Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Đấng Cứu Độ

 



Ngày kia, một linh mục đang giảng tuần đại phúc; vừa kết thúc, một người lạ đến gặp ngài và nói, “Tôi không thích cách cha nói về thập giá; thay vì nhấn mạnh sự chết của Chúa Giêsu, tốt hơn, cha nên rao giảng về một Chúa Giêsu, người thầy và là một gương mẫu”. Vị linh mục trả lời, “Nếu tôi trình bày Chúa Kitô theo cách đó, anh có sẵn lòng theo Ngài không?”; “Chắc chắn tôi sẽ theo Ngài”, người lạ nói không do dự. “Được”, vị linh mục nói, “Hãy làm bước đầu tiên, Chúa Giêsu không bao giờ phạm tội! Anh có thể khẳng định điều đó cho chính mình không?”. Người đàn ông bối rối và có phần ngạc nhiên, “Sao? Không!”, anh nói, “Tôi tội lỗi”. Vị linh mục trả lời, “Đó, vậy thì nhu cầu lớn nhất của anh là có một Đấng Cứu Độ chứ không phải một gương sáng!”.

Bạn và tôi, chúng ta tin và theo Chúa Giê su trước hết vì Người là Đấng Cứu Độ, và vế sau là chúng ta nhìn vào cách sống của Người để uốn nắn đời ta nên giống như Người. Trong những bài giảng đầu tiên của Thánh Phê rô, được ghi lại trong sách CVTĐ, có những lời rất xác tín về vai trò cứu độ của Chúa Giê su: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Vì chưng, ở dưới vòm trời này, không có Danh nào khác mang lại ơn cứu độ”. Có lẽ không ai trong chúng ta nghi ngờ về công trình cứu độ mà Chúa Giê su mang lại, chỉ có điều chúng ta không muốn nghe và nghĩ nhiều về thập giá, vì khó nghe và nặng nề cho cuộc sống, vì đòi buộc ta phải thay đổi đời mình. Ngày xưa, các môn đệ cũng không muốn nghe Chúa báo trước về thập giá: các ông ngủ, các ông không hiểu và không muốn hỏi lại, thật đáng buồn.

Một trong những sinh hoạt đạo đức của Mùa Chay là ngắm 15 sự Thương Khó Chúa Giê su. Đây là một việc đạo đức tốt đẹp đã có từ lâu đời (có lẽ do các cha thừa sai soạn cách đây chừng vài trăm năm), nhưng hình như ngày nay người trẻ và những người có một ít kiến thức về thần học và giáo lý không còn mặn mà với việc đạo đức này. Tôi thường tiếp xúc với các bạn trẻ từ giáo phận Vinh vào Nam để làm kinh tế, họ còn giữ được nếp sống đạo của mình: dù ở xa nhà thờ, thì trong mùa chay, họ tổ chức ngắm nguyện tại rãy, thậm chí còn ngâm nga một vài đoạn trong khi lao động. Những lời ngắm này là một cách cầu nguyện, nâng hồn ta hướng về Chúa Giê su, biết ơn Ngài đã chết vì yêu ta và xin cho mình ơn chừa bỏ tội lỗi.

 

Những người chê việc ngắm thương khó và ít tham dự thường đưa ra vài lý lẽ như sau: nhiều tình tiết không có trong Tin Mừng, từ ngữ cổ hủ quá, dài dòng, ngắm đi ngắm lại cũng chỉ có chừng ấy thứ. Tôi cũng từng có những lập luận như vậy, nên đã chọn vài hình thức khác như: Đọc các trình thuật Thương khó trong 4 sách Tin Mừng, đọc lại các bài suy niệm 14 chặng Thánh Giá…, nhưng rồi cũng không mấy hiệu quả và không giữ được đều đặn. Gần đây đọc được một lời nhắc nhở của Thánh Gioan Thánh Giá: “Đừng bỏ qua một ngày mà không dành nửa giờ, hoặc ít nhất là một khắc, để suy gẫm về cuộc khổ nạn đau buồn của Đấng Cứu Rỗi của bạn. Hãy liên lỉ ghi nhớ những nỗi thống khổ của một tình yêu bị đóng đinh vì bạn!”. Cũng khá lâu rồi, các giáo xứ không có dịp ngắm 14 Đàng Thánh Giá và đọc Kinh Cầu Chịu Nạn. Chúng ta muốn theo một Đức Ki tô mà không có thập giá, nhưng điều đó là không thể, vì Người là Đấng Cứu Độ và Người đã chọn con đường thập giá. Chúa mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.

 


Đã có một thời, một vài linh mục đã tổ chức ngắm nguyện theo bản văn mới cho hợp thời hơn, đúng Phúc Âm hơn… nhưng không mấy hiệu quả, vì người giáo dân đã quen với bản văn cũ, nên thôi. Tôi thấy bây giờ bản văn đang ngắm có sửa đôi chút cho dễ nghe, rất tốt. Ví dụ: Hỡi Gioan, “Mẹ Thầy là Mẹ con”, thay cho câu “Bà ấy là Mẹ mày”. Còn những tình tiết như cơ binh đánh đòn Chúa là 666 người, đánh mỏi tay và nhiệt tình mà Chúa lại không chết – mà còn ước ao chịu hơn nữa, 72 cái gai thì lọt vào óc… thì đó là những tình tiết thêm vào để cho dễ tưởng nghĩ, và xét cho cùng cũng chẳng trái Phúc Âm và chẳng lạc đạo! Thôi, đừng suy luận và bàn cãi mãi mà làm chi, cứ xét đến giá trị thực tiễn là việc nguyện ngắm bình dân này giúp cho lòng đạo mình tăng tiến là được rồi. Các nhà thần nhiệm họ có thể cầu nguyện cả tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn người bình dân thì chọn cách phù hợp với mình là được.

 

Khi một người vừa qua đời, những người đến thăm thường gặp gia chủ và nghe họ kể lại những việc xảy ra trong giai đoạn cuối đời và những lời trăn trối của người thân, có kẻ còn quay video để lưu giữ. Chúng ta không thể so sánh việc đó với những kỷ niệm về cuộc thương khó của Chúa Giê su, vì Ngài là Đấng Cứu Độ nhân loại, Ngài đã chết vì tội tôi: tôi có trách nhiệm trong cái chết của Ngài, tôi được trở thành con cái Thiên Chúa là nhờ Ngài. Còn một điều nữa phải nói đến: giai điệu tình yêu ưa thích sự lặp lại. Lý trí thường tìm cái mới mẻ - hiệu quả, nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó, và những hành động yêu thương cùng những lời nói yêu thương không trở nên nhàm chán, dù lặp lại mỗi ngày. Mỗi sáng, Chúa nói với mặt trời ‘hãy lặp lại lần nữa’ và mặt trời hé mọc ở phía Đông; một người mẹ nựng con trên đầu gối ưa thích sự nhún nhẩy của con được lặp lại lần nữa; một đôi vợ chồng mỗi sáng đền nặn kem đánh răng cho nhau; người vợ chuẩn bị cơm nước cho gia đình, người chồng vất vả trên nương rãy, biết bao cử chỉ vợ chồng và con cái chăm sóc nhau trong gia đình… đều là sự lặp lại mỗi ngày trong biết bao năm trời, nhưng mang âm điệu du dương vì là biểu hiện của tình yêu.

 

Chúng ta xác tín răng: Đức tin là hồng ân nhưng không của Chúa ban cho mình, mỗi ngày ta dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng hằng ngày, ta phải luôn cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho mình và những người thân thuộc nữa, để ta luôn bám chặt hơn vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi gian lao thử thách, biết nhìn lên thập giá Chúa để được thêm sức mạnh vì Chúa đã trải qua đau khổ và Chúa là Đấng Cứu Độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét