũng khá đạo đức nên thường bắt đầu lời cầu nguyện
của mình bằng câu ‘nếu Chúa muốn’; ấy vậy mà có một hôm ông xin Chúa cho mình
được sáng mắt và bỗng dưng đôi mắt ông được chữa lành, sau giây phút bàng hoàng
vì được chiêm ngắm công trình mỹ lệ của Thiên Chúa, vị tu sĩ chợt nhớ mình
không thưa với Chúa câu nói quan trọng kia; ngẫm nghĩ một lát, ông bèn vào nhà
thờ, thưa với Chúa: “nếu việc con sáng mắt không đẹp lòng Chúa thì xin cho con
mù trở lại”; sau đó ông bị mù lại, nhưng lòng an bình, vì biết rằng đây là điều
Chúa muốn, Chúa là Đấng tốt lành và đường lối của Ngài không ai dò thấu.
Khi chúng ta xác tín rằng ‘tìm kiếm thánh ý Chúa’ là điều
quan trọng nhất trong cuộc đời, thì không khi nào chúng ta bị vỡ mộng, tâm hồn
sẽ an vui, cuộc đời chắc chắn thành công tốt đẹp. Nếu ta nhắm những mục đích cuộc
đời ở những thứ trần gian như danh lợi thú, sức khỏe, hạnh phúc… thì có lúc
chúng lìa bỏ ta, ngoài ý muốn và nỗ lực của ta. Còn khi ta tìm Thánh ý Chúa thì
dù thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay đau yếu, được người đời tán dương hay
chê bai, sống lâu hay chết trẻ… chẳng có gì là quan trọng, vì chỉ mình Chúa là
đủ cho ta. Tôi có một người chị bên vợ đi tu, bị bệnh và đã lìa thế; trong những ngày cuối cùng, chị di chuyển dần
về gần phòng hấp hối để đỡ phiền người khác; trong khi hấp hối, nhà dòng không
cho người thân đến gần và thường không dùng thuốc giảm đau; khi nằm trong nhà
xác, nếu người thân muốn thức thì mở cửa – nếu không muốn thức thì họ đóng cửa
để cho xác nằm một mình; tôi nghĩ mục đích của nhà dòng là để cho người chị em
có cơ hội cuối cùng cảm nếm sự tự thoát – nên giống Đấng tình quân mà các chị
đã chọn và tôn thờ.
Trong cuộc sống, tiếng nói của Chúa sẽ vụt đến một lúc nào đó
– mà người được gọi cũng không ngờ. Ta có thể kể đến một Inhaxiô được Chúa sờ
chạm khi nằm trong bệnh viện, đấu tranh giữa cuộc sống trần tục của giới quý tộc
với tiếng nói đem lại an bình khi suy tưởng đến con đường phục vụ Chúa Giê su;
ta có thể kể đến Mẹ Tê rê xa được Chúa kêu gọi phục vụ người nghèo khi mẹ ngồi
trên toa xe lửa; xa hơn nữa là ông Sao lô, được Chúa đánh động trên đường
Dámas. Đôi lúc tôi tưởng tượng: nếu xảy ra cơn bách hại đạo như ngày xưa, tôi
thuộc loại người trốn chạy, chối đạo hay tử đạo”, tưởng tượng như thế để thấy được sự thánh thiện nơi nhiều vị thánh khi họ ước ao hết lòng hết sức được phúc tử đạo và rằng các thánh Tử
Đạo Việt Nam đã ước ao tử đạo trước khi có cơ hội được chết vì đạo. Còn đa số
chúng ta, hãy nghĩ lại lòng mình: khi ý Chúa muốn mình phục vụ anh em trong
Giáo hội địa phương, mình tìm cách từ chối với lý do này nọ, thì hãy biết rằng
mình đã không vâng theo ý Chúa. Khi suy nghĩ về con đường thơ ấu của Thánh tiến
sĩ Tê rê xa Hài Đồng, một nhà tu đức nói: Nếu ta hiểu con đường nhỏ bé là làm
những việc nhỏ với lòng yêu mến Chúa, điều đó đúng nhưng chưa đủ, sự nhỏ bé ở
đây còn muốn nói đến tình trạng thấp hèn của chính mình, tình trạng
khó nghèo tận cùng của mình trước mặt Chúa, nhờ đó Thiên Chúa có thể làm được
nhiều điều lớn lao. Khi ta khiêm tốn vâng theo ý Chúa, bằng lòng với những điều
mình đang có là đi vào con đường nhỏ bé rồi vậy.
“Thánh ý Chúa trong cuộc đời cho tim con vui rạng ngời, nối kết
trong tình trời với đất.Thánh ý Chúa đưa con đi, trong bình an Chúa dẫn con về,
câu ước thề vẹn nghĩa tín trung”. (Thánh ý Chúa, Lm Thái Nguyên). Mong ước rằng
những tiếng ‘xin vâng’ trong từng ngày sống sẽ kết tụ thành tiếng ‘dạ’ êm ái
khi Chúa đưa từng người chúng ta về bên Ngài. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét