Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

CÒN GÌ KHÔNG BUÔNG XUỐNG ĐƯỢC ĐÂY ?


Một nhà doanh nghiệp rất nổi tiếng, cứ cách một đoạn thời gian, ông lại dẫn theo vợ con đến nơi hỏa táng để xem. Có người không hiểu, hỏi ông nguyên do. Ông nói rằng, chỉ cần đến nơi hỏa táng, cái tâm nóng nảy sẽ rất mau chóng an tĩnh lại, thấy danh lợi tiền tài thật nhẹ nhàng.
Ở nơi hỏa táng này, không kể bạn là quan to quý tộc quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách hay là một người dân bình thường, nghèo rớt mồng tơi, không ai biết đến, cuối cùng đều sẽ phải đến đây, chung một tư thế, lặng yên nằm xuống, sau đó bị đưa vào bên trong lò hỏa táng đang bốc cháy ngùn ngụt, khi trở ra lần nữa, thì chỉ là một chiếc hộp vuông nho nhỏ được bọc trong tấm vải đỏ.

- Khi đến chẳng mang theo thứ gì, khi đi chỉ như một làn khói. Đời người chính là đơn giản như vậy! Vinh hoa phú quý phút chốc thoáng qua, ân ái tình thù cũng chỉ như cát bụi.
Hôm nay sống trong một thế giới vật chất dục vọng tràn lan, bên cạnh chúng ta là đầy những cám dỗ mê hoặc: quyền lực, địa vị, tiền bạc, mỹ sắc…, hễ không cẩn thận, thì trong tâm sẽ dậy sóng. Nội tâm chúng ta vốn dĩ trong sáng, thuần tịnh, bình lặng sẽ trở nên ngông cuồng, ngạo mạn và tư lợi.

- Khi bạn cảm thấy hiện thực và lý tưởng có sự chênh lệch,
Khi bạn cảm thấy uất ức thương tâm, không có người hiểu bạn,
Khi bạn vì ân oán tình thù mà canh cánh trong lòng,
Khi bạn vì lợi ích được mất mà so đo tính toán,
Khi bạn khom lưng chau mày đối với quyền thế,
Khi bạn vì địa vị cao thấp mà mưu tính hại nhau…,  
sao bạn không đi đến nơi hỏa táng xem thử, đối diện với một nắm tro bụi, bạn còn có gì không buông xuống được đây?
 (Nguồn http://hoangfamily.biz/p29a2520/con-gi-khong-buong-xuong-duoc-day-)

Suy tư :
Tháng 11 hằng năm là tháng dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn nơi chốn luyện hình. Các Giáo xứ thường tổ chức những Thánh lễ nơi nghĩa trang để gần gũi với các phần mộ những người thân yêu đã đi trước, và đó cũng là dịp tốt để nghĩ về sự chết và sự sống đời sau.

Sự chết là định luật tất yếu của mọi người, không có luật trừ. Cuộc đời tuy vắn vỏi, nhưng lại là mầm gieo sự sống vĩnh cửu mai sau. Mỗi người sống mỗi cảnh và chết mỗi cách khác nhau, nhưng chết là một cách để trở thân xác trở thành tro bụi. Và tro bụi này mang nét riêng và hình hài cụ thể, chờ ngày được kết hiệp lại với linh hồn để hưởng phúc trường sinh.
Tôi nghĩ đến hai cái chết trong lịch sử Cứu Độ. Một là cái chết của Thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu. Kinh Thánh không nói gì về một câu nói hay về cái chết của Thánh Giuse, người ta cho rằng Ngài đã mất trong khoảng thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Thánh Giuse có lẽ chết vì bệnh, có Chúa Giêsu ở đó ...vậy tại sao Chúa không làm phép lạ? Thánh Giuse có chết êm ái hay vật vã vì đau đớn? - Không ai biết được, và điều đó có lẽ không quá quan trọng, nhưng điều chắc chắn là Thánh cả rất bình an như Ngài đã từng chấp nhận ý Chúa định liệu. Và cái chết vĩ đại nhất trong lịch sử cứu độ là cái chết của Chúa Giêsu : cái chết tự nguyện và hiến mạng vì bạn hữu, đánh bại thần chết để mở đường sống lại cho muôn người. Chúa đã dạy: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”(Ga 11,25).

Như vậy, người khôn ngoan và thành công trên đời này là người tin vào Chúa Giêsu. Cha PM. Cao Huy Hoàng nói : Người thành công nhất là người chết trong Chúa Kitô để được sống lại với Người (chết với tội để bước theo Chúa Kitô trong cuộc sống dương gian, cũng như chết trong tình trạng sẵn sàng của người sạch tội trọng). Đức Phanxicô nói: Nên thánh là ơn gọi dành cho mọi người. Thánh nhân không phải là những người làm được những điều to lớn cho Giáo hội và xã hội mà nhất là những người sống cuộc đời kitô trong đức tin và tình yêu tràn đầy qua cuộc sống đơn sơ và kín ẩn. Sự thánh thiện mà đôi khi không lộ hiện trong các công trình to lớn hay các thành công ngoại thường, nhưng biết sống một cách trung thành mỗi ngày các đòi hỏi của bí tích Rửa Tội. Một sự thánh thiện được làm bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu trung tín cho tới chỗ quên chính mình để tận hiến hoàn toàn cho các người khác, như cuộc sống của các bà mẹ, các người cha hy sinh cho gia đình, bằng cách biết sẵn sàng từ bỏ biết bao nhiêu điều, và biết bao dự tính hay các chương trình riêng, mặc dù đó không luôn luôn là điều dễ dàng (Bài giảng ngày 1.11.2016 trong chuyến tông du Thụy Điển).

Tháng cầu cho các linh hồn là dịp tốt để mỗi người nghĩ về sự chết của chính mình, nhờ đó định hướng lại lối sống và cách hành xử của mình. Hãy nghe vài câu nói tuy ngắn gọn nhưng là đúc kết cả một tư duy đầy triết lý sống “ Tôi coi mọi sự là thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu, Chúa tôi”. “Thành công lớn nhất trong đời người là nên thánh” (Thánh Phaolô và Thánh Gioan Phaolô 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét