(Ngày 25/4 hằng năm là lễ kính Thánh Macco, Thánh sử và là
Quan Thầy của Ban Truyền Thông Vinh Hương, Xin ghi lại vài lưu niệm đạo đức về
công tác truyền thông).
Rao truyền Tin Mừng cho muôn dân là một lệnh truyền của Chúa
Giê su và cũng là một đòi hỏi của ơn gọi làm Ki tô hữu. Việc rao giảng này được
thực hiện bằng nhiều cách như: cầu nguyện cho việc truyền giáo, rao giảng Lời
Chúa, trao đổi chuyện trò, dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như truyền
thanh – truyền hình-web…Ở khuôn khổ bài viết này, chúng ta chỉ nói đến vài tâm
tình để hiểu nỗi lòng của những nhà truyền thông Công giáo, cụ thể trong lãnh vực
web.
Vì đời tằm phải nhả tơ. Phải thừa nhận rằng viết lách là một
việc khó, khó vì việc sắp chữ đã đành mà nội dung truyền đạt còn khó hơn, vì
người ta không thể cho đi cái mình không có và điều viết ra cũng phải mới lạ một
chút. Cha cố Phaolo khi nói về trang Web Vinh Hương đã dùng hình ảnh mỗi cộng
tác viên là một ‘bà bếp’, thật dễ hiểu là bà bếp phải chuẩn bị nguyên vật liệu,
phải xào nấu, thêm gia vị… thế là mâm cơm gia đình có những món ăn ngon và rất
khác nhau. Trong hình ảnh ví von này đã nói lên quá trình thâu nạp kiến thức đạo
đời, suy tư cầu nguyện, bỏ thời giờ viết ra giấy những cảm nghiệm của riêng
mình, và dĩ nhiên cũng có sự vui mừng khi nhìn thấy thành quả của công việc.
Nhiều người rất muốn viết những cảm xúc trong lòng nhưng cứ hẹn mãi đến lúc nào
đó thuận tiện! Thật ra, nhiều người ngại viết vì sợ phơi ruột mình cho người
khác xem và vì sợ lòi cái dốt của mình. Chẳng ai hoàn hảo cả và chẳng ai giỏi cả
về chữ lẫn kiến thức cả, tất cả chỉ là nỗ lực và chỉ muốn làm vui lòng Chúa
thôi: Chúa ban cho ai đó khả năng để viết lách thì người đó làm vui lòng Ngài
khi viết lách, nhưng hãy luôn xin Chúa giữ gìn mình trong sự khiêm tốn, kẻo luống
công vô ích.
Thu nhập và lợi ích. Có lần tôi gặp chị Thược (Rip), vừa là
nhà truyền thông giáo phận BMT vừa viết cả báo đời, báo đời thì có thù lao; tôi
hỏi chị ấy: thù lao của những bài báo có nhiều không? – Chị ta mỉm cười: “Có ai
giàu nhờ viết báo đâu!”. Điều này rất đúng, nhất là với những nhà truyền thông
Công giáo. Việc chăm sóc các trang Web Giáo phận hay Giáo xứ, nhìn bề ngoài thì
rất hấp dẫn, nhưng với năm tháng thì đây là một gánh nặng thực sự, nên khó tìm
người cộng tác là vậy. Có anh bạn làm việc ở trang Web gpbanmethuot, gia cảnh
thì nghèo, vậy mà cứ phải đi đây đi đó suốt – có những chuyến đi xa và có ngày
phải đi 3-4 lễ để ghi hình và viết bài. Nói vậy để chúng ta có sự cảm thông,
nhưng đừng sợ, vì chính Chúa sẽ lo liệu cho ta khi ta lo cho công việc nhà Chúa.
Chỉ sợ tâm mình không sáng thôi: khi tôi làm việc để tìm kiếm tiếng khen của
người đời, thì họ đã trả công trọn vẹn cho tôi rồi. Ai đó có nói: khi bạn trình
bày cho người khác một vấn đề gì đó thì bạn đã sắp xếp đầu óc bạn nên rõ ràng
hơn, chính người viết lách được hưởng lợi trước hết.
Công việc của Thần Khí. Bạn đừng tưởng chỉ có các tác giả
Sách Thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng – gọi là được linh hứng, mà cả chúng
ta khi đọc Kinh Thánh, khi cố gắng truyền
đạt những cảm nghiệm Tin Mừng, khi làm bất cứ việc gì … đều được Chúa Thánh Thần
soi sáng. Bới vậy, mỗi ngày khi thức giấc, khi khởi sự một công việc, khi muốn
cầu nguyện cho ai đó, khi muốn viết lách…chúng ta đều kêu cầu ơn soi sáng cho
biết việc phải làm và xin Chúa giúp mình hoàn thành. Việc viết lách trên Web chỉ
có hiệu quả cho người viết và cho người đọc khi có sự tác động của Chúa Thánh
Thần, tự bản thân người viết trên Web cũng có nhiều hạn chế và cũng chẳng có
kinh nghiệm nhiều về những cuộc gặp gỡ với Đấng Vô Hình, nhưng với chút nỗ lực
của mình - cộng với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần - cùng với tác động của Ngài
nơi người đọc, sẽ nảy sinh những hoa trái Chúa muốn. Có lẽ nhà truyền thông
Công giáo nào cũng phải nhận ra sự thật này: chỉ khi mình khiêm tốn thì Chúa mới soi sáng và đổ ơn xuống, vì Thần Khí được ví như gió muốn thổi đâu thì thổi.
Trong Phật giáo, việc Đức Phật tìm được con đường giác ngộ được
biểu hiện bằng việc ngài dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, nhưng chúng sinh không
chỉ nhìn về mặt trăng mà còn nhìn về ngón tay của người chỉ nữa. Đó cũng là một
hình ảnh cho một nhà truyền thông Công Giáo: Điều chúng ta viết ra sẽ được người
khác đối chiếu với cuộc sống của chính tác giả. Người viết không phải là thầy dạy
mà cùng là học trò như những người đọc, họ cùng có chung một người Thầy là Đức
Kitô và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì lý do đó đôi khi nhiều người
viết thường dùng danh xưng ‘bạn’ với độc giả, cho dù tuổi tác có chênh lệch thì
chúng ta vẫn là những người bạn đồng hành trên con đường nên thánh và trên hành
trình dương gian. Một câu chuyện khác nói về một nhà truyền giáo ở Ấn Độ: vị
truyền giáo nỗ lực rao giảng Tin Mừng trong một thời gian khá dài, nhưng xem chừng
kết quả rất khiêm tốn;một tín đồ Ấn giáo mới nói với nhà truyền giáo: “Ông sẽ
không thuyết phục được ai, nếu ông không trở nên một ‘linh sư’ như các linh sư trong Ấn
giáo, linh sư là người chỉ vẽ một cách cụ thể cách bước đi trên con đường trọn
lành. Nhà truyền thông cho giới bình dân thì đừng nói nhiều về lý thuyết thần học,
trích hết các tông huấn và giáo luật, mà tốt hơn nên nói về những đề tài mà chỉ
có những người ‘ở giữa quần chúng’ mới cảm nghiệm được, nhưng biết hướng những
câu chuyện đời thường đó về điều tốt lành và phù hợp với Phúc Âm.
Cơ thể con người sống được là nhờ hai phách của tim và phổi:
thu máu dơ về lọc – phát máu lành để nuôi; hít khí lành vào - thải khí dơ ra.
Đó cũng là những phách của công tác truyền thông: biết ra đi lượm lặt tin tức,
sàng lọc và nghiền ngẫm, để rồi truyền đi những sứ điệp nâng đỡ đức tin của anh
em mình. Chúa khen người quản lý khôn ngoan biết lợi dụng những thứ cũ và mới
trong kho của mình: nhà truyền thông giỏi biết lợi dụng tin tức thời sự trong
nước và quốc tế, biết nạp vào trí mình những kiến thức giáo lý và thời sự Giáo
Hội, biết thanh luyện con tim mình khỏi những tham sân si và những bận tâm vô bổ,
và nhất là biết củng cố mối liên lạc thân tình với Chúa Giê su… có vậy mới nói
ra điều Chúa muốn, mới trở thành cây viết chì dễ bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét