Sách TĐCV có kể một câu chuyện rất thú vị:
ông Phaolo và Banaba đến Lystra, có một người bại cả 2 chân từ nhỏ, chưa hề đi
được bước nào, anh nghe ông Phaolo giảng và thấy anh có lòng tin nên Ngài đã
chữa anh lành: anh đứng dậy đi, hai chân đứng thẳng. Thấy phép lạ, dân chúng
tưởng các Tông Đồ là những vị thần Dớt và Hec – mê, và họ định đem lễ vật tế
thần các Ngài (14,5-8). Đáp ca: “Không phải cho chúng con, lạy Chúa, nhưng xin
cho danh Ngài rạng sáng”. Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta vênh vang khi làm
việc đạo, khi đó chúng ta đánh cắp vinh quang của Chúa. Trong Cựu Ước, biến cố
oai hùng nhất Chúa đã ra tay là biến cố vượt qua biển đỏ, còn gọi là biến cố xuất
hành, vậy mà chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, dân Do Thái lại quy vinh quang
đó cho thần bò vàng và những vị thần khác do con người dựng nên.
Nhiều khi Chúa cho chúng ta thấy những
thành công trong đời trên bình diện cuộc sống hoặc trên bình diện siêu nhiên,
việc tông đồ. Thay vì tạ ơn Chúa, nhìn nhận mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, thì
chúng ta lại vênh vang như thể do tài năng riêng của ta hoặc do sự may mắn. Câu
đáp ca trên phải được chúng ta nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần trong cuộc sống, có
thể là từng ngày sống. Câu đáp ca đó phù hợp với câu Lời Chúa: Khi làm xong bất
cứ việc gì, các ngươi hãy thưa lên: “Lạy Chúa, chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng,
chỉ biết làm việc phải làm”.
Tôi nhận thấy trong nhiều cuộc lễ, nhiều
khi người giáo dân cũng ‘tế thần’ các đấng bậc và các đoàn thể nhiều quá :
“Kính thưa các loại kính”! Đành rằng cũng phải có những lời cám ơn về những
việc đáng lẽ không phải cám ơn - những việc thuộc bổn phận; nhưng cứ lặp lại quá nhiều
lần - kiểu như tế thần 'các vị' thì lòng kiêu ngạo sẽ nổi lên, dễ làm ta liên tưởng đến việc cướp mất
vinh quang Chúa. Những lời cám ơn không cần thiết và quá trớn cũng biểu lộ một
sự vô cảm và máy móc, dễ biến các mục tử thành những quan chức hơn là người
phục vụ đoàn chiên một cách nhiệt tình và vô vị lợi.
Đức Phanxicô nói: một người không trải qua
những sỉ nhục sẽ không học được đức khiêm nhường. Điều này khiến ta liên tưởng
đến tình trạng bị hiểu lầm và vu khống oan ức mà những người lành thánh thường
phải trải qua, như một cơ hội cần thiết để đức tin của họ nên tinh tuyền hơn.
Các Thánh TĐVN cũng thường trải qua những vu khống những tội danh chính trị mà
họ không làm, tội sa đọa về luân lý, nhưng lòng các Ngài vẫn bình an, phó thác
mọi sự trong tay Chúa và tha thứ cho kẻ giết hại mình. Chính Chúa Giê su cũng
bị vu cáo tội lộng ngôn, tội chính trị, chịu sỉ nhục muôn vàn trong cuộc thương
khó và chịu cảnh cô đơn cùng cực, bị cả loài người loại trừ khi bị treo trên
thập giá, nhưng Chúa đã tha thứ cho kẻ làm khốn mình.
Ai trong chúng ta cũng mang trong mình
nỗi sợ bị người khác loại trừ, nên sự thường, nếu bị ai đó xúc phạm, nhiều người rất bận tâm đến việc chứng minh rằng mình đúng và người kia có những
hành động không thể chấp nhận được, họ không ngừng lên tiếng biện hộ cho mình
và xem việc tìm kiếm đồng minh là việc quan trọng nhất trong cuộc đời. Người
khiêm nhường là người nhìn nhận sự thật về mình: mình là hư không, mọi sự mình
có là do Chúa ban. Người đó không bận tâm nhiều đến sự đánh giá của người đời, chỉ
chú tâm đến sự đánh giá của Chúa, là người thầy và là người chủ thực sự của mình:
chỉ có Chúa là đủ!
Quỷ kiêu ngạo ẩn mình rất kỹ trong tâm hồn
ta, trong những bổn phận đạo đức, những công việc phục vụ, những công việc của
Giáo hội và của Chúa. Nhiều khi ta làm vì hư danh, để phô trương và tìm tiếng
khen của người đời: những hành động đó đã được trả công dứt điểm rồi (They have
been paid in full), có nghĩa là Chúa bất biết, con người không còn chút công
trạng nào trước mặt Chúa. Bởi vậy, hãy nhớ lời Thánh Phaolô: dù ăn, dù uống,dù
làm gì đi nữa, anh em hãy làm vì Danh Đức Ki tô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa
Cha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét