Một trong những ứng dụng công nghệ thông minh của thế giới hiện
đại là hệ thống dẫn đường GPS. Để hệ thống này hoạt động, chúng ta cần xác định
điểm đến cho nó. Hệ thống này có hai đặc tính dễ nhận thấy: nó biết chúng ta
đang ở đâu và dù ta có đi sai hướng dẫn thì nó vẫn không cằn nhằn một tiếng –
mà vẫn tiếp tục hướng dẫn ta từ vị trí mới - hướng về đích.
Hai đặc tính này làm ta liên tưởng đến hệ thống ‘GPS Giê su’.
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can từng người và cả vũ trụ, là Đấng quyền
năng nên Ngài có thể làm mọi sự, là Đấng Tình yêu nên Ngài quan tâm đến từng
chi tiết cuộc đời ta và yêu từng người một cách cá biệt; Thiên Chúa không loại
bỏ một ai, nhưng ôm vào lòng kẻ thống hối trở về. Hệ thống dẫn đường Giê su ưu
việt ở chỗ là nó phủ sóng đến toàn cầu, toàn vũ trụ và bao trùm hết lịch sử
nhân loại; hệ thống này không thể sai lầm, không dẫn con người đi vào ngõ cụt
mà dẫn ta đến tận quê trời. Hệ thống ‘GPS Giê su’ còn có tên gọi khác là ‘con
đường tình yêu’: con đường này đã có từ ngàn xưa, có một thời đã bị ách tắc,
Con Thiên Chúa đã khai thông lại và nâng cấp thành xa lộ - thẳng tiến về quê trời.
Ai đó đã từng có một câu chuyện tưởng tượng: Có một vụ hỏa hoạn
xảy ra khắp địa cầu, mọi cuốn sách Kinh Thánh đều bị thiêu ra tro, chỉ trừ một
cuốn bị cháy dở - sót lại một trang, ngay cả trang này cũng chỉ sót lại vài
dòng, có đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban cho họ
Người Con Một, để ai tin vào Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời”,
thì chừng ấy cũng quá đủ! Câu chuyện trên làm nổi bật những chân lý nền tảng của
đạo Ki tô: Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê su là Đấng Cứu Độ,phải tin vào Ngài mới có sự sống, có sự sống đời đời.
Dù sống bậc sống nào, trong môi trường nào, tính khí nào thì
mỗi người đều có chung một cơn cám dỗ có tên là quy ngã: yêu mình quá, ích kỷ,
tự cao tự đại; diễn tả cách khác thì mỗi người chúng ta đều có những thách đố
phải vượt qua để sống yêu thương anh em như Thiên Chúa dạy, như mẫu gương của
Chúa Giê su. Một điều luôn ám ảnh tâm hồn con người cho đến chết đó là tôi
không thể tha thứ hoàn toàn cho người khác như Chúa muốn, và đó là sự yếu đuối
bất toàn của con người. Ngay cả các kẻ tu trì cũng cảm nhận sự oán giận luôn tồn
tại trong thẳm sâu tâm hồn mình, dù mình muốn chối bỏ và trấn áp nó. Có một vị
giảng phòng nói với các tu sĩ: chúng ta thường trấn áp các cơn cám dỗ về tình dục
và sự oán giận, không ai muốn thừa nhận những cám dỗ này tồn tại trong tâm hồn
mình, thế nhưng có thực sự bạn đã dập tắt được mọi tia lửa của oán giận? Đành rằng
bạn có thể không giận ghét một ai hết, nhưng vẫn có những người mình không
thích gặp,không ưa, không mến và không kính trọng – thay vào đó là sự coi thường
và yên trí nào đó.
Muốn biết bạn còn oán giận hay không thì rất dễ! Đêm ngủ, thỉnh
thoảng họ xuất hiện trong giấc mơ; ban ngày, ánh mắt bạn nhận ra ngay họ ở
trong đám đông; câu chuyện nhắc đến họ làm cho lòng bạn rung động mạnh. Việc nhận
ra sự oán giận còn tồn tại nơi mình giúp mình cậy dựa vào Chúa hơn, xin Ngài
giúp mình vượt qua cơn cám dỗ để tha thứ và yêu thương như Chúa đã làm gương.
Nhưng xin bạn đừng ảo tưởng rằng đến một ngày nào đó, lúc mình tiến xa hơn trên
đường nhân đức, mình sẽ không ‘yên trí’ một ai nữa! Cha cố Phaolô Nguyễn Công
Minh đã chia sẻ: Nếu căn cứ vào đức yêu thương để đánh giá con đường trọn lành
của một tâm hồn, thì phải thừa nhận rằng ‘bao lâu còn sống trên trần gian, chúng
ta còn tiếp tục xúc phạm đến anh em mình’.
Khi tạo dựng mỗi người, Thiên Chúa giấu đi một mảnh ghép Gigsaw
puzzle, khiến con người khắc khoải tìm kiếm Ngài, khiến con người luôn phải cậy
dựa vào Ngài trong mọi sự: bạn không thể lo liệu về cuộc sống mình, bạn luôn
mong chờ sự ban ơn và phù trợ của Đấng nắn đúc ra bạn. Mảnh ghép Puzzle còn ẩn
chứa một yếu tố nữa là sự bất toàn của chính mình: thắng được mình là điều dai
dẳng và khó khăn, đòi buộc ta phải cậy dựa vào Chúa. Và Thiên Chúa lại rất
thích chúng ta cậy dựa và tin tưởng vào Ngài như con thơ trong vòng tay mẹ hiền,
Chúa yêu ta dù ta không hoàn hảo – nhưng biết kiên trì chỗi dậy để bước theo sự
chỉ dẫn của ‘GPS Giê su’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét