Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Mối tình tri kỷ

 



Ngày 30.4 lại đến một lần nữa, cũng là dịp tốt để suy nghĩ về mối tương quan của người Công giáo với tổ quốc.

Văn học Việt Nam có kể lại câu chuyện rất thú vị về tình bạn:

Lưu Bình là công tử nhà giàu có, cha mẹ mất đi để lại nhiều gia sản, suốt ngày rượu chè. Thấy Dương Lễ là người thật thà, chăm học, nhà lại nghèo. Cả hai kết tình huynh đệ, Lưu Bình nuôi cho Dương Lễ ăn học thi đỗ trạng nguyên. Về sau, Lưu Bình  ‘tàn gia bại sản’ tìm gặp Dương Lễ. Dương Lễ bảo người hầu đem cho Lưu Bình một chén cơm hẩm với một quả cà thiu. Lưu Bình phẫn uất ra đi… Trong khi đó, Dương Lễ ngầm sai Châu Long là vợ của  mình trả nghĩa cho Lưu Bình. Vì vậy mà Châu Long tìm gặp Lưu Bình, đính ước với Lưu Bình, nhưng ước hẹn là không thi đỗ thì không động phòng. Ngày vinh quy bái tổ về làng, không thấy Châu Long đâu, nhưng vì mối hận trong lòng, Lưu Bình tìm gặp Dương Lễ. Tại dinh đường của Dương Lễ, Lưu bình hiểu ra sự việc, tình bạn trở lại thắm thiết như xưa. Trong buổi tiệc hàn huyên của Lưu Bình và Dương Lễ có chén cơm hẩm và quả cà thiu nhắc lại câu chuyện ngày nào.




 Giáo hội Việt Nam (Dương Lễ), trong khi trung thành với Thiên Chúa thì đồng thời cũng tìm mọi cách để cho người bạn ‘dân tộc’ cũng tìm được hạnh phúc - sự thăng tiến về nhân bản, thịnh vượng và niềm tin…

 

Bức thư chung 1980 của HĐGM Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình của Giáo hội với đất nước sau ngày thống nhất:  đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo. Thư chung viết: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”.

            Xã hội trần thế nào cũng có những bất công, oan ức và thối nát cần phải chỉnh sửa để cho đồng bào được hạnh phúc hơn. Nhưng người ‘con Chúa’ có nhiệm vụ đến mức độ nào là khôn ngoan và đến mức nào thì không bị cáo buộc là ‘vô tâm – hèn nhát- đồng lõa’ với những bất toàn của xã hội trần thế? HĐGMVN luôn bị nhiều người phê phán là có một thái độ ‘im lặng’ dễ sợ trước những bất công của xã hội – nhằm đổi lại sự yên ổn và dễ dãi: một thái độ thỏa hiệp, làm ngơ trước những đau khổ và bất công của đồng bào mình… Trước những cáo buộc như thế, bản thân tôi cũng thấy hoang mang và một chút nào đó hổ thẹn: vì ‘im lặng là đồng lõa’; và sự dấn thân - phục vụ của chúng ta dường như chỉ nằm trong lý thuyết và ‘siêu thực’ với đồng bào mình? Thực tế thì HĐGMVN đã nhiều lần lên tiếng  bằng văn bản kiến nghị về quyền tư hữu, cho phép các tôn giáo được đóng góp phần của mình vào sự nghiệp giáo dục, y tế và điều hành các cơ sở từ thiện... nhưng sự chấp nhận của chính quyền xem ra còn hạn chế.

            Nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại gương sáng của Thầy chí Thánh Giêsu để có học bài học của Ngài: cả đời Ngài luôn bị dân chúng ‘ép’ phải làm chính trị! Biết bao lần họ định tôn Ngài làm vua, dân Do Thái luôn tưởng rằng Đấng Messia là vị lãnh tụ sẽ cứu họ thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc Roma. Vậy mà, Chúa sống âm thầm 30 năm, đi giảng 3 năm thì chỉ nói đến những mầu nhiệm nước trời và điều kiện để đạt ơn cứu rỗi, Chúa bị bắt và giết mà chẳng muốn ai dùng ‘gươm giáo’ để bảo vệ cả. Chúa còn bảo Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ bị chết vì gươm”. Có lần những người Biệt Phái và những người Saducêô cài bẫy Ngài, họ đưa ra câu hỏi: “Có nên nộp thuế cho Cêsar không?”; và Chúa đã đưa ra một nguyên tắc vàng: “Của Cêsar hãy trả cho Cêsar, của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. Người giáo dân được mời gọi tham gia chính trị như là một đòi buộc của đức bác ái, còn giáo sĩ thì không được tham gia đảng phái chính trị, nhưng thực tế lại thường ngược lại! Và một điều cũng thường xảy ra là người bạn Lưu Bình oán ghét Dương Lễ  đến độ phải bức bách và giết hại, vì bóng tối thường không thích ánh sáng. Câu nói của Chúa với ông Philato đáng cho ta suy gẫm: Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này

           Quê hương Việt Nam là một môi trường cụ thể để ta hành đạo và sống Đức Tin, quê hương đó có những người anh em xa gần để tôi thể hiện đức yêu thương, quê hương đó có những điều thuận lợi và không thuận lợi cho tôi sống đạo và tôi có nhiệm vụ góp phần xây dựng. Nhưng xét cho cùng xã hội nhân sự nào cũng chỉ là như chiếc áo ta khoác vào mình, nó không quan trọng cho bằng cái ‘hình hài thân xác’ của ta. Điều quan trọng hơn ta phải tìm kiếm là phần rỗi đời đời cho ta và anh em: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”.



Thư chung 1980 viết:  “Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

 - Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

 - Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc. Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em giáo dân rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (GH 31; MV 43). Nhờ anh chị em, Giáo Hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội Thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của tổ quốc”...Như vậy, dù sống trong xã hội nào thì nhiệm vụ của người Kitô hữu cũng là 'men trong bột' để giúp đồng loại mình đạt được ơn cứu rỗi.

            Dương Lễ là một người bạn tri kỷ và hành động ‘thấu tình đạt lý’, nhưng có lúc cũng phải mang tiếng là vô ơn – dù trong thâm tâm và trong hành động đã đành chấp nhận để vợ  mình hy sinh giúp đỡ bạn cho đến thành đạt. Quả thật, mặc chiếc áo nào cho hợp người – hợp cảnh, phục vụ quê hương đồng bào thế nào mà vẫn không đánh mất căn tính của mình…luôn là những vấn đề đòi ta phải tư duy và thao thức mỗi ngày.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét