Có thể đưa ra môt câu định nghĩa về người Ki tô hữu rằng: “Ki
tô hữu là người biết nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Có người sẽ phản bác, vì họ
cho rằng muốn trở thành Ki tô hữu thì phải có đức tin vào Chúa, phải gia nhập Hội
Thánh bằng nghi thức rửa tội, rồi phải giữ biết bao là điều răn – quan trọng nhất
là giới răn mến Chúa yêu người, phải tìm kiếm ý Chúa… Tất cả đều đúng, nhưng ở
đây chúng ta tìm hiểu thêm về câu định nghĩa trên cũng không thừa.
Rất nhiều lần Chúa Giê su đã nói đến việc thay đổi cuộc sống
theo lời Chúa dạy: “ Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy/ Kẻ nghe và giữ Lời
thì như người khôn xây nhà trên đá/ Ta không biết các ngươi, hỡi những kẻ làm
điều gian ác/ Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết
nơi Cha - thì Thầy đã cho các con biết/ Hãy sám hối vì nước trời đã gần bên/ Khốn
cho các ngươi hỡi Betsaida và Capharnaum, vì đã chứng kiến bao nhiêu phép lạ mà
không chịu hối cải/Ở đây (Chúa Giê su) còn hơn tiên tri Giona, còn hơn Salomon,
vậy mà các ngươi không chịu nghe lời khôn ngoan và không sám hối. Trên núi Tabor, Chúa Cha
tuyên phán: Đây là con ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người. Còn Mẹ Maria, trong
Tin Mừng, Mẹ chỉ dạy chúng ta một câu thôi: “Chúa bảo gì thì cứ làm theo”. Qua
những câu Kinh Thánh trên, ta thấy việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa rất
quan trọng: để khỏi lạc đường, để học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để trở
nên gần gũi và thân tộc với Chúa, và để Chúa đón nhận vào bàn tiệc nước trời.
Lời Chúa được đọc lên trong các cử hành Phụng vụ, nhất là còn
được linh mục giảng giải: hãy nghiền ngẫm và cố nhớ vài chi tiết để suy đi nghĩ
lại trong lòng, và nếu tốt hơn thì ghi vào máy tính hoặc sổ tay. Nếu người hay
sưu tầm thì ta có thể đọc trên các trang mạng, họ có những bài chia sẻ hằng
ngày, ta coppy vào trang Word và lưu theo thứ tự, để những năm sau, hoặc khi
trí khôn kém minh mẫn, những bài suy niệm này sẽ giúp cho tâm hồn thêm sức sống.
Có những người có thói quen đọc các bản văn Kinh Thánh theo thứ tự, từ Cựu Ước
đến Tân Ước, hoặc theo dõi Kinh Thánh 100 tuần của Đức Cha Khảm, hoặc một linh
mục nào đó trên youtube… những chương trình này sẽ cung cấp một lượng kiến thức
về Kinh Thánh, giúp ta hiểu Lời Chúa sâu sát hơn. Lời Chúa còn được Chúa Thánh
Thần làm cho vang vọng lại trong tâm hồn, khi tâm hồn có một sự thinh lặng cần
thiết, khi một biến cố vui buồn trong cuộc sống xảy đến và có một câu Lời Chúa
chợt đến trong tâm trí, rất thâm thúy và ngắn gọn, bổ dưỡng tâm hồn. Ai đó có một
lời khuyên “Bạn ăn gì thì sẽ ra như thế”: bạn ăn đồ bổ thì người sẽ mập ra, bạn
càng học hỏi lãnh vực nào thì sẽ có kiến thức phong phú ở lãnh vực đó, bạn
không học thì làm gì có kiến thức?
Thế nhưng, nhiều người không có thói quen đọc Lời Chúa cách
riêng tư, họ chỉ thỉnh thoảng nghe Lời khi đi lễ Chúa Nhật, hãy nghe Lời Chúa: “Hãy
để ý cách anh em nghe Lời Thiên Chúa, vì ai có thì được cho thêm, còn kẻ không
có thì bị lấy đi, ngay cả cái ít ỏi của nó”. Mẹ Ma ria được diễm phúc vì đã
sinh ra Chúa Giê su, nhưng còn diễm phúc hơn vì đã nghe, suy gẫm và thực hành Lời
Chúa. Bạn có hay quan sát bầy gà hoặc bầy chim sẻ ăn mồi không? – Chúng mổ liên
tục, giống như câu nói “năng nhặt, chặt bị” vậy. Khi lang thang trên mạng, chúng
ta giống như người đi chợ, thấy cái gì hay thì cất đi, sau này có lúc dùng đến,
như vậy mới hữu ích và sẽ có một số vốn kiến thức về những lãnh vực mình thích;
còn nếu đọc thấy hay mà không nhặt lấy và cất đi thì sau này tìm lại cũng vất vả.
Sự hiểu biết về Lời Chúa và tu đức cũng vậy, cần phải suy gẫm – cầu nguyện và học
hỏi … có vậy Lời Chúa mới dẫn đường cho mình và nâng đỡ niềm tin anh em: “mù có
thể dắt mù được chăng?”.
Và còn một chướng ngại nữa là chúng ta ngủ. Ngủ ở đây là thái
độ của người trốn chạy thực tế, tránh né trở về căn nhà nội tâm. Các môn đệ
thân tín của Chúa đã ngủ khi Chúa dẫn họ lên núi Tabor và trong vườn cây dầu,
hai biến cố liên quan đến cuộc khổ nạn. Chúng ta thường ngủ khi nghe bài giảng,
và thường tránh trở về căn nhà nội tâm bằng cách ‘động đạc’ quá nhiều, lo lắng
đủ thứ chuyện, nói liên lăng, đọc liên tục và nghe suốt ngày. Tôi lấy làm lạ tại
sao có những người vừa lao động vừa cắm tai nghe suốt ngày mà không bị điên. Ai
đó đã nói: người nói nhiều, cho dù nói toàn điều tốt, cũng là kẻ có tâm hồn trống
rỗng. Giữ tâm hồn an bình, giữ gìn sự thinh lặng nội tâm cũng là những điều kiện
cần thiết để Chúa có cơ hội ngỏ lời với ta.
Sống trong một xã hội đa chiều, cỏ lùng lẫn với lúa, ngụy biện
nhiều hơn chân lý, sói đội lốt chiên, kẻ thù ta là những kẻ chung sống với ta…
thì chỉ có Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường cho ta khỏi lạc lối. Đức Phanxico đã
nhiều lần phát Kinh Thánh bỏ túi (có lẽ là Tân Ước), ngài khuyên: người tín hữu
hãy tập thói quen đọc Kinh Thánh hằng ngày và những lúc rảnh rỗi, nếu đi đâu
(du lịch) mà quên Kinh Thánh thì hãy trở về nhà để lấy, giống như quên
smartphone vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét