Khi
Chúa Giêsu chảy mồ hôi máu ở vườn Giết-sê-ma-ni, Ngài đã xin Chúa Cha cất chén
đắng này, chủ yếu Người không chùn bước trước viễn cảnh đau đớn thể xác tàn bạo. Người chùn bước trước viễn cảnh một kiểu đau đớn
cụ thể, mà thông thường đa số sợ hơn là nỗi đau thể xác. Khi Người hỏi Chúa Cha liệu có nhất thiết
phải chết theo cách đó hay không, là Người không ám chỉ đến án tử
hình.
Hình
phạt đóng đinh trên thập giá do người La Mã chế ra có thêm một ý định khác. Nó ấn định một án tử hình, giết một tội
phạm, nhưng ngoài ra nó còn mục đích làm một số điều khác nữa.
Hình
phạt đóng đinh trên thập giá nhằm gây ra nỗi
đau thể xác cùng cực. Vì vậy, người ta cố tình kéo dài quá
trình này trong nhiều giờ đồng hồ và họ tính toán cẩn thận để cường độ đau đớn
tăng dần nhưng không làm cho tội phạm bất tỉnh để dịu cơn đau khi bị đóng đinh.
Thực tế, đôi khi
họ còn cho tội nhân uống rượu vang có trộn moóc-phin, không phải để làm dịu cơn
đau, mà để không ngất xỉu vì quá đau, và như vậy họ phải tiếp tục chịu đựng cơn
đau đớn đó lâu hơn.
Nhưng
hình phạt đóng đinh trên thập giá còn có một ý định khác nữa, thậm chí còn ác độc
hơn. Đó là nhằm sỉ nhục tội nhân. Ngoài những chuyện khác, tội nhân còn bị
lột truồng trước khi bị treo lên thập giá, để bộ phận sinh dục phơi ra trước
dân chúng. Còn nữa, vào giây phút lìa đời, ruột gan của họ sẽ
bung ra. Rõ ràng hình phạt
đóng đinh trên thập giá nhằm hạ nhục.
Chúng
ta xưa nay có xu hướng xem nhẹ khía cạnh này, cả trong giáo huấn lẫn trong nghệ
thuật. Như Jurgens
Moltmann nói, chúng ta đã trang trí cây thập giá với toàn hoa hồng, toàn những
tấm khăn choàng thẩm mỹ và vô trùng. Nhưng trường hợp của chúa Giê-su không
phải như vậy. Người bị lột truồng
trước công chúng, thân thể người bị hạ nhục trước dân chúng. Điều đó, bên cạnh những điều khác, là lý do hình
phạt đóng đinh trên thập giá đã giáng một đòn chí mạng đối với các môn đệ và là
lý do tại sao đa số các môn đệ bỏ Chúa Giêsu và phân tán khắp nơi sau sự kiện
Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Đơn giản các môn đệ này không thấy có mối liên
hệ nào giữa kiểu hạ nhục này với vinh quang, thần thánh và chiến thắng.
Một
điểm thú vị là có một tương đồng rõ rệt giữa hình phạt đóng đinh trên thập giá
gây ra cho cơ thể và những gì mà bản chất tự nhiên làm đối với cơ thể qua tuổi
tác, bệnh ung thư, bệnh mất trí nhớ, AIDS, những căn bệnh như Parkinson, Lou
Gehrig, Huntington, và những chứng bệnh khác làm hạ thấp con người trước khi cơ
thể chết. Chúng phơi bày ra trước mắt mọi người những gì dễ tổn
thương nhất bên trong con người. Chúng hạ nhục thân thể.
Tại
sao vậy? Đâu là mối liên
hệ giữa loại đau đớn này và vinh quang ngày Chuá nhật Phục Sinh? Tại sao, như Phúc âm nói, “trước hết phải
chịu đau đớn mới vào vinh quang?”
Bởi
vì, điều trớ trêu là, phải chịu bị nhục sâu thẳm nào đó tâm hồn mới có một tầm
mức sâu sắc. Bằng cách nào,
và tại sao như vậy? Không dễ dàng gì
để biện giải một cách duy lý, nhưng chúng ta có thể hiểu được điều này thông
qua trải nghiệm:
Hãy
dũng cảm và trung thực tự đặt cho mình câu hỏi này: Những trải nghiệm nào trong
cuộc đời đã làm cho tôi thành chín chắn? Tôi dám nói rằng, trong hầu hết mọi trường
hợp, những trải nghiệm làm bạn trở nên sâu sắc sẽ là những sự cố bạn cảm thấy bị
nhục khi phải chấp nhận nó, một bất lực mà bạn không tự bảo vệ mình, một phỉ
báng mà bạn không thể tự bào chữa, một lệch lạc của cơ thể hay trí óc đã khiến
bạn bị tổn thương, một vụ việc tủi hổ từng xảy đến với bạn, hay một lỗi lầm nào
đó bạn đã phạm và bị phơi bày ra trước mắt mọi người các mặt yếu của bạn. Tất cả chúng ta, giống như chúa Giê-su,
cách này cách khác, đều đã từng bị treo lên thập giá và bị hạ nhục trước công
chúng. Và bị hạ nhục ở
mức độ nào thì chúng ta trở nên sâu sắc chính ở mức độ ấy.
Nhưng
sự sâu sắc của tâm hồn lại theo nhiều cách khác nhau. Sự sỉ nhục làm chúng ta sâu sắc, nhưng
chúng ta có thể sâu sắc hơn về tính cách, về hiểu biết, về lòng độ lượng, vị
tha, hay chúng ta cũng có thể phẫn uất, cay đắng, tìm cách trả thù và sát hại
sâu sắc hơn. Hình phạt đóng đinh trên thập giá của Chúa
Giê-su đã làm trái tim của Chúa giãn nở hơn, nhưng giãn nở trong niềm thương cảm,
rộng lượng và vị tha. Không phải ai
cũng vậy. Nhiều trong số
những kẻ sát nhân hàng loạt cũng từng chịu sỉ nhục sâu sắc và điều đó cũng làm
cho trái tim họ giãn nở ra nhưng trừ một điều là trong trường hợp của họ, sự sỉ
nhục đã khiến họ sâu sắc hơn trong nỗi cay đắng, độc ác, và sát nhân.
Cách
đây vài năm, tôi tham dự một khóa hội thảo hè ở Viện Đại học Notre Dame, nơi cộng
đoàn Thánh Giá họp lại để làm lễ phong thánh cho vị sáng lập dòng. Suy tư về linh đạo của người sáng lập, một
thành viên của cộng đoàn Thánh Giá đã đưa ra thách thức này cho cộng đoàn của
anh: Nếu anh sống trong bất kỳ một gia đình nào, sau bất kỳ một khoảng thời
gian nào, đến một lúc nào đó, gia đình đó sẽ làm anh tổn thương, và làm anh tổn
thương sâu sắc. Nhưng, đây chính là điều quan trọng, cái cách
mà anh xử sự với vết thương đó, một cách cay đắng hay với lòng vị tha, nó sẽ
quyết định suốt cả phần đời sau đó của anh!
Khi
bị phạt đóng đinh trên thập giá, Chúa Giê-su bị hạ nhục, bị phỉ báng, bị đối xử
tàn nhẫn. Nỗi đau này đã
làm giãn trái tim Người ra một chiều sâu lớn lao. Nhưng khoảng không gian mới giãn ra đó
không chứa nỗi cay đắng và phẫn uất. Nó chứa đầy lòng thương cảm và vị tha
sâu sắc mà chúng ta vẫn chưa thể nào hiểu được trọn vẹn.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét