Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Tâm tình ngày Lễ Lá

 



Ngày lễ Lá khởi đầu cho tuần Thánh, kỷ niệm cuộc thương khó và sự phục sinh vinh quang của Con Thiên Chúa làm người, là trọng tâm cho những biến cố cứu độ mà Chúa Giê su đã thực hiện vì yêu thương con người. Để có thêm tâm tình cho tuần Thánh, tôi xin ghi lại vài suy tư về cuộc Thương Khó của Chúa Giê su.

Trước hết, là suy tư của một nhà tu đức. Năm 2004, phim về cuộc khổ nạn của Chúa Giê su được trình chiếu (đạo diễn Mel Gibson), nhiều người khen ngợi, nhưng một số nhà tu đức lại lên tiếng: Các sách Phúc Âm không diễn tả nhiều về những đau đớn thể xác, điều đó muốn nói rằng trọng tâm của cuộc thương khó Chúa Giê su là một thảm kịch tinh thần, là sự từ chối và phản bội của một tình yêu. Điều đáng lưu ý là câu chuyện xảy ra trong một khu vườn, nơi thường dành cho những kẻ đang yêu, là nơi Chúa và các môn đệ trải qua những giây phút hiến dâng mạng sống vì tình yêu, vì sau đó là Chúa bị bắt và cuộc thương khó khởi đầu. Thú thực, tôi cũng không thể xem hết bộ phim này vì thấy quá sức chịu đựng và máu me nhiều quá, dù biết rằng đạo diễn đã nghiên cứu cẩn thận những tình tiết xảy ra được ghi lại trong các sách Tin Mừng và đã nghiên cứu lịch sử thời đó. Chúng ta cần nhìn lên Thập Giá Chúa Ki tô để cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình, tìm thấy sức mạnh vì Chúa Giê su đồng cảm với mình, và ăn năn hối lỗi để đáp đền công ơn cứu độ mà Chúa tặng ban cho mình.

Suy tư 2: Đau khổ của Chúa Giê su có giá trị vô biên vì là của Con Thiên Chúa. Từ khi loài người sa ngã, mức độ sa đọa không ngừng gia tăng và không loại trừ bất cứ một ai trong loài người, nên có thể nói tội xúc phạm đến Thiên Chúa là một gánh nặng quá mức, đến nỗi không một ai trong loài người – dù thánh thiện và có công trạng đến mấy, mà có thể tự cứu mình và cứu được ai khác. Vì thế, Con Thiên Chúa đã làm người để cứu độ nhân loại khỏi án phạt của tội lỗi. Chúa Giê su có hai bản tính là thiên tính và nhân tính, thiên tính là chủ thể chịu trách nhiệm mọi hoạt động của Ngài, nên giá máu cứu độ Ngài đổ ra có một giá trị tuyệt đối. Để so sánh, chúng ta nghĩ đến biết bao người bị tù đày hành hạ oan ức vài chục năm trời, những bệnh nhân trải qua những bệnh tật đau đớn, những người bị chết đói hay bị bạo lực bất công… nhưng giá máu của họ cũng chỉ là hữu hạn, chỉ là một phần đóng góp nhỏ vào Thập Giá Thánh của Chúa Ki tô



Suy tư 3: Không phải là xui xẻo và tình cờ mà vụ án Chúa Giê su đã xảy ra. Từ khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã có một chương trình cứu chuộc nhân loại. Chúa đã chuẩn bị một dân riêng, đã liên tục giáo dục họ bằng các biến cố lịch sử và bằng Kinh Thánh để chuẩn bị cho Đấng Messia xuất hiện, và khi đến hồi viên mãn thì Ngôi Hai đã làm người và thực hiện chương trình như Cha đã hoạch định từ trước. Giáo Hội dạy: Đừng quy trách nhiệm cho người Do Thái hay bất cứ nhân vật nào được ghi tên trong các trình thuật thương khó, mỗi người được sinh ra trên trần gian đều là tác giả và tác viên, chính bạn cùng với chúng tôi đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi (SGLHTCG 598).

Suy tư 4: Đừng trách Philato, Giu đa, và đặc biệt là ông Phê rô là hèn nhát vì dù đã được cảnh báo trước mà còn chối Thầy đến 3 lần trước đứa đầy tớ gái! Vì dù sao, ông Phê rô đã dũng cảm nên xách gươm ra chém đứt tai một người và sau đó cứ lẽo đẽo theo Thầy vào nơi nguy hiểm, trong lúc các môn đệ khác đã trốn hết, còn ông Gio an thì có quen biết với vị Thượng Tế nên đi lại thoải mái hơn. Từ trước đến nay, chúng ta thường chê trách ông Phê rô là hèn nhát mà quên mất rằng tất cả các môn đệ đã bỏ trốn hết, có lẽ đó là đáp án thường tình của đa số người trong chúng ta. Hãy học nơi ông Phê rô, một tình yêu dũng cảm – không nỡ bỏ rơi Thầy – biết khóc than vì tội mình và sau nầy chính ông đã củng cố đức tin anh em mình, như Lời Thầy gửi gắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét