Trong lãnh vực y học, khi nói về
cụm từ trên, người ta thường hiểu đó là căn bệnh HIV-AIDS hoặc là bệnh ung thư,
vừa thịnh hành vừa không có thuốc chữa. Tôi muốn dùng cụm từ trên cho một căn
bệnh tâm hồn, đó là bệnh ‘mất cảm thức về tội’.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2
đã từng nói: “Căn bệnh lớn nhất của thời đại chúng ta là mất cảm thức về tội”.
Thế nhưng hầu như chúng ta không để ý đến mức độ nguy hiểm của căn bệnh nầy và
không có những phương cách đối phó thích hợp. Căn bệnh nầy hoành hành ở phương
Tây đã đành mà nay nó đã lây lan sang tận đất nước VN chúng ta, một Giáo hội
rất siêng năng đi nhà thờ và nhiều lễ lạy hoành tráng.
Tình trạng ‘ hâm hâm dở dở’ về
đời sống đạo ở Tây Phương tương đối dễ hiểu, vì theo các nguồn thông tin cho
hay các tín hữu ít đến nhà thờ hằng tuần, họ bị ảnh hưởng nhiều bởi thuyết ‘tương
đối về luân lý’: những gì mà đa số công nhận, được quyết định bởi các thùng
phiếu và luật pháp thì điều đó là chấp nhận được. Bên cạnh đó, xã hội Tây
Phương là một xã hội nặng về hưởng thụ, đề cao tự do cá nhân, nên nhiều thành
viên Giáo hội đã sa vào tình trạng ly dị và tái hôn bất hợp pháp. Ở VN chúng
ta, hiện tượng thường xảy ra tại một số xứ đạo là tình trạng rước lễ đến
98,98%, và tòa giải tội thì vắng tanh, nếu linh mục có sẵn sàng ngồi tòa thì
cũng rất ít người đến, vì người ta quen với việc ‘xưng tội một năm ít là một
lần’. Đây không phải là một điều mừng, đừng tưởng đây là một cộng đoàn ‘các
thánh sống’, thực ra họ cũng mang những căn bệnh thế kỷ chẳng qua là không chịu
đi ‘khám bệnh định kỳ’, nên không biết mình có bệnh: lương tâm vẫn yên ổn, vẫn
rước lễ đều đặn. Nhưng kỳ thực, nhiều người trong cộng đoàn vẫn trộm cắp, làm
chứng gian, ngồi lê đôi mách, chia rẽ, ích kỷ…
Điều quan trọng là phải có những
phương sách để chấn chỉnh sự vô cảm tâm hồn nơi linh mục và giáo dân. Lời sách
Khải Huyền: “Ta trách ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu”. Tương quan giữa
Giáo hội với Chúa Kitô được sánh ví như tình yêu vợ chồng, phải có sự nồng thắm,
tế nhị và nhạy cảm. Người ta thường bảo tâm hồn trẻ em tựa như một tờ giấy
trắng, cái gì được viết lên trên đó thì sẽ còn mãi, tốt nhất là cố giữ cho tâm
hồn trẻ được trong trắng, đơn sơ và thật thà. Tâm hồn ta cũng vậy, chỉ cần vài
năm ‘hâm hâm’ thôi là đã đủ để nó chai lỳ và rất khó để hâm nóng lại. Điều
thường xảy ra là các linh mục thường bận rộn với đủ thứ công việc riêng mà coi
nhẹ vấn đề ngồi tòa, có vị đã nói với giáo dân rằng ‘ngoài những ngày giờ quy
định’ thì đừng ai đến xin xưng tội, thì đến lúc ngài muốn ngồi tòa cũng chẳng có mấy người đến: họ
đã khô như ngói cả rồi. Ai cũng nhận mình là kẻ tội lỗi, nhưng muốn kiếm ra tội
cụ thể để xưng tội lại là một điều khác: chẳng có tội gì đáng xưng cả! Vấn đề
không phải mình đã là thánh sống, nhưng vì lương tâm chai lỳ rồi nên chẳng có
gì đáng tội phải xưng cả: tội nặng lâu ngày thành tội nhẹ, tội nhẹ thì chẳng
phải xưng. Đúng là một cái vòng luẩn quẩn. Các linh mục phải huấn luyện lại
lương tâm cho giáo dân, cầu nguyện cho giáo dân và cổ võ giáo dân đến tòa giải
tội để được Chúa Giêsu chữa lành tâm hồn.
Còn nhớ chuyện ngày xưa, các linh
mục ít bận rộn chuyện xây cất và chuyện đi đây đi đó, giáo dân sống lơ thơ với
chuyện làm ăn, lai rai cả ngày có người lai vãng đến nhà xứ để chuyện trò hoặc
xin xưng tội, bất kể sáng trưa chiều tối. Nhưng ngày nay ai cũng bận rộn, giáo
dân ai có việc cần mới vào nhà xứ vì sợ phiền các cha, còn chuyện xưng tội thì
cấm kỵ rồi: đợi đã, lúc nào rảnh hãy xưng. Và thế là cơ hội ơn thánh đã qua đi.
Một người quen sống dơ bẩn thì sẽ không còn thấy khó chịu với sự dơ bẩn là vậy.
Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin cho chúng con biết chấn chỉnh lại cuộc sống : đừng quá mê mải sự đời mà
ngày Chúa đến gọi về với Ngài đến quá bất ngờ. Vì khi cửa tàu Noe đóng lại, lụt
hồng thủy ập đến thì tất cả đều mạng vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét