Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Kính sợ Chúa

 



Một nhà tu đức đã phân biệt hai chữ ‘Kính sợ’ khác với sợ hãi. Chúa nói với chúng ta đừng sợ hãi người đời, mà nên kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta sợ hãi khi đứng trước một mối nguy hiểm thật sự mà mình thì bất lực và thất thế. Còn đối với Thiên Chúa, chúng ta kính sợ Ngài vì Ngài là cội nguồn (alpha) và cùng tận (Omega) của muôn loài và của chúng ta, Ngài là Đấng quyền năng tuyệt đối và yêu thương đến tận cùng, là người Cha tốt lành và Người yêu chung thủy của ta, Ngài đáng cho ta tôn thờ, kính tin và yêu mến, đó là đức kính sợ: Kính sợ Chúa là đâu mối khôn ngoan.

Bài Tin Mừng Luca 12,1-7 dường như có hai chủ đề lạc lõng với nhau: phần đầu nói đến việc phải tránh sự giả hình của những người Biệt phái, và phần sau là ‘đừng sợ người đời vì họ chỉ có quyền trên thân xác ta, hãy kính sợ Chúa là Đấng thấu biết mọi sự - là Đấng có quyền quyết định số phận con người ngay cả sau khi họ chết’. Nhưng suy nghĩ một chút thì ta thấy hai phần này liên hệ mạch lạc với nhau: chúng ta sống giả hình là vì sợ người đời, vì muốn tìm phần thưởng đời này, định hướng cuộc sống như vậy là không khôn ngoan,  có lúc ta vỡ mộng – vì tình người thường tráo trở và đổi thay. Người khôn ngoan thực sự biết làm mọi sự vì lòng kính sợ Chúa, định hướng này trải dài đến cuộc sống vĩnh cửu – sau khi ta chết.

Có một nhà tu đức gọi Chúa là ‘Đấng Đếm Tóc’, vì Chúa nói rõ ràng : “Tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”. Điều này gây ngạc nhiên cho chúng ta, vì ngay cha mẹ, dù yêu con và gần gũi con mình đến mấy, cũng không thể đếm tóc cho mấy đứa con của mình, ấy vậy mà Thiên Chúa quyền năng có thể đếm từng sợi tóc của mấy tỷ người trên nhân loại. Nói đến việc 'đếm tóc' là nói đến quyền năng và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình thương của người mẹ với con dù được xem là kỳ công của nhân loại,  cũng không là gì so với tình thương Chúa dành cho từng người chúng ta! vì  sự quảng đại của người mẹ vẫn có giới hạn và tầm mức (khả năng) của tình yêu đó lại càng giới hạn hơn. Chúa Giê su đã từng diễn tả tình thương của Ngài còn tốt hơn bất cứ người cha mẹ nào trên trần gian này: người mẹ có thể quên con mình, nhưng Chúa sẽ không quên bất cứ ai được Ngài cho sinh ra trên đời, cha mẹ trần gian còn biết lấy của lành cho con – nhưng Chúa còn tốt hơn bội phần, và ở đây Chúa nói đến việc Ngài biết rõ và an bài từng chi tiết nhỏ trong đời ta, lo cho cả đời này và đời sau, lo cho phần xác và cả phần hồn nữa. Điều đáng buồn là con người thời nay thường ‘lừa nhau để sống’, nên lối văn hóa ‘quảng cáo, maketing', và tật 'bốc phét, chém gió’ được xem là ‘mốt thời thượng’, dẫn đến một hệ quả là con người kém tin trước những lời hoa mỹ và càng không tin những lời bộc bạch của con tim, nghi ngờ cả những Lời được Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh.

Có câu chuyện kể về một nhà truyền giáo và một ca sỹ nổi tiếng cùng xuống ga xe lửa - trở về từ một vùng đất xa xôi sau một quãng thời gian xa cách; danh ca sỹ thì được mọi người háo hức chờ đợi, được đám đông bao quanh xin chụp hình, tặng hoa, xin chữ ký; còn nhà truyền giáo thì lủi thủi xách chiếc túi nhỏ, lầm lũi tìm xe trở về nhà, tủi thân hỏi Chúa: Tại sao có sự bất công như vậy?, Chúa trả lời: con đã trở về nhà đâu! Người Ki tô hữu khác với nhiều tôn giáo khác ở điểm: cái chết là cửa ngõ để ta bước về nhà. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều chi tiết của cuộc trở về này nơi dụ ngôn Người cha nhân hậu (Luca 15, 11-32): người cha mong chờ đứa con ‘đi hoang, lữ khách’ trở về, vui mừng ôm lấy con (diện đối diện), mở tiệc ăn mừng (thiên đàng được diễn tả là tình trạng chiêm ngắm Chúa, hòa chung bản hợp xướng ca ngợi tình yêu Chúa), phục hồi địa vị thực sự của một người con, người con cả vì ghen tị và phụng sự Cha như nô lệ nên đã từ chối vào dự tiệc.



Chính niềm tin ‘có sự sống đời sau’ đã làm nên sự khác biệt trong thế giới này: những người không tin có sự sống bất tử thì họ đặt chỉ tiêu cho ‘thành công, phấn đấu và hạnh phúc’ chỉ là những thứ chóng qua ở đời này mà thôi: sống lâu, hưởng thụ, thỏa mãn đam mê (con mắt, xác thịt, lòng kiêu hãnh về của cải), những người tin có sự sống đời đời thì nhìn trần gian chỉ là kiếp lữ hành, vạn vật chóng qua, thành công – danh vọng – hạnh phúc và mọi sự chỉ là tương đối. Có câu chuyện kể về một vị vua, muốn thử một vị công thần phải tìm cho mình một tặng vật giúp mình bình thản khi thành công và đủ sức mạnh sức khi thất bại, vị công thần cất công tìm rất lâu và cuối cùng trình lên nhà vua một chiếc nhẫn đơn sơ có khắc câu: “Cả điều này rồi cũng qua đi”. Điều này làm ta nhớ lại cuộc sống mình có những thời khắc thử thách dồn dập và cũng có lúc đầy tràn những may mắn và hạnh phúc, nhưng rồi cũng trôi qua, ta nhận ra có sự an bài dìu dắt của Thiên Chúa: “ơn Ta đủ cho con, Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó”. Chính niềm tin có sự sống đời sau đã thúc đẩy biết bao con người hiến thân phục vụ Chúa và anh em, họ từ bỏ của cải, chức tước, địa vị, tương lai tươi sáng… có cả các vị Thánh được tôn vinh, cả giáo dân bình thường lẫn những người sống đời tận hiến: sẵn sàng hiến thân và mất mạng vì Đức Ki tô.

Xin Chúa ban cho con lòng mến Chúa nồng nàn để con không phân bì với người hung ác, không ghen tị với người giàu sang, không buồn lòng khi Chúa không luôn ban cho con những điều con mong mỏi cầu xin. Dù điều gì xảy ra đi nữa, xin cho con luôn xác tín rằng : Chúa luôn có lý vì Chúa là người Cha tốt lành, Chúa chăm sóc con mỗi ngày và Chúa chờ con nơi Thiên Đàng, đó mới là nhà của con, nơi hạnh phúc tràn đầy. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét