Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Chúa Phục Sinh

 



Có lẽ không một Ki tô hữu nào mà lại không tin rằng Chúa đã phục sinh, vì nếu Chúa không phục sinh thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết, như lời Thánh Phaolo nói. Nhưng điều quan trọng là ta phải sống niềm tin đó như thế nào, vì quả thật thế gian sẽ dùng mọi cách để thử thách xem điều đó có thật hay không.

Nói về Chúa Phục Sinh, có hai điều phải bàn tới, thứ nhất là gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thứ hai là làm chứng cho Ngài. Theo các Tin Mừng khác thì các môn đệ còn tụ họp ở căn phòng tiệc ly một thời gian khá lâu rồi mới di chuyển về Galilee để chứng kiến Chúa lên trời, nhưng trình thuật của Tin Mừng Mattheu lại nhấn mạnh đến sứ điệp ‘Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Galilee’. Galilee là vùng buôn bán thương mại sầm uất, pha tạp nhiều sắc dân, tiếp giáp với vùng Samaria và miền thập tỉnh của dân ngoại. Điều này nhắc nhở cho ta rằng: để gặp gỡ Chúa Phục Sinh, chúng ta phải ra khỏi nhà mình và mở lòng mình – gặp gỡ tha nhân, chính lúc đó Chúa Phục Sinh tỏ mình cho chúng ta. Ưu tiên phải gặp gỡ ai?- Những người thân trong gia đình là những người sống bên cạnh ta, nhưng ta có hiểu tâm tư và nguyện vọng của họ không; những người đau bệnh và bất hạnh trong cuộc sống, đang cần một lời động viên và một cuộc gặp thể hiện tình liên đới; những người ta không mấy thiện cảm và đang có mối bất đồng nào đó. Hãy đi ra khỏi nhà mình, hãy đưa một bàn tay mình ra và hãy nở một nụ cười với nhau, ta sẽ thấy ẩn hiện đâu đó khuôn mặt của Đấng Phục Sinh, vì Ngài đang sống giữa chúng ta – có điều là Ngài cải trang nên ta khó nhận ra Ngài.

Đức Phanxico mời gọi chúng ta phải thể hiện niềm vui Tin Mừng, không phải là đeo mặt nạ với niềm vui giả tạo rằng mình đang hạnh phúc, nhưng với niềm hạnh phúc vì mình được yêu thương, có Chúa là người Cha tốt lành, Chúa đồng hành và cứu ta khỏi cái chết của tội; niềm vui của kẻ biết rõ về số phận mình, cả hiện tại và tương lai. Cũng thế, chúng ta thể hiện niềm tin vào Chúa Phục Sinh bằng niềm vui sống, chính niềm vui sẽ lôi cuốn kẻ khác tìm được Chúa, chứ không phải là lời rao giảng bằng lý thuyết của những người mang vẻ mặt ‘đưa đám và của chiều thứ Sáu tử nạn’. Đức Bê nê dic tô 16 nói: Giáo hội phát triển không nhờ sự cải đạo, nhưng bởi sự hấp dẫn.

Có câu chuyện kể về một nữ tù nhân trong một trại giam, vào ngày lễ Phục sinh, đã hô lớn tiếng: “Chúa đã phục sinh! Chúa đã phục sinh”. Tiếng hô vang của cô đã làm bừng tỉnh nhiều tù nhân, là một niềm hy vọng đầy sức sống đã lóe sáng ở nơi đầy tủi nhuc này, là một sự dũng cảm trong một trại giam rất hà khắc với những biểu hiện của tôn giáo. Sau một lát im lặng nặng nề trôi qua, những người quản giáo xuất hiện, họ túm lấy cô gái – kẻ đã hô điều ‘nhảm nhí’ và lôi đi. Cô biến mất trong 2 ngày, sau đó được trả về trong tình trạng rất tệ, có điều lạ là khuôn mặt cô vẫn tươi tỉnh, cô mỉm cười nói: “Em đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh”.

Đừng chờ những cơ hội đặc biệt để tuyên xưng niềm tin vào Chúa Phục Sinh, vì đa số chúng ta chỉ có những cơ hội bình thường để làm chứng cho niềm tin của mình. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói với chúng ta: “Ở nguồn gốc của việcm một Kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định”. Nếu theo đạo chỉ là một lý tưởng sống hoàn hảo, nó sẽ bị chao đảo bởi muôn vàn thách đố, sự lo âu sẽ vùi dập ta bất cứ lúc nào. Thế nhưng, Đức Giê su Phục Sinh là một con người thực sự, vì Ngài không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian – thế nên Ngài có thể luôn ở bên cạnh tôi và yêu thương tôi. Với niềm xác tín rằng ‘mình không cô đơn và mình được yêu thương, chúng ta mới luôn có được niềm vui, ngay cả trong gian lao thử thách của cuộc sống.



Nếu nói rằng Chúa đã phục sinh, chúng ta dễ cho rằng đây là một điều đã xảy ra trong quá khứ cách đây hơn 2000 năm, nhưng đúng hơn chúng ta phải hiểu thêm rằng Chúa Phục Sinh đang hiện diện bên cạnh tôi và cư ngụ ngay trong lòng tôi: Ngài đang đồng hành với từng người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Rick Warren nói: “Nụ cười của Thiên Chúa là mục đích cuộc đời bạn, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của đời bạn là khám phá cách làm Thiên Chúa vui lòng”. Không phải Chúa chỉ vui lòng khi bạn vào nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, giảng dạy… mà ngay cả những việc như ăn ngủ, nhìn ngắm, làm việc, vui đùa …cũng làm vui lòng Chúa khi bạn sống dưới con mắt Ngài và sống trong tâm tình ngợi khen.

Chúa Giê su Phục sinh luôn chủ động trong các lần gặp gỡ các môn đệ, Ngài chữa lành những vết thương lòng nơi họ, ban cho họ sự bình an của Chúa, và rồi ban sức mạnh Thánh Thần để họ lên đường loan báo Tin Mừng. Chính Chúa chủ động tìm kiếm từng người chúng ta để yêu ta thật nhiều, như cánh tay giang rộng trên Thập Giá đã diễn tả, để rồi Ngài thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn từng ngày Chúa ban tặng, trong ước vọng mãnh liệt là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét