Cách đây 2000 năm, đất nước Do
Thái đang chịu sự đô hộ của đế quốc Roma, không có tự do quyết định vận mệnh của
mình và phải nộp thuế cho mẫu quốc. Người ta mong chờ đấng cứu thế đến để giải
phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Thế mà ‘vua người Do Thái’ lại hiện thân
trong một hài nhi bé nhỏ nơi hang bò lừa và một phạm nhân chịu án tử hình thập
giá.
Đó là một nghịch lý, và người Do
Thái không muốn chấp nhận một vị vua như thế. Khi các đạo sĩ đến Bêlem và đặt
câu hỏi: “Vua người Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu, chúng tôi đã nhìn thấy
ngôi sao của Người xuất hiện ở phương
đông và chúng tôi tìm đến thờ lạy Người ?”. Nghe đến đó thì toàn dân Giêrusalem
bối rối, họ tra cứu Kinh Thánh, và vua Hêrôđê đã ra lệnh giết các trẻ ở Bêlem từ
2 tuổi trở xuống. Trên thập giá Đức Giêsu, ông Philatô cho treo tấm bảng ghi
rằng: “Giêsu Nagiaret, vua người Do Thái” (INRI). Nhiều người khó chịu về tấm
bảng này, đã gặp Philatô xin ông sửa lại tấm bảng rằng ‘người nầy đã xưng mình
là vua dân Do Thái’, nhưng quan không chịu.
Các đạo sĩ phương đông và quan
Philatô là những người ngoại, nhưng lời họ thốt ra “vua người Do Thái” như một
lời tiên tri về một sự thật : Chúa Giêsu là vua của người Do Thái và của vũ
trụ. Chúa Giêsu đã thực hiện cách hoàn hảo công trình cứu chuộc, nhờ máu Người
đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và
muôn vật trên trời.
Các Kitô hữu không còn nghi ngờ
về vương quyền của Chúa Giêsu, nhưng để trở thành những con dân của vương quốc
nầy, chấp nhận luận lý của thập giá và của yêu thương thì không dễ tí nào, vì
nó trái ngược với luận lý của trần gian nầy: Các vua chúa trần gian nầy tích góp của cải,
quyền lực, hưởng thụ ; nhưng vua Giêsu lại tự hạ trở nên nhỏ bé, nghèo hèn, tha
thứ, chờ đợi, nhịn nhục, trần trụi và hiến thân mình vì nhân loại. Trong cuộc
sống thường ngày, ta dễ mất niềm tin khi chứng kiến sự độc ác vô đạo, nhất là
người đó lại là tín hữu Kitô, hãy cầu xin vua Giêsu thêm niềm tin cho mình.
Chúa dạy ta hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim câu. Và Chúa còn
nói rõ ràng về cách hành xử của người con cái Chúa : hãy yêu thương kẻ thù; hãy
làm điều tốt cho kẻ ghét ta ; chúc lành cho kẻ nguyền rủa ta ; cầu nguyện cho
kẻ bạc đãi ta (Lc 6. 27-28). Chúng ta vừa trải qua năm thánh lòng
thương xót (merciful), nghe đến nhàm tai
hai chữ ‘thương xót’, vậy hãy dùng từ khác dễ hiểu hơn : nhân ái, thương
người.
Quy
luật ứng xử của người con cái Chúa phải là lòng nhân ái, đức yêu thương. Đức
yêu thương là dây ràng buộc mọi điều hoàn thiện : không gây gương mù gương xấu,
không được nuôi lòng oán thù và coi kẻ khác hơn mình, sống hiền lành và khiêm
tốn. Để sống được như thế, Chúa Giêsu mời gọi ta “Hỡi những kẻ lao đao vất
vả, hãy đến với Ta và hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét